Trúc Giang (VNTB) – Làm rầu nồi canh ở đây không phải chỉ một con sâu trong làng báo, mà là cả bầy sâu bọ nhung nhúc.
Sáng thứ ba 15-1, nhật báo Sài Gòn Giải Phóng và trang báo điện tử của tờ báo này đã đăng bài viết “134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài” (http://www.sggp.org.vn/134-ho-dan-khai-thac-dat-vuon-rau-tan-binh-deu-co-nha-ben-ngoai-570888.html). Người dân khu vườn rau Lộc Hưng nói rằng bài viết sai sự thật.
Trưa Chủ nhật 20-1, cô giáo Trần Minh Thi, cư dân khu vườn rau Lộc Hưng đăng tải trên trang cá nhân facebook tấm hình với ghi chú đây chính là cô phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã gặp gỡ bà con hôm đó (xem ảnh). Đầu giờ chiều, tấm hình này được tháo xuống kèm lời chia sẻ (trích nguyên văn, bao gồm cách viết tắt): “Vẫn biết sự lan tỏa đã có, nhưng với thiện chí tôi sẽ rút bài về phóng viên báo SG vì lòng thiện của con người VrLH”.
Bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng của phóng viên ký tên Hoàng Phương được thể hiện theo dạng tường thuật phiếm chỉ lời của một quan chức quản lý cấp quận Tân Bình. Đoạn mang tính tìm hiểu thực tế của cá nhân phóng viên được sử dụng đại từ nhân xưng ‘chúng tôi’, có nguyên văn như sau:
“Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình ở khu đất này khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay, còn có tình trạng đầu nậu đầu cơ, bảo kê xây dựng trái pháp luật. Một số người dân khu vực còn cho biết có người mua đất nông nghiệp ở đây bằng giấy tay với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh”. Qua những lần có mặt tại hiện trường, PV còn được nghe thông tin có hộ dân sau đợt tháo dỡ nhà không phép đã thở phào nhẹ nhõm: “May mà không xây nhà”. Số là hộ này đang khai thác đất trồng rau và thấy “phong trào xây nhà trái phép” trong năm 2018 nên người nhà dự định đầu tư 500 triệu đồng để xây phòng trọ. Nhưng may mắn là có người khác can ngăn, vì thấy rằng đây là đất nông nghiệp nên xây nhà là vi phạm”.
Lưu ý đoạn trích trên, câu Qua những lần có mặt tại hiện trường, PV còn được nghe thông tin có hộ dân sau đợt tháo dỡ nhà không phép đã thở phào nhẹ nhõm: “May mà không xây nhà”, là đặt trong ngữ cảnh “Đại diện UBND quận Tân Bình khẳng định còn có tình trạng “mặt rô” vào chiếm đất người dân đang trồng rau để xây nhà trái phép rồi cho thuê”. Nói một cách khác, có thể hiểu là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã đi cùng với người nào đó của UBND quận Tân Bình khi đến ghi nhận ý kiến của cư dân vườn rau Lộc Hưng. Sự khách quan ở đây được giới hạn trong hoàn cảnh ‘người chính quyền’ đi kèm.
Tựa bài viết được đặt ở thể khẳng định:“134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài”. Nếu tựa này được kết thúc bằng dấu chấm hỏi của thể nghi vấn thì bài viết sẽ dễ được chấp nhận hơn, mặc dù phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã cố tình không tường thuật đầy đủ các ý kiến của người dân vườn rau Lộc Hưng mà cô đã gặp gỡ.
Cuối giờ sáng Chủ nhật 20-1, trên báo điện tử Người đô thị, có bài viết “Cưỡng chế ‘vườn rau Lộc Hưng’: Người dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Trung ương” (https://nguoidothi.net.vn/cuong-che-vuon-rau-loc-hung-nguoi-dan-gui-don-keu-cuu-khan-cap-toi-trung-uong-17111.html?fbclid=IwAR1Zt9zSfgKGRmY4d_CJ7Cis9J_8dgwFyZPVw8OfXRMxTuKuD2SXaRf3_2s).
Cũng ở thể tường thuật, nhưng báo Người đô thị dẫn tên cụ thể (trích):
“Ngồi bên đống đồ đạc ngổn ngang, bà cho biết gia đình không nhận được “miếng giấy” (thông báo cưỡng chế -PV) từ chính quyền. Đồ đạc chạy không kịp. Cái gì còn cái gì mất cũng không biết. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ mới “thấy” cảnh màn trời chiếu đất. Không biết nương tựa vào đâu. Hai vợ chồng đã lớn tuổi. Sống nay chết mai. Chỉ thương đàn con đàn cháu không biết bám víu vào đâu. Năm cháu, sáu con chưa kể dâu rể đều sống cùng với vợ chồng già.
“Tôi khổ thì mọi người cũng khổ”, bà Thái nghẹn ngào, không biết nói gì thêm.
“Ngoài đường” là nơi tá túc của gia đình bà Ngô Thị Nga khi chỉ còn non tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Bà về làm dâu Vườn rau Lộc Hưng từ năm 1986. Trồng rau mà sống. Trải qua hằng chục năm canh tác, đất đai ngày càng bạc màu, chưa kể cánh đồng thường xuyên ngập úng do nước mưa, nước thải… Không thể tiếp tục canh tác, năm 2012 gia đình cất nhà trọ cho thuê, làm kế sinh nhai. Cũng như bà Thái, bà Nga cho biết không nhận được thông báo từ chính quyền trước khi tiến hành cưỡng chế. “Còn tí xà bần cũng không bán được. Tiền nhận rồi phải trả lại vì xe của bên mua không được phép vào”, bà Nga uất ức”.
Dễ dàng nhận ra đâu là sự thật, nếu so bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng với bài trên tờ Người Đô Thị.
Để một bài báo lên khuôn, ở đây cụ thể là bài “134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài” thuộc chuyên trang xã hội, trước tiên bài viết phải được trưởng ban xã hội duyệt và biên tập lần 1, chuyển ban thư ký tòa soạn. Biên tập nâng cao sẽ có trách nhiệm lần biên tập 2. Những bài có nội dung được cho là nhạy cảm sẽ được chuyển tiếp cho phó tổng biên tập trực xuất bản, duyệt lần nữa. Những bản in đầu tiên sẽ được vị phó tổng đó duyệt lần cuối trước khi chạy in và phát hành.
Bài báo “134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài” đã được một trong hai phó tổng biên tập sau đây đã phê duyệt trong ca trực xuất bản: Lê Tiền Tuyến, Nguyễn Thành Lợi.
Theo Luật Báo chí, trách nhiệm cao nhất ở đây là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Thành ủy viên, Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Tấn Phong.
Như vậy, trong trường hợp bài báo “134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài” là cố tình tránh né sự thật, tuyên truyền theo hướng biện minh giảm nhẹ sự sai trái của chính quyền quận Tân Bình, thì làm rầu nồi canh ở đây không phải chỉ một con sâu trong làng báo, mà là cả bầy sâu bọ nhung nhúc.