Hôm 9 tháng 1, 2019, các báo đảng thừa nhận hộ chiếu Việt Nam còn xếp sau Lào một bậc và sau Campuchia 3 bậc theo kết quả thăm dò quyền lực hộ chiếu của Chỉ số Hộ chiếu Henley (Henley Index Passport).
Điều đó có nghĩa tính phổ biến của hộ chiếu Việt Nam bị hạn chế hơn cả Lào và Campuchia. Cũng theo bảng xếp hạng của Chỉ số Hộ chiếu Henley, Nhật bản được xếp hàng đầu.
Chuyện hộ chiếu Việt Nam mang chúng ta trở lại với sự kiện Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã nêu vấn đề cách đây 11 năm khi đức cha phát biểu:”Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.
Toàn văn lời phát biểu của đức cha Ngô Quang Kiệt tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 20 tháng 9 năm 2008 như sau: “Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
Tức khắc sau đó, gần như tất cả các loa tuyên truyền lớn nhỏ tập trung công kích đức cha. Báo Công An Đà Nẵng chạy một tít dài: “Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt là người nước nào vậy?” Tờ Việt Báo trong nước bình luận: “Ông Ngô Quang Kiệt nên xấu hổ với giáo dân!” Báo Công An Nhân Dân tố cáo: “Lộ rõ ý đồ xấu của ông Ngô Quang Kiệt”. Báo Hà Nội Mới nhận xét: “Ông Ngô Quang Kiệt đi ngược lại lợi ích của dân tộc”.
Nếu tất cả những người biết đọc biết viết có cơ hội đọc nguyên văn bài phát biểu của đức cha Ngô Quang Kiệt và ngồi xuống lắng lòng suy nghĩ về những lời nói tự nhiên và chân thành của ngài, họ sẽ hiểu ra rằng chẳng những đức Tổng Giám mục không nhục mạ dân tộc mà còn là người có lòng yêu nước sâu đậm.
Câu nói của đức cha Ngô Quang Kiệt không có một chữ nào dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng gọi là phỉ báng dân tộc; ngài chỉ nói lên sự quan tâm của mình trước một Việt Nam yếu kém, thua sút đối với các quốc gia trong cùng một châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn.
Mặc cảm làm người dân của một đất nước bị phân hóa, hoài nghi, chia rẽ, nghèo nàn, tham nhũng, không được kính trọng mà đức cha cảm nhận trong những chuyến đi xa vẫn ngày đêm ám ảnh trong ý thức của ngài. Và đức cha hẳn đã nhiều lần tự hỏi làm sao dân tộc Việt Nam có thể vượt qua được cái bất hạnh của chính mình để đi đứng ngang hàng với các quốc gia khác. Nếu không phải là người yêu nước và biết tủi thẹn với những hy sinh xương máu của tổ tiên, nếu không mang trong lòng những thao thức về đất nước, đức cha đã không buông ra những câu nói đó.
Càng yêu nước càng thấy đau cho đất nước, càng yêu lịch sử hào hùng của tổ tiên càng cảm thấy nhục nhã phải làm người Việt Nam trong thời đại hôm nay./.