Minh Quân – (VNTB) – Sau đám tang của Trần Đại Quang và sau khi ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ chính thức ngồi vào cái ghế chủ tịch nước do người vừa chết để lại, điều gì sẽ xảy ra trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam?
Một trong những cơ sở mang tính tham khảo cho khuynh hướng trên có thể đến từ bài ‘Nhất thể hóa’ ngày 30/9/2018 của blogger ‘lề đảng’ Huy Đức.
Bài viết trên, sau khi định hướng “Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam” và “Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người” mà được rất nhiều người cho rằng đó là một thủ pháp PR gián tiếp cho Nguyễn Phú Trọng, đã có một đoạn đáng chú ý:
“Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các””.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng vào năm 2015 và đã trở thành thủ tướng vào đầu năm 2016.
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về “ai sắp bị bắt” hay “ai sắp chết”… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm.
Với bài ‘Nhất thể hóa’, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Huy Đức công khai ‘dằn mặt’ thủ tướng, tuy không nói rõ ra cái tên Nguyễn Xuân Phúc, cũng như đã không nêu tên Nguyễn Phú Trọng trong bài viết này.
Đó là một dấu hiệu hơi đáng ngạc nhiên và mới mẻ.
Bởi sau đại hội 12, có tin cho biết Huy Đức không chỉ là ‘người của Trọng’ mà còn ‘đầu quân’ cho một phe cánh chính trị và lợi ích mới là Trương Hòa Bình (được cho phía sau là Trương Tấn Sang) và có thể cả Nguyễn Xuân Phúc.
Cho đến nay, điều chắc chắn hơn cả là blogger Huy Đức vẫn kiên trì giữ vai trò thầm lặng ‘người của Trọng’, từ sau bài ‘Bộ Tứ’ ngay trước đại hội 12 năm 2015 để định hướng dư luận ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, cho tới bài ‘Nhất thể hóa’ gián tiếp đề cập Trọng và tiếp tục định hướng dư luận ủng hộ Trọng làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư.
Nhưng nếu nội dung đề cập của Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ về thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc) là mang chủ ý rõ rệt, đây là lần đầu tiên ‘cây bút tín hiệu’ này tiết lộ về một khoảng cách đang lớn dần, thậm chí có thể biến thành một cái hố phân cách giữa hai nhân vật trong ‘Tam trụ’: Trọng và Phúc.
Lối viết răn đe của Huy Đức dành cho thủ tướng (Phúc) trong bài ‘Nhất thể hóa’ là không thể lầm lẫn. Hẳn đã phải xảy ra một số mâu thuẫn đủ trầm trọng nào đó trong thời gian qua, có thể từ giữa năm 2017 đến nay giữa Trọng và Phúc mà sẽ khiến tương lai của mối quan hệ này, sau khi Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành chủ tịch nước, sẽ khó bề êm dịu như giai đoạn từ năm 2015 – khi xuất hiện hiện tượng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng, cho đến giữa năm 2017 là khoảng thời gian mà vẫn còn những biểu hiện cho thấy ‘cơm tương đối lành canh tương đối ngọt’ giữa hai quan chức này.
(còn tiếp)