Lẽ ra, một quan chức cao cấp ‘ăn bẩn’ và ‘ăn nhiều’ như cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã phải tra tay vào còng từ lâu, chứ không phải chờ đến tháng Mười Một năm 2018 mới chính thức bị Bộ Công an bị bắt.
Ngày 10/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229, Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại TP HCM; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với năm bị can, trong đó cựu Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội.
Đến ngày 19/11/2018, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Tín về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Như vậy, Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh. Trước đó vào ngày 18/9/2018, ông Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an – khởi tố vụ án hình sự để điều tra Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại TP HCM.
Một dấu hỏi lớn bật ra: vì sao đã bị khởi tố từ ngày 18/9 nhưng phải đến hai tháng sau Nguyễn Hữu Tín mới bị bắt?
Không biết vô tình hay hữu ý, thời điểm ngày 18/9 trên lại xảy ra chỉ ít ngày trước cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của quan chức chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhưng hoàn toàn không vô tình, vụ khởi tố đầu tiên đối với Nguyễn Hữu Tín là sự liên đới mật thiết việc ông Tín đã tiếp tay cho Vũ ‘Nhôm’ mua với giá rẻ mạt nhiều lô đất vàng ở Sài Gòn. Vũ ‘Nhôm’ – hay người còn có tên là Trần Đại Vũ – lại được rất nhiều du luận cho rằng có mối quan hệ ruột rà với Trần Đại Quang.
Cũng có dư luận cho rằng vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín là giọt nước tràn ly khiến Trần Đại Quang ‘lên máu’và ‘đi’ luôn.
Dù chưa có bất kỳ cơ quan chính quyền nào xác nhận hay phản ứng đối với các luồng du luận trên, nhưng điều hiển nhiên là chính vào lúc này Nguyễn Hữu Tín đã không còn ‘bức tường’ nào che chắn cho ông ta. Trong khi đó, cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đã thuộc về người của Nguyễn Phú Trọng kể từ tháng tám năm 2018.
Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Nhưng dĩ nhiên thiên tiểu thuyết ly kỳ này còn lâu mới hết. Mà chỉ mới lật ra vài trang đầu…
Một cách thiết thân nhất, vụ khởi tố và bắt Nguyễn Hữu Tín đang và sẽ móc xích với nhân vật được xem là ‘bố già’ ở Sài Gòn: Lê Thanh Hải.
‘Điểm sáng’ rõ nhất trong phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 – một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy TP.HCM vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang – đương kim phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM, Nguyễn Thành Tài – cựu phó chủ tịch TP.HCM… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn? Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, ông ta sẽ phải nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’ mà còn phải thốt lên như Đinh La Thăng đã từng: “Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”./.