Sau những vỡ òa trên đường phố Việt Nam người dân chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Hàng ngàn thanh niên như lên đồng, mặt mũi đỏ rừng rực chạy xe lòng vòng với nhau chỉ cốt khoe sự ủng hộ của họ với đội bóng nhà vừa chiến thắng. Hai mươi lăm cái chết được báo trước cùng hằng trăm người vào bệnh viện vì thương tật không làm đám đông giãn ra, nó chỉ thúc đẩy thêm sự hưng phấn đã lên tới đỉnh điểm chỉ xảy ra ở những đám đông cuồng nhiệt. Đám đông ấy được nhìn với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng nói chung vẫn cùng mẫu số: giải tỏa áp lực từ cuộc sống hàng ngày, tự khẳng định mình và trong một cách nhìn nào đó tận dụng cơ hội này để khoe khoang giữa đám đông mà hàng ngày không thể.
Nam khoe cơ thể, nữ khoe sự trần truồng, khoe khu vực hàng ngày được che kín. Những cô gái ung dung cởi quần áo giữa phố trên các video clip không còn lạ mắt người xem nữa, nó đã trở thành trào lưu của người trẻ hôm nay và xã hội nhìn hình ảnh này một cách nguội lạnh. Tiếng gầm rống của thanh niên những lần tụ tập như thế được báo chí gọi là “bão” là “vỡ òa” cũng đúng với hiện tượng của nó, hiện tượng đú đởn và tục hóa cả một thế hệ thanh niên, thế hệ lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Dù sao thì cũng có thể hiểu được tính cách nổi loạn của họ, nó xảy ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam khi nơi nào mà các nhân tố xã hội không thỏa mãn được nhu cầu sống của đám đông thì nơi ấy có sự phản ứng.
Chỉ có điều, Việt Nam không những vỡ òa vì những tác động dưới đất mà còn sẵn lòng gây bất bình vì một cục đá trên trời. Cục đá được biết rơi từ hành tinh khác xuống trái đất hàng ngàn năm trước được bán đấu giá tại Mỹ và người chiến thắng là một doanh nghiệp Việt Nam. Cục đá được gọi là thiên thạch ấy có giá trị 14 tỷ đồng và hiện đang trị vì tại một ngôi chùa hoành tráng của miền Bắc: Chùa Tam Chúc. Cục thiên thạch được long trọng và thành kính do Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Ninh Bình làm lễ cung nghinh.
Cục thiên thạch có ý nghĩa gì mà được một tôn giáo lớn như đạo Phật chào đón và thờ lạy long trọng như vậy?
Đây là câu hỏi đang gây bất bình trong tập thể phật tử Việt Nam. Đạo Phật không như các đạo giáo khác với triết lý tôn sùng thượng đế từ vũ trụ, từ nơi không ai có thể đoán định về sự xuất hiện của các đấng. Đạo Phật thờ lạy một vị bồ tát duy nhất là Thích Ca, là một hoàng tử từ bỏ hoàng cung, gia đình là những thứ gây ra bể khố để tu hành cứu khổ chúng sinh. Phật Thích Ca không đến từ vũ trụ mà ngài hiện hữu giữa cuộc đời như một chân lý, chỉ có ta mới có thể giải thoát cho ta bằng sự tu hạnh.
Thiên thạch dù từ nơi đâu xuất hiện trên trái đất cũng không mang bất cứ một hình ảnh nào của Phật giáo. Thiên thạch chỉ có ích cho các nhà thiên văn học nghiên cứu sự phát triển và hình thành của một hành tinh giữa vô vàn hành tinh trong vũ trụ. Nếu cho rằng cục đá vô tri kia có giá trị thì giá trị ấy chỉ gói gọn trong con số 14 tỉ đồng không hơn không kém.
Nhưng đem giá trị được đo đếm bằng tiền để Phật tử quỳ lạy là hành vi của bọn ác tăng.
Những cô gái cởi truồng dù bị lên án cũng có lý do giải thích vì họ khoe khoang của tự có. Chùa Tam Chúc muốn tránh thị phi vì khoe khoang cục đá vô tri không dễ dàng gì vì làm sao trả lời cho phật tử biết cái cục đá ấy, cái số tiền 14 tỷ ấy có thể thay thế đức Thích Ca để phổ độ chúng sinh?
Trào lưu khoe khoang sự giàu có trong các chùa chiền đã lên tới đỉnh điểm. Đạo Phật biến dạng và không ít người công khai lên án. Những tu sĩ không hề biết thuyết pháp nhưng được khoác lên những danh xưng Thượng tọa, Hòa thượng xuất hiện đầy rẫy. Những chiếc áo đã làm nên thầy tu ấy không dệt bằng chất liệu sợi thông thường, chúng được dệt bằng nghị quyết, bằng chính sách, bằng sự khuyến khích đi lệch đường tu của chiếc xe Phật pháp.
Và vì vậy một cục đá vô tri nằm trên bàn thờ ngang với Phật không phải là chuyện ngẫu nhiên, nó được tính trước từ những cái đầu nguội lạnh giáo lý nhà Phật nhưng lại hừng hực bóng dáng đồng tiền và sự cám dỗ của danh tiếng đã làm cho câu kinh tiếng kệ của nhà chùa trở thành méo mó, tổn thương.