Luân Lê |
Ở Venezuela, với hàng triệu dân phải khăn gói rời bỏ quê hương một cách ồ ạt sau khi chính quyền độc tài nước này đẩy đất nước giàu có và xinh đẹp vào cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng triền miên, thì đó là nỗi nhục của chính quyền đang nắm quyền cai trị chứ không phải lỗi ở những người dân phải từ bỏ đất nước ra đi.
Hay như ở Bắc Triều Tiên, bất cứ khi nào có thể, từng công dân của thiên đường tăm tối này cũng đều tìm cách bỏ trốn cho thật nhanh khỏi sự cai trị tàn khốc và truy sát ráo riết của nhà nước cộng sản toàn trị. Và sẽ không một ai đổ lỗi hoặc chê trách người dân đã trốn chạy, dù họ có rời bỏ quê hương tổ quốc của mình mà đi trong tình cảnh của một kẻ chạy trốn, mà người ta sẽ coi khinh cái chính quyền điều hành man rợ của quốc gia đó vì đã đẩy những nhân dân của mình tới cảnh khốn cùng đến mức không còn lựa chọn nào khác.
Ở các quốc gia hồi giáo cực đoan, chiến tranh và khủng bố, sự đàn áp dã man từ chính quyền hoặc các nhóm cầm đầu chính trị đã khiến nhân dân ở những xứ sở này phải sống trong sợ hãi, tang thương, bị kịch, chết chóc luôn thường trực và trước sự bấp bênh về tương lai phía trước. Và vì vậy, con đường duy nhất mà họ có thể lựa chọn đó là tìm cách di cư và tị nạn (nhận sự bảo trợ từ chính quyền) ở những quốc gia tốt đẹp khác để bảo toàn cho mình. Cũng như dân Do Thái phải chạy trốn khỏi sự truy diệt của Quốc xã phát xít vậy.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, người dân đặt dưới sự cai trị hà khắc và tàn bạo không giới hạn trong một chế độ chính trị độc tài, họ thường phải tìm mọi cách rời bỏ quê hương của mình để đi tìm một nơi chốn an toàn, thịnh vượng và tốt đẹp khác mà xây dựng cuộc sống và tương lai của chính mình và dành chúng cho các thế hệ tiếp sau thụ hưởng, xây dựng và bảo vệ. Và điều mà chúng ta phải kịch liệt lên án đó chính là thứ chính quyền đã đày đoạ nhân dân đến mức đã thực sự tước bỏ và cướp mất cả nơi chốn cư trú cũng như dung thân của họ, chà đạp lên thân phận của họ. Tổ quốc không còn phải là mái nhà sinh tồn, gắn bó của họ mà trở thành cái nôi của sự ngục tù và những truy bức.
Chỉ khi nhìn nhận thấy trách nhiệm của chính mình, tức chính thể điều hành quốc gia, trước các hệ quả tồi tệ của đời sống và xã hội đang hiện diện mới hy vọng rằng đất nước đó có thể cải sửa, thay đổi và hoàn thiện bằng những hành động tốt hơn trong việc điều quản quốc gia của mình. Đất nước và dân tộc mới có cơ hội để vươn mình lên mà thoát ra khỏi các vũng lầy và những tăm tối bủa vây.
Và chỉ những kẻ có quyền chức ăn đến mức không từ thứ gì của dân; tham nhũng hoành hành và cũng chỉ là cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước; đất nước nghèo đói, lạc hậu, nợ nần chồng chất; con người ngày càng bạo lực, tàn ác và suy đồi; môi trường ô nhiễm và tài nguyên khánh kiệt; giáo dục và luật pháp rơi vào những sự khủng hoảng và hỗn loạn…thì đó mới là nỗi nhục lớn nhất của quốc gia thuộc về trách nhiệm nhà cầm quyền, chứ không thể đổ lỗi cho những người dân bé mọn gánh trên thân phận muôn vàn những nỗi cực khổ và cảm thấy đủ đường tủi nhục vì chẳng còn lựa chọn nào khác mà quên đi mất cái bổn vụ lớn lao nhất của mình trước nhân dân và xã tắc – là thể chế chính trị.
Sự rời bỏ của người dân, lúc này, mới chính là nỗi nhục của quốc gia. Và người dân chỉ có lỗi ở chỗ, họ đã không đối mặt và tranh đấu để giành lấy quyền được sống tốt hơn mà tìm cách trốn chạy vấn đề mà thôi. Vì chính quyền không phải là giải pháp của vấn đề, mà chính quyền chính là vấn đề./.