Chriss Street – Americanthinker
Phạm Nguyên Trường dịch
Chủ tịch Tập Cận Bình mở màn lễ kỉ niệm 40 năm Cải cách ở Trung Quốc bằng lời cảnh báo rằng nguy hiểm “không thể tưởng tượng nổi” mà chỉ có ông ta lãnh đạo Đảng Cộng sản thì mới kiểm soát được mà thôi.
Ngày 18 tháng 12 năm 1978, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ có những bước đi nhằm mở cửa cho sự tham gia và chào đón chủ nghĩa tư bản, thì ông ta cũng nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Ẩn mình, chờ thời, đừng bao giờ cố gắng đi hàng đầu”.
Nhưng đứng trước những nỗ lực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô và địa chính trị của Tổng thống Donald Trump trong việc sử dụng thương mại, ngoại giao và quân sự nhằm chống lại tham vọng “Made in China 2025” với mục tiêu giành thế thượng phong trên thế giới về công nghệ và chuỗi cung ứng, Tập [Cận Bình] tìm cách chia đôi thế giới thành những khu vực chịu ảnh hưởng của Mĩ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau.
Phát biếu trước 10.000 quan chức nhà nước tại Đại lễ đường Nhân dân, kỉ niệm giai đoạn cải cách mở cửa kinh tế 1978-2018, Tập [Cận Bình] đã dành một giờ rưỡi để nhấn mạnh: “Thực tiễn của cải cách và mở cửa trong 40 năm qua chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc… đông, tây, nam, bắc và ở giữa, đảng lãnh đạo toàn diện”.
Kể từ khi giành được quyền lực, năm 2012, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kỉ luật 18 ủy viên chính thức và 17 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, 1,34 triệu quan chức từ cấp cao đến cấp thấp khác – được gọi là “hổ và ruồi” – đã bị thanh trừng vì bị cáo buộc vô kỉ luật và tham nhũng.
Nhằm ghi nhận những đóng góp của Tập [Cận Bình] vì sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội trong nhiệm kì kéo dài 6 năm, tháng 3 vừa qua người ta đã sửa đổi hiến pháp Trung Quốc nhằm loại bỏ giới hạn nhiệm kì cầm quyền của ông này. Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua bản hiến pháp mới với 2.958 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Tập [Cận Bình] bắt đầu bài phát biểu kỷ niệm của mình bằng những lời phê phán cuộc Cách mạng Văn hóa, giai đoạn 1966 – 1976, dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã đưa 20 triệu người dân thành phố về nông thôn để cải tạo, khiến 200 triệu nông dân thường xuyên thiếu đói, và hơn 1,5 triệu vụ hành quyết và tự tử.
Giai đoạn này được người ta cho là có ý nghĩa trực tiếp đối với Tập [Cận Bình], vì cha của ông ta, Xi Zhongxun [Tập Trọng Huân] bị Hồng vệ binh kéo lê trước mặt đám đông và bị cách chức vì trong chuyến viếng thăm Đông Đức đã dùng ống nhòm để nhìn chằm chằm sang Tây Berlin.
Nhiều người nghĩ rằng rằng bài phát biểu của Tập [Cận Bình] sẽ vinh danh những thành tựu kinh tế, nhưng Tập [Cận Bình] cũng chẳng khác gì Mao Chủ tịch khi cảnh báo: “Mỗi bước đi trong cải cách và mở cửa đều không dễ dàng, và trong tương lai, chúng ta sẽ gặp tất cả các loại rủi ro và thách thức, thậm chí có thể gặp phải những đợt sóng triều đáng sợ và những trận bão kinh hoàng không ai có thể tưởng tượng được”.
Sau đó, Chủ tịch Tập [Cận Bình] khẳng định vai trò tiên phong của sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách phê phán thuật ngữ của “khu vực tư nhân”, khi ông tuyên bố: “Chúng ta nhất định phải củng cố sự phát triển của nền kinh tế nhà nước, trong khi nhất định phải khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn quá trình phát triển của nền kinh tế ngoài quốc doanh”. Bloom Bloomberg báo cáo rằng chỉ số chứng khoán tổng hợp ở châu Á đã giảm ngay trong khi Tập [Cận Bình] đọc diễn văn.
Diana Choyleva trên trang mạng Enodo Econom (chuyên phân tích về Trung Quốc – ND), lớn lên ở nước Bulgaria cộng sản và được nhiều người ở Wall Street công nhận là nhà kinh tế học chuyên phân tích về Trung Quốc giỏi nhất hiện nay, tin rằng thế giới đa cực mới đang xuất hiện trong “khuôn khổ của quá trình phi toàn cầu hóa”.
Choyleva công nhận rằng “Chiến tranh thương mại” giữa Mĩ và Trung Quốc có thể sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, nhưng bà dự đoán sẽ xảy ra “Chiến tranh công nghệ Mĩ/Trung và sẽ dẫn đến việc phá vỡ và định tuyến lại chuỗi cung ứng hiện nay”. Hành động này sẽ làm cho lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation – lạm phát chi phí-đẩy là một loại lạm phát gây ra bởi sự gia tăng đáng kể trong chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng mà không có thay thế phù hợp có sẵn. Nó tương phản với lạm phát kéo theo nhu cầu – ND) quay trở lại, mà bà cho là “tin xấu” đối với chứng khoán và trái phiếu toàn cầu.
Bà nhấn mạnh rằng khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập [Cận Bình] thưởng thức “bữa tối tuyệt vời” ở Buenos Aries trong Hội nghị G-20, dẫn đến tạm ngưng cuộc Chiến tranh Thương mại trong vòng 90 ngày, thì Giám đốc tài chính Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị bắt ở Vancouver theo lệnh của Mĩ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Ngay sáng hôm sau, các hãng thông tấn nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi bữa ăn tối Tạm ngưng Chiến tranh Thương mại, coi đấy là thành tích đàm phán vô cùng to lớn. Nhưng, ngày hôm sau, tờ Nhân dân Nhật báo đã gọi việc bắt giữ Mạnh Vãn Chu là hành động vi phạm nhân quyền và nói rằng việc giam giữ và đe dọa dẫn độ bà này sang Mĩ là những động thái chính trị, sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng.
Choyleva tin rằng rằng ngay cả khi Chiến tranh thương mại hạ nhiệt, Washington có thể sẽ tăng cường những nỗ lực nhằm kiềm chế các công ty công nghệ Trung Quốc bằng cách lôi kéo các đối tác ở châu Á và châu Âu cùng có những mối lo tương tự như thế. Bà này cho rằng, năm 2019, khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu đi, Trung Quốc sẽ liên kết với Nga để tiến qua đồng bằng Á-Âu và tìm cách chia rẽ châu Âu./.