Báo Pháp luật TPHCM ngày 24/1/2019 đăng bài “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” của Nhóm PV, trong đó có đoạn viết:
“Như vậy, cần phải khẳng định là: Sau giải phóng thì khu vườn rau phường 6, quận Tân Bình thuộc khu đất 6,8 ha nêu trên đã thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước. Việc tiếp quản, quản lý đất được chính quyền thực hiện theo Điều 1 Phần IV Quyết định 111/CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ là đúng quy định, đảm bảo được nguyên tắc chung của các luật đất đai. Đó là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.”
Câu trên sai, vì cho đến năm 1977, thậm chí đến năm 1980, quy định về sở hữu toàn dân đối với toàn bộ đất đai trên lãnh thổ quốc gia vẫn chưa có trong hệ thống pháp luật của CHXHCNVN. Phải chờ đến bản Hiến pháp 1980 nguyên tắc đó mới được đặt ra lần đầu tiên và thậm chí còn phải chờ đến tận Luật Đất đai 1987 mới được quy định cụ thể để thực thi trên thực tế.
Trước và sau Quyết định 111 một thời gian, ở Việt Nam vẫn tồn tại sở hữu tư nhân về đất đai. Mục đích ban hành Quyết định 111 là nhằm quốc hữu hóa một số khu đất thuộc sở hữu của nhà nước chế độ cũ và nhà cửa của các quan chức chế độ cũ, chứ không có mục tiêu lẫn hệ quả biến toàn bộ đất đai trên lãnh thổ quốc gia trở thành tài sản công thuộc sở hữu toàn dân.
Cần lưu ý, vào thời điểm ban hành Quyết định 111, bản Hiến pháp 1959 vẫn còn hiệu lực thi hành, mà trong đó Điều 12 chỉ nói “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân. Điều 14 của Hiến pháp 1959 thậm chí còn quy định: “Nhà Nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân.”
Nói cách khác, mãi đến năm 1980, theo bản Hiến pháp mới, toàn bộ đất đai trên lãnh thổ mới thuộc sở hữu toàn dân. Điểm sai chết người đó cho thấy các tác giả bài báo không hiểu rõ tiến trình phát triển của hệ thống pháp luật nước CHXNCNVN nói chung, và luật đất đai nói riêng.
Tuy nhiên, sự nhầm lẫn đó có thể hiểu được, bởi họ chỉ là phóng viên viết theo sự sai bảo, chứ không phải là luật sư hành nghề độc lập./.