Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Ở Việt Nam khi nói tới tham nhũng, dư luận thường được định hướng vào những vụ “đại án” có liên quan đến những tai to mặt lớn trong đảng và chính quyền. Điều này không nằm ngoài mục đích tô son điểm phấn cho chế độ một bộ mặt lúc nào cũng cương quyết tiêu diệt đám tham quan ô lại.
Năm 2013, để chống tham nhũng trên bàn viết, đảng CSVN còn thành lập cái gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hiện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Dù đảng có một bộ máy cồng kềnh chuyên trách cho công tác đặc biệt này, sự sinh sôi nẩy nở tràn lan của tham nhũng lại trở thành một vấn nạn của đất nước.
Nhưng ở một khía cạnh khác, có một loại tham nhũng mà mới đây được bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề cập trước diễn đàn quốc hội ngày 13/11/18: tham nhũng vặt. Trong khi họp bàn về công tác của chánh án và phòng chống tội phạm, bà này nói rằng hiện nay nạn tham nhũng vặt đầy rẫy trong xã hội. Đó là nạn phong bì, chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy việc, thậm chí chạy án… Tất cả đều vận hành theo một bảng giá bất thành văn nhưng được tôn trọng ngang với một quy định của chính phủ!
Thật ra những hiện tượng vừa kể đã và đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của xã hội Việt Nam không mấy ai không biết, hoặc ít nhất một lần là nạn nhân. Chẳng những biết mà còn phải cắn răng sống chung với nó, vì tuy chúng là loại tham nhũng vặt nhưng vẫn có quyền hạch sách, nhũng nhiễu người dân trong mọi trường hợp khi phải bước đến cửa công.
Có thể nói đó là hiện tượng vơ vét; trên vơ vét theo trên, dưới theo dưới. Hay nói khác đi đó là cái giá mà người cộng sản đặt ra để đổi lấy sự ban phát ân huệ từ kẻ cầm quyền. Sau ngày 30/4 đó là bao thuốc thơm “có cán”, còn nay là một phong bì dầy cộm đô-la Mỹ. Tâm lý người dân ai cũng muốn công việc mình được trôi chảy, nhanh chóng nên phần nào đã tạo cơ hội cho tham quan vòi vĩnh.
Loại tham nhũng lớn thì do các viên chức cán bộ cao cấp, là những người có quyền đặt bút ký những dự án hay công trình bạc tỷ. 10% hay 20% – 30% là cái giá giao dịch biết điều với cán bộ có quyền quyết định.
Còn loại tham nhũng vặt ngày nay, bà Mai Hoa cho rằng đã trở thành “nét văn hoá xấu xí” của người Việt. Quan điểm ấy hoàn toàn sai mà phải nói đó chính là văn hoá “bôi trơn” của đảng CSVN tạo ra. Trong hiện tình đất nước, nếu như đảng CSVN không độc quyền lãnh đạo và báo chí thực sự là quyền lực thứ tư thì những loại tham nhũng vặt không còn đất sống vì nó sẽ bị báo chí phanh phui ngay. Thực tế cho thấy dưới chiếc roi điều khiển của cơ quan tuyên giáo trung ương, báo chí quốc doanh chỉ được quyền tự do nói những gì đảng cho phép.
Nói một cách tổng quát, người dân không ai muốn bị bọn tham quan sách nhiễu. Nhưng dưới chế độ đảng trị, sự nhũng nhiễu diễn ra hàng ngày làm cho cuộc sống của họ vốn đã cơ cực lại càng thêm bầm dập. Chính đảng cộng sản đã dung túng tham nhũng, hay nói khác đi chính đảng đã bảo kê cho nó. Nếu không có đảng bảo kê làm sao lòi ra đại án này, đại án nọ khi quyền lợi phe nhóm xung đột đến lúc phải loại trừ nhau. Vậy phải chăng tham nhũng vặt là do sự cấu kết của Quyền – Tiền và Xã Hội Đen do công an bảo kê?
Tóm lại, tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng (như Tập đoàn Dầu khí, Vinashin, Vinalines, Ngân Hàng Đại Dương, vụ MobiFone mua AVG) hay loại tham nhũng mà bà Mai Hoa cho là tham nhũng vặt (nạn phong bì, chạy chức, chạy việc, chạy trường…) không khác gì nhau, chúng đều là tham nhũng. Tham nhũng “gộc” dĩ nhiên tác hại nặng nề ở tầm mức quốc gia, nhưng tham nhũng gọi là “vặt” ấy lại là những vết thương hàng ngày khoét sâu vào đời sống người dân.
Nguồn gốc sản sinh ra tệ trạng tham nhũng không ai khác hơn là bộ máy thống trị độc tài của đảng. Chính bộ máy này đào tạo và nuôi dưỡng cho nó sống; và tuỳ theo cán bộ ở vị trí nào thì nó sẽ là tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt. Nếu nói tham nhũng và đảng sống cộng sinh cũng không có gì sai; một bên khai thác quyền lực để làm giàu bất chính, một bên ban phát quyền lực để mua sự trung thành. Do đó trước đây mới có câu nói danh tiếng của quan Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh “tham nhũng vẫn ổn định” là thế. Tiếc thay quan thanh tra Tranh đã cầm sổ hưu nên không có dịp thấy tham nhũng chẳng những ổn định mà còn lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Từ đó người ta mới thấy vụ ông Trọng dựng lò đốt củi tham nhũng trong một số vụ chỉ là trò chơi nổi nhằm mục đích đánh bóng cho chế độ, mà trước hết là cho cá nhân tổng bí thư. “Người đốt lò vĩ đại” hay “Kẻ sĩ Bắc Hà” chẳng qua chỉ là những chiếc áo khoác bạc màu mà đám xu nịnh không tiếc lời ca tụng. Thực chất đảng chống tham nhũng chính là giúp cho tham nhũng càng ngày càng vững mạnh để làm cây cột trụ cho đảng dựa vào tồn tại.
Cho nên chỉ khi nào cơ chế độc tài bị xoá bỏ thì tham nhũng mới bị tiêu diệt, vì khi đó xã hội không còn sự cấu kết bất lương giữa Đảng – Xã Hội Đen để đục khoét ăn cắp tài sản quốc gia.