Từ ngày 29 tới ngày 31 tháng 10 vừa qua, tại Paris, CH Pháp các tổ chức NGO quốc tế lớn như Front Line Defenders, Amnesty,… đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thế giới những người bảo vệ nhân quyền 2018. Hội nghị đã có sự tham dự của gần 200 những người bảo vệ nhân quyền từ khắp nơi trên thế giới, có sự tham gia của các quan chức từ EU, LHQ trong lĩnh vực nhân quyền.
Hội nghị thượng đỉnh thế giới bảo vệ quyền con người đầu tiên được tổ chức vào tháng 12 năm 1998, tại thời điểm thông qua Tuyên bố HRD, lần đầu tiên được công nhận là tất cả mọi người – riêng lẻ và chung – có quyền bảo vệ nhân quyền. Hội nghị thượng đỉnh năm 1998 đã thông qua Kế hoạch hành động mà qua nhiều năm đã hướng dẫn những nỗ lực của nhiều nhà bảo vệ nhân quyền.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nó đã phá huỷ mọi nỗ lực mà cộng đồng quốc tế đã đấu tranh trong nhiều năm qua. Những người hoạt động bảo vệ nhân quyền khắp nơi bị chính quyền các nước đối xử bằng hình thức bạo lực, bắt cầm tù, thậm chí bị giết hại.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đạt được hòa bình, an ninh, nhân phẩm và phát triển bền vững nếu chúng ta thăng tiến công lý, tự do, và bình đẳng cho tất cả – và đây là những mục tiêu cuối cùng của Tuyên bố chung về Quyền con người. Những người đứng ra bảo vệ nhân quyền là những diễn viên thiết yếu trong việc đưa những mục tiêu. Nhưng để làm như vậy, các nhà bảo vệ nhân quyền phải có khả năng hành động trong một môi trường mà nó thực sự có thể và an toàn.
Bởi vậy Hội nghị đã kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức NGO, các doanh nghiệp và tất cả những người có lương tri trên toàn cầu hãy bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, tạo môi trường cho họ hoạt động an toàn và hiệu quả vì một thế giới hoà bình, ổn định, và văn minh.
Tham gia Hội nghị này, tôi đã có bài viết gửi Hội nghị. Đây là nội dung của bài viết:
Ở Việt Nam, tôi từng là một luật sư bảo vệ nhân quyền, một người hoạt động nhân quyền và cũng là nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền. Tôi hiện đang tị nạn chính trị tại CHLB Đức.
Trong bài viết này tôi nói đến chế độ CSVN, kẻ thù nguy hiểm nhất cho những người hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Chế độ CSVN được thiết lập bằng bạo lực, bởi vậy nhà cầm quyền CSVN cũng dùng bạo lực, khủng bố và đàn áp để bảo vệ nó. Tất cả hệ thống pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật như cảnh sát, an ninh, viện kiểm sát, toà án được xây dựng, huấn luyện và nuôi dưỡng nhằm bảo vệ cho chế độ độc đảng chuyên chế.
Tất cả những người dân sử dụng các quyền tự do ngôn luận để bày tỏ các quan điểm chính trị khác biệt một cách ôn hoà, hay phê phán những yếu kém của nhà cầm quyền, chống tham nhũng thì đều bị sách nhiễu, tấn công bạo lực, và cuối cùng là bị bắt và cầm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước (trước đây là điều 88 và nay là điều 117 Bộ LHS) hoặc tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ (trước đây là điều 258 và nay là điều 331 Bộ LHS).
Những người sử dụng các quyền tự do hội họp, lập hội một cách ôn hoà để thực hiện các hoạt động xã hội dân sự như bảo vệ môi trường, quyền sử dụng đất đai, bảo vệ các quyền con người, thực thi các quyền chính trị,… cũng bị sách nhiễu, tấn công bạo lực, và cuối cùng là bắt cầm tù với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền(trước đây là điều 79 và nay là điều 109 Bộ LHS).
Đặc biệt, giới luật sư là những người bảo vệ nhân quyền và bảo vệ những người hoạt động nhân quyền cũng bị sách nhiễu, tấn công bạo lực và bắt cầm tù. Trong những năm qua đã có trên 10 luật sư bị tấn công bạo lực, bị tước thẻ hành nghề, và bị bắt cầm tù chỉ vì họ bảo vệ các quyền con người và bảo vệ những người hoạt động nhân quyền khác.
Phương pháp trấn áp những người bảo nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN gồm 4 bước:
- Thứ nhất, cơ quan an ninh tác động, đe dọa những người trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp để thuyết phục và gián tiếp đe dọa những người bảo vệ nhân quyền nhằm làm cho họ sợ hãi mà từ bỏ công việc. Không thành công thì họ sang bước thứ hai;
- Thứ hai, an ninh tìm mọi cách triệt hạ kinh tế, các phương tiện kiếm sống của những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, làm cho họ bị mất việc làm, phá sản công việc kinh doanh,… từ đó họ gặp khó khăn trong cuộc sống mà phải từ bỏ lý tưởng cao đẹp của mình.
- Thứ ba, dùng an ninh giả danh côn đồ tấn công bạo lực trực tiếp với những người hoạt động bảo vệ nhân quyền. Có tới 70% những người hoạt động nhân có tiếng ở Việt Nam bị tấn công bạo lực từ một tới nhiều lần.
- Cuối cùng, thì cơ quan an ninh sẽ bắt giam và cầm tù nhiều năm, một số sẽ bị trục xuất ra nước ngoài từ nhà tù.
Trong 3 năm qua, đã có trên 100 nhà hoạt động nhân quyền bị bắt cầm tù với các tội danh khác nhau. Và mức án tù cũng ngày càng tăng, trước đây chỉ dưới 10 năm, thì nay tăng lên tới 20 năm tù.
Cộng đồng quốc tế gồm chính phủ các nước như Hoa Kỳ, EU, CHLB Đức, và các quốc gia EU, Úc, Canada, Newzealand,… cùng với các tổ chức quốc tế như LHQ, Amnesty International, Human Rights Watch, RSF và rất nhiều các tổ chức khác đã ra các bản thông cáo lên tiếng phản đối các vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN, có các bản lên tiếng của các cơ quan thuộc Hội đồng nhân quyền LHQ, Nghị quyết của QH EU,… Thế nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn bỏ ngoài tai sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế và gia tăng liên tục các cuộc đàn áp, bắt giữ những người hoạt động nhân quyền và những người bảo vệ những người hoạt động nhân quyền.
Khi cần đạt được một thoả thuận nào đó trong các quan hệ quốc tế, nhà cầm quyền CSVN sử dụng các tù nhân lương tâm là những người bảo vệ nhân quyền ra làm món hàng trao đổi bằng cách trả tự do cho họ nhưng trục xuất ra nước ngoài với lý do nhân đạo.
Bản thân tôi là một trong các nạn nhân đó. Tôi là một luật sư nhân quyền từ năm 2000, tôi bảo vệ những người theo đạo Tin lành thuộc sắc tộc thiểu số H’Mong và các Mục sư cùng các giáo hội Tin lành chưa được nhà cầm quyền cộng sản VN công nhận. Thành lập và tham gia hoạt động Uỷ ban Nhân quyền VN, Công Đoàn độc lập vào năm 2006, mở các lớp học về nhân quyền cho sinh viên. Nhưng ngày 6 tháng 3 năm 2007, tôi bị bắt và sau đó bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Sau khi ra tù tháng 3 năm 2011, tôi tiếp tục các hoạt động bảo vệ nhân quyền, như thành lập Hội AEDC là một tổ chức XHDS hoạt động cổ suý và bảo vệ các quyền con người. Tôi tiếp tục mở các lớp học về XHDS và nhân quyền cho sinh viên và các giáo dân Công giáo. Ngày 8 tháng 5 năm 2014, tôi các an ninh mặc thường phục tấn công, họ đánh tôi vỡ da đầu và phải khâu 4 mũi. Tháng 1 và 3 năm 2015, an ninh tấn công phá nhà của tôi 3 lần. Ngày 6 tháng 12 năm 2015, tôi và 3 cộng sự sau khi vừa kết thúc lớp học về nhân quyền cho trên 70 giáo dân Công giáo thì bị an ninh tấn công bạo lực gây thương tích, rồi sau đó bị cướp hết tài sản, áo ấm, giầy, tiền, điện thoại và giấy tờ tuỳ thân, họ ném tôi ra bờ biển không người trong buổi tối giá lạnh. Chín ngày sau đó, ngày 16 tháng 12 năm 2015, trên đường tôi tới gặp Phái đoàn EU trước buổi đối thoại nhân quyền với Viêt Nam, tôi bị cơ quan an ninh bắt giam. Và sau hơn hai năm tạm giam mà không có luật sư, ngày 6 tháng 4 năm 2018, họ mới đưa tôi và 5 cộng sự khác ra xét xử với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Tôi bị kết án 15 năm và 5 năm quản chế.
Ngay sau khi tôi bị bắt, chính phủ các nước, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã lên án nhà cầm quyền CSVN và yêu cầu trả tự do cho tôi. Uỷ Ban Chống Bắt và Giam Giữ Tuỳ Tiện của LHQ cũng ra phán quyết cáo buộc nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền và yêu cầu trả tự do và bồi thường cho tôi.
Trước áp lực mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế như chính phủ CHLB Đức, EU, Hoa Kỳ và rất nhiều quốc gia khác cùng với các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, nhà cầm quyền CSVN chấp nhận trả tự do cho tôi với điều kiện phải rời bỏ quê hương của mình đi tị nạn chính trị tại CHLB Đức vào ngày 7 tháng 6 năm 2018.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để phát huy hiệu quả của các Tuyên ngôn, Công ước Quốc tế về nhân quyền? Và chính phủ các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế có thể làm gì tốt hơn trong việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam?
Trong chế độ CSVN thì việc sử dụng các luật trong nước để khiếu nại hay thưa kiện các vụ vi phạm nhân quyền là không có tác dụng và hiệu quả. Bởi các vi phạm nhân quyền đó do chính nhà cầm quyền CS thực hiện hoặc được bảo kê bởi nhà cầm quyền. Các cơ quan tư pháp như điều tra, VKS và toà án được thành lập để bảo vệ nhà cầm quyền CS chứ không phải bảo vệ nhân quyền hay người bảo vệ người dân. Chúng chính là các công cụ của nhà cầm quyền CSVN để đàn áp người dân cũng như những người bảo vệ nhân quyền.
Cho đến nay nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa chịu tham gia hệ thống Toà án Hình sự quốc tế, cho nên họ ngày càng gia tăng các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đến độ sẵn sàng thách thức chính nhân dân VN và cả cộng đồng quốc tế.
Hôm nay, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới Của Người Bảo Vệ Nhân Quyền, chúng ta cần phải thảo luận và vận động chính phủ các nước, các tổ chức liên chính phủ để các cơ quan tư pháp quốc tế như Toà án Hình sự quốc tế, Toà án Công lý quốc tế,… để có thể thực hiện ba vấn đề sau:
- Thứ nhất, chính phủ các nước cần phải gắn chặt chẽ các quan hệ về thương mại, đầu tư, viện trợ, quan hệ chính trị, ngoại giao,… với các cải thiện nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam và các chính phủ vi phạm nhân quyền. Phải có các điều khoản trừng phạt đơn phương khi có sự tái vi phạm nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam và các nước này.
- Thứ hai, các tổ chức NGO quốc tế cần có khả năng kiểm soát chặt chẽ kết quả các chương trình hỗ trợ của chính phủ các nước đối với các nước độc tài trong việc cải thiện hệ thống pháp lý mà hàng năm họ bỏ ra những số tiền kếch xù nhưng không hiệu quả. Song song, chính phủ các nước thông qua các tổ chức NGO quốc tế ủng hộ và hỗ trợ một cách mạnh mẽ cho các tổ chức XHDS, tổ chức bảo vệ nhân quyền, những người hoạt động bảo vệ nhân quyền mà chưa được nhà cầm quyền CSVN công nhận. Lên tiếng bênh vực cho họ khi bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp.
- Thứ ba, tìm kiếm một thủ tục pháp lý để Toà án Hình sự quốc tế hay toà án Công lý quốc tế tiếp nhận đơn kiện của các nạn nhân hay đại diện của các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền ở các quốc gia chưa là thành viên của các cơ quan tư pháp quốc tế nói trên. Mặc dù phán quyết của các cơ quan tư pháp quốc tế không thể được thực thi tại các quốc gia chưa phải là thành viên, nhưng phán quyết này có thể được thực thi tại các quốc gia thành viên khác. Như vậy, những kẻ vi phạm nhân quyền bị phán xử sẽ bị bắt giữ và thi hành án khi họ ra khỏi quốc gia của mình và đến các quốc gia là thành viên của các cơ quan tư pháp quốc tế. Tài sản của quốc gia bị phán xử vi phạm nhân quyền ở các quốc gia là thành viên của các tổ chức tư pháp quốc tế sẽ bị tịch thu để bồi thường cho các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền.
Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được ba điều này thì chắc chắn, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới mới được cải thiện và chấm dứt. Và khi đó các Tuyên ngôn, các công ước quốc tế về nhân quyền mới thực sự bảo vệ được nhân quyền và mang lại nhân quyền cho mọi người trên trái đất này.