Nền giáo dục nhồi sọ được Hoàng đế Phổ Friedrich Wilhelm III (1770-1840) tạo ra cách đây hơn 200 năm. Sau thất bại trước Napoleon trong trận tử thủ Jena-Auertadt (10/1806), với tham vọng coi mình là đấng tối cao Châu Âu, Wilhelm III quyết chí phục thù. Ðể làm điều đó cần phải dựa vào những công dân tuyệt đối trung thành. Vì thế, theo sắc chỉ của hoàng đế, tất cả trường học đều nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ. Hệ thống trường tư bị xóa sổ, tất cả giáo viên bắt buộc phải được nhà nước cấp chứng chỉ và công nhận. Bộ Nội vụ soạn thảo các bộ sách giáo khoa để đảm bảo tất cả mọi người đều trung thành với vương triều.
Cũng với phương pháp này, nhà độc tài Hitler đã nhồi sọ tuổi trẻ để tạo ra một thế hệ với tư tưởng phát xít, phục tùng chế độ như một con robot vô tri vô giác. Đến thời các nhà độc tài cộng sản tại Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc… họ còn nhồi sọ người dân có hệ thống hơn cả phát xít, để tạo nên những “hạt giống đỏ” cực kỳ trung thành với chế độ.
Tại Việt Nam, sau khi cướp chính quyền năm 1945, đảng Cộng Sản đã ngay lập tức trù dập giới trí thức, văn nghệ sĩ phi cộng sản và nhất là tung ra các biện pháp thâm độc nhằm tiêu diệt những tầng lớp có văn hóa và giáo dục đang ngăn cản chính sách bần cùng hóa người dân của chế độ. Đảng CSVN đã lặp lại như thế một lần nữa với miền Nam sau 1975 để rồi copy toàn bộ nền giáo dục mang nặng màu sắc “đấu tranh giai cấp” của Trung Quốc và Liên Xô. Từ đây, đảng Cộng Sản đã biến toàn bộ nền giáo dục thành bộ máy, tất cả mọi nội dung giảng dạy trong nhà trường từ mẫu giáo đến thạc sĩ, tiến sĩ đều bị chính trị hóa.
Trải qua nhiều thập niên, thế giới đã thay đổi, nhưng nền giáo dục kiểu trại lính tại Việt Nam vẫn không đổi. Mục tiêu cao nhất của giáo dục dưới sự quản lý của đảng Cộng Sản vẫn là nhồi sọ, biến thế hệ trẻ thành những người chỉ biết phục tùng mệnh lệnh từ đảng. Để hỗ trợ cho mục đích này, mới đây Bộ Giáo dục CSVN đã công bố bản dự thảo thông tư của cái gọi là “quy chế công tác học sinh sinh viên”. Theo đó, sinh viên ngành sư phạm Việt Nam đứng trước nguy cơ bị đuổi học nếu họ bán dâm, phát biểu chính kiến khác đảng, đi biểu tình hoặc có hoạt động tôn giáo…
Cụ thể, Bộ Giáo dục CSVN quy định những mức độ trừng phạt từ nhẹ tới nặng những hành vi như đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xâm phạm “an ninh quốc gia”, chống phá đảng và nhà nước trên mạng Internet… Riêng học sinh, sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, sinh hoạt tôn giáo không được sự cho phép sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Việc cấm sinh viên không được sinh hoạt tôn giáo khi chưa được phép là một quy định vi phạm nhân quyền. Bởi theo điều 18 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Bên cạnh đó, điều 24 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy những quy định của Bộ Giáo dục CSVN nếu được thực thi sẽ vi phạm hiến pháp và nhân quyền nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Dự thảo thông tư này còn vi phạm quyền tự do biểu đạt một cách nghiêm trọng khi cấm sinh viên tham gia biểu tình, khiếu kiện và tụ tập đông người. Thực tế, biểu tình ôn hòa chỉ là một hoạt động bình thường, Luật nhân quyền quốc tế cũng có những quy định bảo vệ cho quyền đó. Ngoài ra điều 25 Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do ngôn luận và hội họp. Như vậy có thể thấy, việc xử phạt những hành vi biểu đạt chính kiến ôn hòa là đi ngược lại với thông lệ quốc tế và Hiến pháp. Thật vô lý khi chỉ một văn bản dự thảo Thông tư dưới luật mà có thể phủ nhận Hiến pháp một cách ngang nhiên như vậy.
Dự thảo quy chế học sinh – sinh viên còn áp đặt vô lý khi bắt sinh viên phải chấp hành chủ trương, đường lối và phê phán những quan điểm trái với quan điểm của đảng Cộng Sản. Thực tế, không phải sinh viên nào cũng là đảng viên, việc ép buộc họ phải trung thành với đường lối của đảng cộng sản là không đúng. Bên cạnh đó, bắt họ phải “phê phán” những quan điểm khác với đảng Cộng Sản là nực cười. Bởi điều đó trái với tinh thần tự do học thuật và không phải chức năng của ngành giáo dục. Tóm lại, chỉ một thông tư, Bộ Giáo dục CSVN không chỉ muốn kiểm soát phát ngôn, mà còn cấm đoán cả tư duy của sinh viên. Có thể nói, Bộ này là tay sai của Ban Tuyên giáo và là cánh tay nối dài của Bộ Công an.
Nhà trường là nơi thực hiện việc cung cấp dịch vụ đào tạo với sinh viên. Nhà trường không có quyền quản lý toàn diện sinh viên của mình. Mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên chỉ liên quan trong vấn đề giáo dục. Nhà trường có thể có một số quy định nhưng không được trái pháp luật. Đồng thời, ngoài trường học, sinh viên là một công dân bình thường. Vì vậy họ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với việc ra thông tư này, Bộ Giáo dục CSVN đang can thiệp thô bạo và xâm phạm các quyền tự do tư tưởng hợp pháp của sinh viên. Rõ ràng ý đồ của họ là nhồi sọ để tạo ra lớp lớp người có tư duy nô lệ, vô tri, vô thức không dám phản kháng trước cái xấu, cái ác cũng như sự bất công.
Năng lực con người dựa vào nền giáo dục và năng lực quốc gia thì dựa vào năng lực con người. Vì vậy, có thể nói giáo dục là lĩnh vực quan trọng nhất để tạo nên thế đứng của mỗi dân tộc. Nếu giáo dục không tôn trọng quyền con người thì nền giáo dục đó không thể tạo ra một môi trường để định hình nhân cách, nuôi dưỡng lý tưởng bình đẳng, tự do. Và vì thế, đất nước lụn bại trên mọi phương diện, từ kinh tế cho đến đạo đức xã hội…
Ngô Đồng