Tưởng Năng Tiến – RFA
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Về chiều, tôi mới để ý đến một hiện tượng khá lạ lùng về trí nhớ của chúng ta vào lúc cuối đời. Tôi quên ngay danh tính của một người vừa được giới thiệu, và không thể nhớ được tên cái khách sạn mà mình vừa rời khỏi chỉ vài hôm trước. Ấy thế mà những chuyện cũ mèm – nghe bên bàn nhậu, hổng biết tự năm nào – tôi lại vẫn nhớ như in:
Khi còn tại chức, bà Phan Thúy Thanh – Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN – có nuôi một con két nói năng rất sõi. Một hôm, chả may, nó xổ lồng bay mất. Bà Thanh nhờ báo đăng để tìm lại con thú cưng nhưng báo chưa ra mà đã có người đến gõ cửa.
Hỏi: Sao anh biết là con vẹt này của tôi.
Đáp: Nó chối leo lẻo suốt ngày nên nhà cháu biết ngay là của bà chứ còn ai vào đây nữa.
Sau đó, bà Phan Thúy Thanh phải bán con két để lấy tiền bù đắp vào số lương hưu ít ỏi.
Mua xong, chủ nhân mới hí hửng mang về giao ngay cho vợ rồi tiếp tục đến sở làm. Chiều về, đương sự hấp tấp hỏi ngay:
– Con vẹt đâu rồi?
– Ở trong lò chứ đâu.
– Ối Giời, vẹt mua cả ngàn đô la mà đem nướng à!
– Vẹt gì mà giá cả ngàn Mỹ Kim?
– Chứ bộ tôi nói đùa chắc. Nó nói được 29 thứ tiếng cơ đấy.
– Thế mà ban nẫy gạn hỏi mãi nó vẫn cứ chối đây đẩy nên ai mà biết!
Người kế nhiệm bà Phan Thúy Thanh là ông Lê Dũng. Khi bị chất vấn về con số thương vong của người Thượng tại Tây Nguyên – sau cuộc nổi dậy, vào hôm Lễ Phục Sinh 10 tháng 4 năm 2004 – Tân Phát Ngôn Viên của Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN chối liền:
“Hoàn toàn không có ai bị đánh chết ở Buôn Ma Thuột như tin của Human Rights Watch. Chúng tôi cực lực bác bỏ tin này.”
Cứ theo truyền thống “tác nghiệp của người phát ngôn bộ ngoại giao ta” thì cứ chối (bà nó đi) là xong chuyện, và hết chuyện. Khỏi phải nói nhiều.
Truyền thống này, tiếc thay, khó mà giữ mãi. Vào Thời Đại Thông Tin, thế giới mỗi lúc một thêm bằng phẳng (và sòng phẳng) nên cứ cực lực bác bỏ – chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối nằng nặc, chối bai bải, chối đây đẩy, chối quầy quậy, chối tuốt luốt – không còn là chuyện dễ nuốt như trước nữa.
Bởi vậy, mấy bữa sau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho vietnamnet.vn– vào ngày 17 tháng 4 năm 2004 ông Phạm Thế Duyệt (Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc)– đành phải nhận rằng:
“Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau thôi!”
Yàng ơi, coi kìa: Sao khi khổng khi không cái hàng chục ngàn người Thượng, bỏ buôn làng, lũ lượt kéo vô thành phố, chia làm hai phe, dàn hàng ngang, rồi “ném đá vào nhau” và ” ẩu đả lẫn nhau” cho … tới chết luôn – vậy cà? Nói (đại) như vậy mà nói được sao? Thằng chả, rõ ràng, nói láo!
Con két của bà Thanh đã lìa đời. Bà ấy đã hết thời. Ông Phạm Thế Duyệt và ông Lê Dũng cũng thế. Kẻ kế nhiệm, bà Nguyễn Phương Nga, làm ăn ra sao tôi không rảnh lắm nên không để ý nhưng chỉ nghe qua dư luận thì cũng có (dăm/ba) lời tiếng eo sèo:
– Trịnh Hội: “Tôi đã từng có lần gặp bà Phương Nga … Bà là người vẫn còn khá trẻ, có những cử chỉ nhẹ nhàng, từ tốn và dĩ nhiên tôi đoán là một người có học thức cao, nói tiếng Anh lưu loát. Nhưng kể từ khi tôi nghe chính lời bà tuyên bố những câu quá trơ trẽn thì tất cả những tình cảm thiện chí của tôi dành cho bà lúc ban đầu bỗng nhiên biến mất.”
–Tạ Phong Tần: “Bà là một kẻ dối trá, dối trá một cách trơ trẽn, mặt dạn mày dày không biết ngượng. Tôi thật xấu hổ thay cho bà, nếu bà còn biết xấu hổ và còn có lương tâm con người, thì bà đã không quanh năm suốt tháng lặp đi lặp lại cái câu ‘Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền.”
– Nguyễn Hưng Quốc: “Ở Việt Nam, người ta hay nói đến chữ ‘nhà nước pháp quyền’. Người sử dùng chữ này nhiều nhất không chừng là bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao. Hình như bất cứ khi nào bị phóng viên ngoại quốc hạch hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam là bà lại xào lại món ăn cũ: ‘Việt Nam là một nhà nước pháp quyền!’ Tôi đã có dịp chuyện trò với một số phóng viên ngoại quốc từng làm việc ở Việt Nam. Hỏi cảm tưởng của họ khi nghe những câu trả lời như thế, ai cũng cười. Và người Việt Nam chúng ta cũng cười …”
Có lẽ sợ thiên hạ cười quá rồi lỡ có kẻ bị bể bụng chết lại gây ra chuyện kiện tụng (lôi thôi) nên nhà đương cuộc Hà Nội đã “điều” bà Nga đi làm công tác khác. Bà ấy làm công tác gì (khác) ở đâu – thưa thiệt – là tôi hoàn toàn không biết, và cũng không muốn biết làm chi. Loại quan chức vớ vẩn ở ta, cỡ như bà Nga, đông lắm nên tôi (mém) quên luôn y thị cho mãi tới tháng rồi.
Tháng rồi, vào ngày 27 tháng 9, phóng viên của AFP chớp được hình của một thành viên trong phái đoàn Việt Nam đang ngủ giữa phiên họp tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 73) ở New York. Chuyện nhỏ (như con thỏ) thôi nhưng bức ảnh này được lan truyền rộng rãi, với không ít lời châm chọc hay chỉ trích. Blogger Hiếu Bá Linh cho biết thêm: “Nhân vật ‘gây bão’ trên mạng đang phụ tá cho Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga.”
Oh, cố nhân! Mừng là bà Nga đã tiến khá xa trong sự nghiệp ngoại giao. Báo Tiền Phong – số ra ngày 29 tháng 9 năm 2018 – liền có ngay một cuộc phỏng vấn dành cho Trưởng Phái Đoàn Thường Trực Việt Nam tại LHQ. Thứ Trưởng Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Chuyến công tác của Thủ Tướng tại LHQ đã thành công tốt đẹp, cả trên bình diện song phương và đa phương.”
Ai cũng có thể thấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã cắm cúi đọc một bài diễn văn viết sẵn (huyênh hoang, khoác lác, dốt nát, dối trá, và chắn ngắt) giữa một hội trường trống lốc – chả có ma nào nghe ráo. Ngay cả thành viên Việt Nam cũng phải lăn ra ngủ mà bà Phương Nga vẫn nói (lấy được) là “chuyến công tác đã thành công tốt đẹp, cả trên bình diện song phương và đa phương.”
Cứ với cái kiểu nói không ngượng miệng này thì bà Nga, chắc chắn, sẽ còn có nhiều cơ hội tiến thân xa hơn nữa trong cái hệ thống ngoại giao (mặt dầy mày dạn) của nước CHXHCNVN. Dù chức vụ có mỗi lúc một cao nhưng trách nhiệm của bà Nga (chắc) vẫn giản đơn y như cũ thôi: chối hay nói dối, hoặc cả hai. Công việc này rất đơn giản, chả cần đến đầu óc và suy nghĩ gì cả, chỉ cần mấp máy mỗi có cái mồm.
Ấy thế những người chỉ chuyên dùng mồm như Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Lê Thị Thu Hằng … đều được Wikipedia (tiếng Việt) mệnh danh là chính khách hết trơn. Bằng vào tinh thần cởi mở này thì giới quan chức xứ Việt còn do dự gì nữa mà chưa hợp pháp hoá cái nghề mãi dâm đi cho xong. Dùng mồm, hay dùng l… (để mưu sinh) thì có khác gì nhau đâu, đúng không?