Một thực tế không thể phủ nhận: chính quyền và công an đã chưa từng thành công trong việc “quốc doanh hóa xã hội dân sự” kể từ khi phong trào các tổ chức xã hội dân sự ào ạt ra đời từ năm 2013 đến nay.
“Công đoàn độc lập cuội” sẽ được đạo diễn như thế nào?
Một “biến cố” đã xảy đến với chính quyền Việt Nam khi để được tham gia vào CPTPP (Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương), đã lần đầu tiên phải chấp nhận định chế Công Đoàn Độc Lập như một trong những điều kiện then chốt của CPTPP. Sự biến này đang và sẽ áp đặt một trong những “cánh tay nối dài của đảng” là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vào cái thế lần đầu tiên trong lịch sử phải từ bỏ vai trò độc quyền “quản lý người lao động” để phải tìm cách cạnh tranh một cách minh bạch và sòng phẳng với các nghiệp đoàn lao động độc lập do công nhân lập ra.
Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Nhưng trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào Tháng Giêng năm 2019, cùng thời gian từ 3-5 năm để luật hóa và thực hiện các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), chưa có gì đáng gọi là “thành tâm” từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.
Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch “công đoàn độc lập cuội.”
Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch “công đoàn độc lập cuội.” Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực “tổ chức chính trị xã hội” của mình,” trong thời buổi chế độ độc trị phải “dân chủ hóa.”
Một trong những kịch bản được đảng tâm đắc là “Quốc Doanh Hóa Công Đoàn Độc Lập”: tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội,” như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội.”
Chẳng những thế, đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gầy dựng hình ảnh “thủ lĩnh” cho đình công, và có thể sắp tới là “thủ lĩnh biểu tình.” Đồng thời tăng cường hàng loạt động tác “chăm lo quyền lợi người lao động” để vớt vát điều được coi là “uy tín” của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vốn đã trôi dạt băng hoại qua nhiều năm tháng, cố gắng giữ chân số công nhân đoàn viên càng nhiều và càng lâu càng tốt…
Vậy Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã làm gì cho công nhân? Và nó có thành công với “công đoàn độc lập cuội?”
“Ăn” 3% và chỉ điểm bắt đình công!
Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 “cánh tay nối dài của đảng” bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách – tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.
Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tổ chức được xem là “cánh tay nối dài của đảng” – đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải “đóng góp” và 1% từ thu nhập của người lao động).
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian “ăn” 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã “phản động” đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Chính quyền Việt Nam có thành công với “Công đoàn độc lập cuội?”
Một thực tế không thể phủ nhận được: chính quyền và công an đã chưa từng thành công trong việc “quốc doanh hóa xã hội dân sự” kể từ khi phong trào các tổ chức xã hội dân sự ào ạt ra đời từ năm 2013 đến nay. Thậm chí trên phương diện “nghiệp vụ an ninh,” công an cũng chưa từng có thành công đáng kể nào trong việc “cài” người hay xâm nhập vào các tổ chức xã hội dân sự, mà bằng chứng rõ nhất là cho đến nay hầu hết các tổ chức này vẫn duy trì được tôn chỉ và hành động ban đầu của mình mà không bị “tự diễn biến” hay “tự suy thoái” – theo cách nói kinh viện ưa thích của đảng cầm quyền.
Hàng loạt cuộc đình công từ lớn đến khổng lồ của công nhân được tổ chức thành công trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, đã cho thấy các tổ chức công nhân được nâng cấp hơn hẳn về nghiệp vụ tổ chức – ngày càng chặt chẽ về nhân sự, chiến thuật và công tác bảo mật. Chính những yếu tố này sẽ khiến cho hoạt động “cài người” của công an và Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam bị hạn chế đáng kể, công đoàn độc lập không dễ bị nhập nhoạng hoặc bị thao túng bởi các tổ chức “công đoàn độc lập cuội” do chính quyền và công an dàn dựng.
Giờ đây, trình độ và nhận thực của giai tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và giới tuyên giáo đảng mị dân phỉnh dụ. Trong bất cứ một cuộc đình công hoặc chuẩn bị đình công nào, chỉ cần nghe “hơi” từ miệng những người đứng đầu phong trào, công nhân có thể dễ dàng phân biệt được ai là người của họ, còn kẻ nào là “cuội” do công an và công đoàn nhà nước “cài” vào. Lẽ dĩ nhiên, một kẻ nội gián hay tổ chức “công đoàn độc lập cuội” không thể có lối nói bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người lao động trong khi phải phản bác thẳng thừng những chính sách bất công và bất cập của chính quyền.
Đó chính là những cơ sở then chốt để có thể đặt niềm tin vào giai cấp công nhân Việt Nam – những con người đã được nâng cao hơn hẳn mặt bằng dân trí và nhận thức chính trị lẫn nhân quyền, những người sẽ biết cách tự tạo ra cho mình mô hình nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh với giới chủ và với cả những chính sách bất công của chính quyền.
Và niềm tin vào xác suất thành công cao hơn cho các tổ chức công đoàn độc lập thực chất trong tương lai.
Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế “ve sầu thoát xác” nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó./.