Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Ngày 25/10 sau kỳ họp thứ 30, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận về những vi phạm của Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Ông Chu Hảo đã nghỉ hưu từ năm 2005 và hiện là Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức.
Thông báo này lập tức gây nên một làn sóng phản kháng trên các trang mạng xã hội. Trí thức và đảng viên trong nước cảm thấy ngón đòn của Uỷ ban Kiểm tra chẳng những đánh vào cá nhân của một đảng viên về hưu mà còn gởi đi một thông điệp răn đe đối với giới trí thức phản biện chính sách nhà nước.
Những ngày sau đó, có ít nhất 20 người tuyên bố bỏ đảng, bỏ đoàn như một hình thức hỗ trợ cho Giáo sư Chu Hảo và phản kháng chế độ mà họ không còn tin tưởng nữa.
Một tuần lễ sau, cũng chính cái Uỷ ban đầy quyền lực ấy đã công bố một bài viết ký tên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Phạm Đức Tiến đăng trên trang web của mình. Nội dung của bài viết dài này nhằm chứng minh “đồng chí Chu Hảo”, đã “có biểu hiện suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” rất nghiêm trọng… như thế nào.
Thiết tưởng Uỷ ban Kiểm Tra Trung ương nên gọi là “cựu đồng chí Chu Hảo” mới đúng, vì ông Chu Hảo đã tuyên bố ra khỏi đảng vào ngày 26/10, trong khi bài viết ký tên Phạm Đức Tiến 5 ngày sau đó mới xuất hiện.
Bài viết cũng nằm trong mục đích để “thanh minh” vì sao đảng có quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo một cách “có lý có tình” chứ không phải lấy quyền của trung ương đảng ra để “cả vú lấp miệng em”. Hay nói khác đi trong vụ này, không phải đảng muốn “đàn áp trí thức”.
Qua đó Uỷ ban Kiểm tra cũng nhằm ngăn ngừa cơn bão phản kháng “bỏ đảng” có thể ngày càng lan rộng khắp nơi, một điều mà đảng đang rất lo sợ nhưng chưa biết phải đối phó ra sao. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” bao giờ cũng là một lưỡi gươm bén đe doạ làm tan rã sự thống nhất của khối 4 triệu đảng viên mà tư tưởng đang giao động hàng ngày trước thực tế u ám của đất nước.
Kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lò đốt củi chống tham nhũng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bao giờ cũng là một công cụ sắc bén mà ông Trọng sử dụng để triệt hạ vây cánh của cựu Thủ tướng Dũng, được coi như “phe địch”. Vừa được tiếng thơm chống tham nhũng vừa củng cố được quyền lực độc tôn của phe nhóm mình. Nên từ Trần Quốc Vượng đến Trần Cẩm Tú luôn tỏ ra đắc lực, sát cánh cùng ông Trọng bày mưu tính kế tóm thu quyền lực mà đỉnh cao của sự thành công là đẩy được ông Trọng đường hoàng bước lên chiếc ghế chủ tịch nước.
Chỉ sau 3 ngày ông Trọng giơ tay tuyên thệ trong trò hề nhất thể hoá, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tung ra ván bài quyết định đánh vào trận chiến “chống diễn biến hoà bình” trong nội bộ. Viên cựu thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Hảo là người bị nêu đích danh trong trận chiến tư tưởng vô cùng quan trọng này.
Nhưng mọi sự không êm ả như những lần ra oai trước, lần này Uỷ ban của Trần Cẩm Tú vấp phải sự kháng cự khá quyết liệt, công khai cũng như âm thầm của mọi tầng lớp đảng viên. Vì thế đây cũng là lần đầu tiên trong 30 lần ra phán quyết kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra phải khổ công ngồi viết lá thư vừa thanh minh vừa hài tội người sẽ bị tuyên án.
Điều này cho thấy là vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo không dễ dàng như lấy đồ trong túi áo. Và đến đây người ta mới hiểu thêm tại sao biện pháp kỷ luật không thông báo trước cho chi bộ và cá nhân ông Chu Hảo mà lại tung ra ngoài.
Trong thư này, tác giả Phạm Đức Tiến đã kê khai ra một danh sách dài các điểm mà Ban Kiểm tra gọi là “sai phạm nghiêm trọng” của Giáo sư Chu Hảo, có thể tóm tắt như những trọng tội khó tha thứ.
- Với cương vị là Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đã biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng.
- Đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội tập trung vào ba vấn đề quan yếu nhất là: Đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp – Yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập – Đòi phi chính trị đối với quân đội.
- Đã có các bài viết, bài phát biểu trên báo chí và mạng xã hội có nội dung phê phán cuộc bầu cử quốc hội khóa 14; chống lại sự mất dân chủ trong sinh hoạt nội bộ đảng.
- Đã sáng lập, tham gia các hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ và các tổ chức khác và có các hoạt động để truyền bá tư tưởng, quan điểm sai trái của mình.
Thư của Uỷ ban Kiểm tra cho rằng ngay từ năm 2005 “đồng chí Chu Hảo” đã bị suy thoái tư tưởng “nghiêm trọng” vì 3 lý do:
- Thứ nhất, nguyên nhân lớn nhất là bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện.
- Thứ hai, sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm của tổ chức đảng, chính quyền.
- Thứ ba, sự chống phá của các thế lực thù địch là môi trường “dung dưỡng” cho các quan điểm, hành vi sai trái của ông Chu Hảo.
Người ta dễ dàng nhận thấy cả ba lý do mà Uỷ ban Kiểm tra đưa ra đều là do yếu tố bên ngoài, nhất là sự “yếu kém” của chính Giáo sư Chu Hảo. Hoàn toàn không có nguyên nhân nào từ đảng mà Giáo sư Chu Hảo đã nêu ra như: đảng CSVN là một đảng không chính danh, có nhiều khuất tất, càng ngày càng thoái hoá, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại. Vậy Uỷ ban Kiểm tra sẽ giải thích ra sao về những nguyên nhân này khiến cho Giáo sư Chu Hảo phải bỏ đảng?
Sự chủ quan của đảng Cộng sản xuất phát từ lòng kiêu ngạo vô bờ khiến đảng không còn nhìn thấy mình đang đứng ở đâu trong tình thế hiện tại. Có vẻ như trong vụ này Trần Cẩm Tú đã đi một nước cờ vội vàng khi đem tư tưởng đảng viên lên bàn mổ và tin rằng mình sẽ thắng.
Một người đã bỏ ra cả 45 năm tức hơn nửa đời người theo đảng, phục vụ đảng hết lòng như Giáo sư Chu Hảo, thế mà bây giờ phải dứt khoát bỏ đảng thì hành động ấy không thể đến từ 3 lý do vụn vặt như ông Phạm Đức Tiến viết.
Phải có một lý do lớn hơn, rõ ràng hơn, tác động mạnh mẽ hơn, đó chính là sự thoái hoá đến mức tột cùng của đảng CSVN đã khiến cho Giáo sư Chu Hảo và nhiều đảng viên khác phải quyết định bỏ đảng.