Lý Thái Hùng – Web Việt Tân
Chủ tịch nước hay Tổng thống chỉ khác về tên gọi nhưng nhiệm vụ thì giống nhau. Đó là người đứng đầu một quốc gia. Thế nhưng khi gọi ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng thống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình như có gì đó trùng lập hay dư thừa. Lý do là việc ông Trọng làm Tổng thống không khác gì làm Tổng bí thư đảng CSVN vì cả hai vị trí này đều do một số đảng viên cao cấp của đảng CSVN bầu kín trong Hội trường, và người dân kể cả 4 triệu đảng viên đảng CSVN hoàn toàn đứng bên ngoài.
Nói cách khác, ông Trọng được đảng chọn ra làm Tổng thống hay Tổng bí thư là để phục vụ cho lợi ích của đảng. Do đó điều đầu tiên ta cần khẳng định ở đây là dù ông Trọng hay một người khác được (đảng) chọn lên làm Tổng thống thì đất nước và xã hội Việt Nam sẽ không hề thay đổi dưới guồng máy cai trị độc đảng.
Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả hai chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể từ ngày 22 tháng 10 trở đi, cấu trúc quyền lực thượng tầng của Tứ trụ có nhiều sự thay đổi. Những thay đổi này sẽ làm cho tình hình nội bộ của đảng CSVN phải đối diện với nhiều xung đột ngầm giữa các phe quyền lực.
Thứ nhất, cái chết của ông Trần Đại Quang đã tạo ra khoảng trống quyền lực “bất ngờ” trong Bộ Tứ nói riêng và Bộ Chính Trị đảng CSVN nói chung. Ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của ông đã nhanh chóng khai thác khoảng trống “Trời cho” này, để vận động chủ trương ‘nhất thể hóa’ ở cấp thượng tầng, vốn ít ai nghĩ đến sẽ có thể diễn ra trong nhiệm kỳ này. Gọi là “trời cho” vì ông Quang đã từ trần đúng vào lúc mà uy tín của ông Trọng lên cao nhất ở trong đảng, sau hai năm đốt lò, trấn áp các phe nhóm khác bằng chủ trương đánh tham nhũng. Sự thay đổi từ Tứ trụ quyền lực sang thành Tam trụ, trong đó ông Trọng kiêm cả hai vị trí số 1 và số 2, cho thấy là ông Trọng dù có nằm mơ cũng không thể xảy ra ở nhiệm kỳ 12, nếu ông Quang không bị “đột tử”.
Thứ hai, trong cuộc chiến giành ghế Tổng bí thư với ông Nguyễn Tấn Dũng từ cuối năm 2015 trở đi, ông Nguyễn Phú Trọng đã âm thầm xây dựng một đội ngũ nhân sự thuộc phe nhóm mình để được chọn vào Trung ương đảng khóa 12 và chính dàn nhân sự này đã không chỉ giúp cho ông Trọng thành công trong việc khai thác khoảng trống “trời cho”, mà còn vận động để Hội nghị trung ương 8 bỏ phiếu tán đồng 100%. Bình thường ra ông Nguyễn Thiện Nhân là ứng viên có nhiều triển vọng thay thế vị trí của ông Trần Đại Quang để ngồi vào hàng Tứ trụ, nhưng Trung ương đã không chọn bầu ông Nguyễn Thiện Nhân mà chọn ông Nguyễn Phú Trọng, cho thấy là phe nhóm ông Trọng muốn thu tóm quyền lực vào tay ông Trọng ngày một nhiều hơn.
Thứ ba, một số bình luận cho rằng việc tập trung quyền lực sẽ giúp ông Trọng đẩy mạnh việc chống tham nhũng và giải quyết những yếu kém trong bộ máy nhà nước. Nhưng vấn nạn tham nhũng và sự yếu kém của cán bộ lại đến từ bản chất thoái hóa của bộ máy độc tài bưng bít và sự mê muội của định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy với một con người xuất thân từ tiến sĩ “xây dựng đảng”, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ càng khư khư ôm chặt con đường độc đảng một khi đã nắm được vị trí số 1 và 2, và sẽ mạnh tay hơn trong việc loại trừ những ai muốn có cuộc thay đổi để đất nước tiến bộ hơn. Hơn ai hết, ông Trọng biết rất rõ tham nhũng đã là cái bướu hoại sinh dính chặt trong cơ thể của đảng, làm không khéo đảng sẽ vỡ từ bên trong, nên hai năm qua, chiến dịch đốt lò chỉ là mượn danh “chống tham nhũng” hầu loại trừ đối thủ chính trị và thu tóm quyền lực mà thôi.
Thứ tư, đại hội đảng CSVN lần thứ 13 dự trù vào tháng 1 năm 2021 tới đây ở một khúc quanh rất quan trọng với khuynh hướng muốn “dân chủ hóa đảng”, tức là tản quyền trong đảng chứ không phải trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân. Chính vì cảm nhận nguy cơ “giảm quyền lực” này mà Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm càng ráo riết tập trung quyền lực vào một người theo mô hình Tập Cận Bình. Vấn đề là ông Nguyễn Phú Trọng năm nay đã 74 tuổi, đến Đại hội 13 thì đã là 77 tuổi và phải sửa lại điều lệ đảng (gồm gia tăng giới hạn tuổi và bỏ giới hạn chỉ cho làm 2 nhiệm kỳ) thì mới có thể đảm nhận trách nhiệm tổng bí thư kiêm chủ tịch nuớc cho nhiệm kỳ 13. Việc sửa lại điều lệ đảng sẽ là một thách thức mới cho phe ông Trọng. Nếu ông Trọng chọn về hưu vào năm 2021, thì cuộc chiến tranh giành quyền lực cho cái ghế “lớn” sẽ bùng nổ lớn chưa từng có trong thời gian tới. Nếu trước đây còn Tứ Trụ thì sự tranh nhau phần lớn ở ghế Tổng bí thư; nay không còn Tứ trụ, quyền lực tập trung ở một người vừa Tổng bí thư, vừa chủ tịch nước sẽ là cuộc chiến vô cùng gay go và khốc liệt.
Tóm lại, việc ông Nguyễn Phú Trọng được Hội nghị trung ương 8 chọn làm Tổng thống thay thế ông Trần Đại Quang hôm 3 tháng 10 vừa qua, giúp củng cố thêm quyền lực của người đứng đầu đảng, nhưng có thể trở thành bi kịch trong nội bộ với những xung đột mới trong việc chuẩn bị đại hội 13.