Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Mới đây, theo thông báo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với báo chí trong nước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2018 ước tính tăng 6,98% và bình quân thu nhập đầu người Việt Nam lên tới mức 2.540 đô-la…
Đây là những con số tăng kỷ lục… rất đáng nể, một mức tăng trưởng khó có nước nào theo nổi. Cạnh đó còn có tin vui độc đáo, VINGROUP của đại gia Phạm Nhật Vượng tung ra hai kiểu xe VinFast “đẳng cấp thế giới” tại cuộc Triển lãm Xe hơi Paris 2018 làm dư luận xôn xao bàn tán. Thế là trong một sớm một chiều Việt Nam gia nhập thị trường xe hơi thế giới. Và với thu nhập 2.500 USD đầu người, chính sách xin tiền Liên Hiệp Quốc “xoá đói giảm nghèo” sẽ dẹp tiệm.
Nhưng thật đáng ngạc nhiên trong khi nền kinh tế Việt Nam được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mô tả rất lạc quan mọi mặt, thì cuộc hội thảo do Hội đồng Lý luận trung ương chủ trì tại Vĩnh Phúc ngày 28/9/2018 đã đưa ra kết luận ngược lại.
Tham dự cuộc hội thảo khoa học về “Thể chế Phát triển nhanh – Bền vững” nói trên gồm toàn những nhà khoa học sáng giá, nhiều nhà quản lý kinh tế đầy kinh nghiệm của các viện khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Kết luận của những người tham dự đưa ra không có gì sáng sủa: “Thể chế chúng ta có nhiều nút thắt kìm hãm kinh tế phát triển mà nếu không giải quyết được nền kinh tế sẽ mãi mãi đi xuống.” Nghĩa là tình hình trong hai năm vừa qua, không nhanh mà cũng chưa bền vững.
Với kiến thức tích lũy sau nhiều chục năm phục vụ trong môi trường kinh tế xã hội chủ nghĩa, chẳng lẽ những nhà khoa học trong cuộc hội thảo ấy nói sai sự thật. Nhưng chính miệng ông Phó Thủ tướng mang ra khoe kinh tế đang phát triển vượt bậc thì người ta phải hiểu vấn đề ra sao?
Nếu đem so sánh với cơ thể con người, có thể hiểu những “nút thắt” nói trên không khác những điểm nghẽn trong mạch máu của nền kinh tế khi nó vận hành. Sản xuất bị ách tắc, sức phát triển của các hoạt động trên thương trường bị kềm hãm vì sự lưu thông bất bình thường của những mạch máu trong chính sách kinh tế nhà nước. Muốn giải quyết vấn đề, phải tìm cho ra những điểm nghẽn này trước khi con bệnh đi vào chỗ chết.
Nhưng những điểm nghẽn này đến từ đâu? Nói một cách đơn giản, nó giống như những cục máu đông làm tắt lưu thông của một mạch máu nằm ngay trong đầu của các lãnh đạo đảng CSVN. Vì thế nó làm cho đầu óc các lãnh đạo bị tê liệt, mất hết suy nghĩ sáng suốt và làm toàn thân của đảng bị liệt theo. Từ đó những chỉ đạo kinh tế vĩ mô của tầng lớp lãnh đạo không đáp ứng được chiến lược phát triển của đất nước, cuối cùng phải chấp nhận làm một quốc gia “không muốn phát triển”, tiếp tục ăn bám vào nợ đi vay của các nước giàu.
Vì các điểm nghẽn nằm ngay trong đầu các lãnh đạo cao cấp của đảng nên bao năm qua, đảng đốt đuốc đi tìm cục máu đông này mà không sao tìm ra. Cán bộ đảng các cấp thì ai cũng bận bịu việc ăn cắp của công để vun bồi tài sản cá nhân nên cũng không muốn phí thì giờ. Vả chăng đối với họ, chính trong môi trường kinh tế mánh mung của con bệnh dở sống dở chết, họ mới dễ cùng nhau làm ăn mánh mung, gian dối để tồn tại.
Thế mà đã hai năm qua rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lo cặm cụi đốt lò, mở chiến dịch chống tham nhũng tìm diệt những con sâu trong cơ thể đảng với hy vọng lấy lại sinh khí “cách mạng”. Ông Trọng nghĩ rằng may ra từ đó bộ mặt chế độ mới có thể bớt lem luốc, tạo thành một cái trớn để đi lên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng tiếc thay, cơ thể đảng nay đã vô cùng rệu rã, không chỉ có vài con sâu mà có quá nhiều bầy sâu, sâu cha sâu con thi nhau đục khoét đất nước.
Cho nên lò đốt của ông Trọng dựng lên càng ngày càng nhiều mà bầy sâu lòi ra giết hoài không hết. Rốt cuộc chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng bày ra trở nên cục xương khó nuốt, chỉ diệt được một vài con chuột trong Tập Đoàn Dầu Khí và những ngân hàng có liên quan.
“Đại án” Thủ Thiêm dù đã có kết luận của Thanh tra Nhà nước vẫn chưa có ai trong tập đoàn Lê Thanh Hải bị đụng đến ngoài trừ viên cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đang bị điều tra. Đảng loay hoay tốn quá nhiều thì giờ mà không sao tìm được và chữa chạy cục máu đông trong đầu mình.
Thật ra cái nút thắt làm dòng chảy kinh tế Việt Nam ngày càng sa vào chỗ lụn bại chính là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thủ phạm này xuất hiện từ sau những năm 80 của thời kỳ gọi là đổi mới. Kinh tế thị trường chỉ tạm thời cứu vãn đất nước qua cơn hoảng loạn của đói nghèo nhưng không đẩy lùi được kinh tế chỉ huy mà biến thể thành thời kỳ kinh tế tư bản hoang dã của các nhóm lợi ích trong và ngoài đảng.
Đây là cục bướu lớn nhất của chế độ, là nguyên do chính yếu đã tác hại từ hơn 40 năm qua mà không lãnh đạo cộng sản nào dám cắt bỏ. Bởi vì cắt bỏ cục bướu ấy tức cắt bỏ chỗ ẩn nấp an toàn cho loài sâu bọ tham nhũng các cấp trong đảng đang sinh sản lớn mạnh.
Cũng chính nhờ cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” này, bọn tham nhũng trong chính quyền tha hồ tung hoành trong hệ thống quốc doanh giữ vị trí chủ đạo, luôn luôn được ưu tiên các nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách quốc gia và tiền đi vay nước ngoài. Đó cũng là nơi ngốn không biết bao nhiêu nguồn lực nhà nước mà không làm ăn ra hồn, chỉ thấy dẫn đến công nợ đầm đìa. Điển hình là thương hiệu Vinashin quả đấm thép trước đây của nền công nghiệp đóng tàu và trong tương lai sẽ là VinaFast công nghiệp chế tạo “dòng xe sang đẳng cấp thế giới” đang được tung hô.
Đây cũng chính là nơi mà bọn tham ô trong đảng Cộng sản lấy làm chỗ bám vào sống an toàn, phè phỡn để cùng nhau đục khoét và làm giàu bất chính. Ngày nay trong dân chúng câu “sống biệt phủ, chết xây lăng” trở nên phổ biến để so sánh với mức độ gian tham của cán bộ.
Nếu như tìm được nút thắt này, đảng CSVN có dám gỡ bỏ nó cũng như cắt bỏ cái đuôi xã hội chủ nghĩa hay không? Chắc chắn là không. Vì khi thực hiện việc này có nghĩa phải dẹp bỏ đám “quốc doanh là chủ đạo”, đem lại môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Điều ấy đi ngược lại quyền lợi tối thượng của đảng là dùng quyền lợi ban phát cho đảng viên, mua sự trung thành của họ để nắm giữ quyền lực lâu dài.
Còn khi cắt bỏ cái đuôi xã hội chủ nghĩa, 4 triệu đảng viên cộng sản như lũ âm binh không còn chỗ ăn bám, họ biết sống bằng cái gì hay trở lại nghề ăn cướp?
Xem ra Hội đồng Lý luận Trung ương sau cuộc hội thảo muốn “đốt đuốc đi tìm điểm nghẽn”, bỗng trở thành Hội đồng Lý Luận tào lao.
Phạm Nhật Bình