Ngày 23.10 là một ngày lịch sử của chính trị Việt Nam, khi một người đứng ra kiêm nhiệm 2 chức vụ quyền lực của cả nước: Chủ tịch nước và Tổng Bí thư.
Không có nhiều điều để bàn về điều này, khi cuộc bỏ phiếu kín chưa diễn ra, nhưng hình ảnh ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã nằm trong tiêu đề: TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23.10. Và nguồn này đến từ VOA, một đài phát thanh thuộc chính phủ Mỹ.
Nhưng trước đó, tin tức về sự chắc thắng của ông Nguyễn Phú Trọng trong chức vụ Chủ tịch nước đã được cư dân mạng xã hội Facebook lan truyền, thậm chí, là đến ngay cả thông qua đề án kiêm nhiệm.
Nhưng người đứng đầu đảng không bao giờ gọi đó là ‘sắp xếp’ vì nó sẽ phản ánh sự thu xếp phe nhóm trong nội bộ đảng, hay ‘thu vén’ thì nó mang tính tập trung quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng sau đó lên báo chí truyền thông nhấn mạnh đó chỉ là ‘tình huống’, tất nhiên, nó là tình huống được đẩy đưa sau một thời gian của các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị. Và bản thân ‘tình huống’ này xuất phát từ chính sự thu vén quyền lực khá tài tình từ ‘người giáo già’ mang tên Nguyễn Phú Trọng.
Đấy là bước đi chiến lược khá thông minh cũng như sự cẩn trọng sử dụng ngôn từ từ ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Điều này được đánh giá là có ‘chuyển biến tích cực’, ít nhất là không phải kiểu thô vụng như: Hiến pháp là văn bản quan trọng thứ hai sau cương lĩnh.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm chức vụ Chủ tịch nước cũng sẽ tạo ra nhiều tình huống khác nhau cho chính thể chế. Một trong số đó là cuộc chiến đốt lò được tăng tốc dưới sự chỉ đạo của ông. Và ông Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống kiểm tra cách đây vài ngày không hiểu sao đã ‘mạnh dạn’ vượt Chỉ thị 15 (công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên) bằng khẳng định: đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật đảng đều phải bị xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Quyền lực qua ngày 23.10 thực tế sẽ nằm trong tay 1 người, và người dân vẫn phải cảnh giác trước những ‘vi phạm kỷ luật’ được tiếp nhận có chọn lọc, hay đúng là là lạm dụng chức vụ cao để thanh trừng phe phái như cách mà Stalin đã từng tiến hành ở Liên Xô năm nào, và hiện tại là Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Nhưng điều lạ mà người viết cảm nhận trước ngày 23.10 chính là quan điểm của TS Lê Hồng Hiệp, một nghiên cứu viên chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Trong đó, ông Hiệp nhấn mạnh: Dù đề cao nhà nước pháp quyền, tôi vẫn cho rằng ‘đức trị’ luôn quan trọng. Đạo đức của mỗi cán bộ, công dân sẽ giúp pháp luật được tuân thủ nghiêm minh, hiệu quả hơn.
‘Việc Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đến yếu tố nêu gương của các cán bộ, đảng viên là hoàn toàn đúng đắn.’ – Ông Hiệp cho hay.
Phương pháp ‘đức trị’ này không phải đến bây giờ mới được đề cập, mà người đề cập nhiều nhất có lẽ là ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Người mà luôn muốn ‘xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức’. Vấn đề là tính nêu gương về mặt đạo đức đến hiện nay của người đứng đầu Đảng và Nhà nước chỉ diễn ra trên những ‘giai thoại’ mặt báo, nó không phải ánh đầy đủ và chính xác quy trình ‘nêu gương đạo đức’.
Một lá thư của 85 cử tri, trong đó gồm nhiều nhà lão thành cách mạng yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản, tức là hiện thực hóa tính nêu gương và cho thấy ‘đạo đức’ của ông không có vấn đề gì đến nay vẫn gặp sự im lặng. Trước đó, một lá thư tương tự cũng chìm vào dư luận, mặc dù về bản chất – nếu thực hiện theo yêu cầu hay khuyến nghị của lá thư sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng thực sự minh bạch và thực sự có tính đạo đức hơn.
Tuy nhiên, ông Trọng vẫn giữ ‘quyền im lặng’, vẫn nói về đạo đức, và giờ đây ‘đức trị’ lại được coi như phẩm giá bên cạnh pháp quyền. Nếu mọi thứ diễn tiến như đúng sự ‘im lặng’ vừa qua, thì cả hai yếu tố nêu trên đều sẽ trở nên méo mó trong thời kỳ tới.
Pháp quyền với Hiến pháp đứng sau cương lĩnh và đạo đức chính là loại trừ kê khai tài sản đối với người đứng đầu đảng.
Thế nên, cái gọi là ‘Lịch sử đã lựa chọn, Nhân dân đã lựa chọn!’ [tựa đề báo Pháp Luật thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp] chỉ được hiểu đúng ở vế đầu, riêng vế sau cần xem xét lại. Hay đúng hơn, ‘lòng dân’ ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng là đúng, nhưng ‘lòng dân’ ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng hay không cần phải xét lại. Bởi không phải ai cũng dễ thỏa hiệp với những giai thoại đạo đức mà bỏ qua những tiến trình kê khai tài sản – minh bạch tài sản để ‘làm gương’ đạo đức cho cấp dưới cả.
Và dù có ‘khiếm khuyết’ như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng ‘lên ngôi’ theo đúng quy trình lần này với 100% phiếu bầu. Lời chúc mừng vẫn sẽ gửi đến ông Nguyễn Phú Trọng, bởi ông là con người phù hợp với thể chế, giáo điều, và cả đạo đức cộng sản.
Bên cạnh đó, sự lên ngôi của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy một thực trạng buồn cười là, một người dù chưa đáp ứng yếu tố minh bạch nhưng vẫn có thể len lỏi lên nắm quyền lực cao nhất đất nước. Hay là vì những người tài và đức hiện giờ đều nằm trong tù cả rồi?