Khi bạn là người đam mê một vấn đề gì, bạn sẽ đổ hết tâm huyết vào đó, bạn sẽ dành nhiều thời gian cho nó. Khi có đam mê, trong người như có một lực vô hình cứ thúc bạn tiến tới để vượt qua nghịch cảnh và tới thành công. Đấy là sự diệu kì của đam mê. Cho nên một nền giáo dục tốt là nền giáo dục chắp cánh cho những đam mê, nâng niu từng năng khiếu của mỗi con người. Kết quả, xã hội sẽ có nhiều sáng tạo, đất nước tiến đến với sự phát triển bền vững.
Nhìn lại những nước phát triển xem? Khoa học của họ ở đỉnh cao, nghệ thuật của họ cũng đỉnh cao, và thể thao của họ cũng vượt trội. Mà đặc biệt, từ rất sớm, những đứa trẻ ý thuộc trách nhiệm về xã hội rất rõ ràng, và học sinh cũng đã trang bị cho mình ý thức chính trị một cách rõ ràng.
Tương tự những lĩnh vực khác, muốn làm chính trị thành công cũng phải có đam mê – đam mê quyền lực. Làm chính trị trong một xã hội tự do dễ hơn làm chính trị đối lập trong đất nước độc tài. Mà đặc biệt, trong nhà nước độc tài toàn trị như xã hội Việt Nam thì làm chính trị đối lập khó hơn gấp bội. Thật sự Việt Nam đang rất cần những bạn trẻ có sự đam mê mạnh mẽ để làm chủ tương lai đất nước.
Thomas Edison, nhờ sự kiên trì cộng với bộ não thông minh cộng với niềm đam mê khám phá đã đưa ông trở thành nhà sáng chế vĩ đại. Có những thí nghiệm thất bại hàng trăm lần không làm ông nản, và cuối cùng cái đích là thành công. Gần giống như vậy, để làm chính trị thành công trong hoàn cảnh khó khăn như Việt Nam hiện nay, thì các chính trị gia tương lai cần không những 3 yếu tố như nhà sáng chế mà là cần đến 4. Đó là những yếu tố nào? Thứ nhất là đam mê quyền lực, thứ nhì trí thông minh, thứ ba bà sự kiên trì, và thứ tư sự đồng lòng. Trước đây, những người cộng sản lập nên ĐCS, người lãnh đạọ vẫn đủ những yếu tố đấy, không thể khác được. Dù rằng, sự thông minh của lãnh tụ CS có phần ranh ma, nhưng không thể phủ nhận phần trí của họ. Và một điều mà các bạn trẻ hôm nay nên nhớ, đấy là sự đồng lòng trong tổ chức của người Cộng Sản rất cao. Nếu muốn thành công, muốn lật được Cộng Sản thì hãy tổ chức đảng chặt chẽ không thua Đảng Cộng Sản. Nếu chỉ lo đấu đá nhau, muôn đời không làm gì được Cộng Sản cả. Và thực tế, phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam bao nhiêu năm nay không đủ gãi ngứa Cộng Sản. Và mong rằng lớp trẻ đừng đi vào vết xe đổ đó nữa.
Làm chính trị là vấn đề lớn, tự trong suy nghĩ và hành động phải thể hiện được cái tầm của mình. Tránh xa chuyện lừa gạt tình tiền rồi đấu nhau. Nhà chính trị tương lai không thể là thứ như thế. Cho nên các bạn trẻ hãy thật kỹ, tìm người cùng chí hướng, có tầm, cùng đam mê quyền lực, tương đồng về tư tưởng chính trị, và có nhiệt huyết mạnh mẽ để lập nên một group. Group đó chính là đảng phái chính trị của các bạn. Đam mê, cộng trí tuệ, cộng kiên trì, và đoàn kết sẽ là công thức thành công cho tất cả. Nhớ rằng, để lập đảng không được tuyển thành phần ô hợp mà phải tuyển thật kĩ. Biết là khó khăn và chậm chạp bước đầu, nhưng không thể khác. Nhân lực cho đảng là cực kỳ quan trọng.
Hồi nhỏ tôi có nghe ca sỹ Duy Khánh hát rằng “đường ta đi tuy khó nhưng có con đường ta đi”. Câu hát ấy thật triết lí và rất ý nghĩa, tôi rất thích. Vâng, nhìn thấy lối đi hay nhìn thấy bế tắc là do tầm nhìn. Cộng Sản đã sụp đổ hoàn toàn trên thế giới vì sự mục rỗng từ bên trong, thì CSVN cũng sẽ phải đổ vì nó cũng đang mục rỗng và đi ngược tiến bộ. Phong trào dân chủ ở các nước Đông Âu đã tìm được lối đi cho đất nước họ thì chắc chắn, ở Việt Nam, cũng phải có lối đi. Với người làm chính trị thông minh, nếu lập nên một tập thể thông minh và đồng lòng thì sẽ nhìn thấy lối đi trong một rừng bế tắc. Cả xã hội thấy bế tắc thì họ mới cần tổ chức chính trị khai thông chứ? Cũng như giữa Anh và Pháp, đa phần người dân không nhìn thấy đường bộ nối liền 2 nước, nhưng lãnh đạo 2 đất nước này lại nhìn thấy hướng mở một con đường bộ nối liền 2 đất nước, và thế là đường hầm dưới đáy biển được thực hiện. Có những thứ tưởng như không thể, nhưng dưới tầm nhìn của một tập thể có trí tuệ thì có hướng giải quyết, nếu biết tập hợp chất xám và lòng quyết tâm. Hy vọng lớp trẻ làm chính trị cũng xây dựng được những đảng phái có chất lượng, có tầm nhìn như thế.
Các nhà phát minh không thể định lượng được khi nào họ thành công. Chỉ biết, họ đổ tâm huyết vào đấy và tính toán những lộ trình ngắn hạn cho thật chắc chắn, cộng những bước đi chắc chắn ấy lại thì sẽ đến đích. Nhìn đường xa mà e ngại rồi buông xuôi thì đấy là những con người thấy bại. Mà khi đất nước lại có thêm một thế hệ thất bại nữa, thì đất nước này sẽ tiến gần hơn với họa tồi tệ nhất – họa mất nước./.