Tôi sinh ra sau khi cuộc giành chính quyền vào tay Cộng sản 1945 đã được 17 năm. Thế hệ chúng tôi chỉ nghe đến cuộc “cách mạng” ấy qua những bài viết trong sách giáo khoa và báo chí.
Khi đó, hệ thống thông tin cộng sản tô vẽ đủ màu cho “Cuộc Cách mạng mùa thu đầy khí thế và hào hùng. Và những gì chúng tôi biết cũng chỉ qua sách vở nhà nước in, báo chí nhà nước bán… thế là hết.
Chúng tôi lớn lên trong cuộc “chiến tranh chống Mỹ xâm lược” – ngôn ngữ chính thống được dùng thời kỳ đó và cho đến sau này của hệ thống tuyên truyền Cộng sản – Theo đó, cuộc chiến ấy là chính nghĩa, là nhân dân ta không chấp nhận xâm lược… Chúng tôi được biết tất cả về cuộc chiến nơi xa xôi bằng báo, đài nhà nước và biết những điều gần gũi hàng ngày là bom, đạn, xác chết và những lớp lớp thanh niên lên đường ra trận và trở về nhà bằng những cái giấy báo tử.
Thuở đó, các lãnh đạo đảng, nhà nước được tô vẽ lung linh, huyền ảo và bao trùm một màn bí ẩn về những tài năng thiên phú của họ.
Từ Hồ Chí Minh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đạo đức sáng ngời, cả đời không vợ, không con chẳng có đàn bà con gái để hy sinh, và cả những lời đồn đại truyền miệng về những tài năng đặc biệt, xứng đáng là người nhà Trời sai xuống cứu dân Việt Nam.
Cho đến Phạm Văn Đồng, thao lược về ngoại giao, thông tuệ về tri thức để làm thủ tướng lâu nhất thế giới. Rồi TBT Lê Duẩn, là một ngọn đèn 200 nến, tài giỏi không ai bì kịp, đạo đức không ai sánh bằng. Rồi Võ Nguyên Giáp là tướng giỏi nhất thế giới, binh lược toàn tài, đánh một đòn chết bảy khiến kẻ thù khiếp sợ khi nhắc đến tên ông ta, rồi Lê Đức Thọ, tài ngoại giao, đàm phán ở Hiệp định Paris mà phía Mỹ nhiều khi cứng họng…
Thôi thì đủ loại những lời khen ngợi mà với trí tưởng tượng của con trẻ lúc bấy giờ thì thật là hạnh phúc khi được sinh ra ở chế độ Xã hội chủ nghĩa có những lãnh đạo tài giỏi đến mức cả thế giới phải nghiêng mình.
Với những tài năng đó, sẽ đưa chúng tôi đến Thiên đường XHCN trong nay mai với cái hy vọng được vẽ ra:
Ngày mai tất cả sẽ là chung
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng…
Trên thực tế, chúng tôi trải qua những trận đói kinh niên, đói đến mờ mắt, từ nông thôn đến thành thị, từ trẻ thơ đến ông già đều chỉ chăm chắm vào việc kiếm miếng gì bỏ vào dạ dày cho đỡ đói. Khi người ta đói, thì được củ khoai luộc tống cho đầy bụng cũng đã là đến thiên đường.
Không gian chính trị và nhận thức của người dân Việt Nam lúc bấy giờ giống như một chiếc lồng bàn úp lại và ở giữa đó được treo ngọn đèn Đảng CSVN. Cái ánh sáng vàng vọt nó chiếu ra cũng làm cho người ta quen và thưởng thức như không có thứ ánh sáng nào hơn thế. Nhận thức người dân bó hẹp trong những lời đảng nói, những chỉ thị đảng nêu ra chỉ biết tin tưởng và chỉ được phép tin tưởng.
Tất cả những gì đi khác điều đó, con đường dẫn đến là nhà tù hoặc bị công an bắt đi rồi mất tích.
Chúng tôi cũng một thời nghe về Đỗ Mười, sau 1975 đã dẫn đầu những cuộc đánh tư sản Miền Nam. Những âm mưu của bè lũ tư bản, tư sản đối với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên cả nước ra sao và thành tích cũng như tài trí của Đỗ Mười như thế nào qua những chiến công đó.
Những câu chuyện đó qua báo chí, sách vở và truyền miệng đã đưa đến một hình ảnh lãnh đạo đất nước tài giỏi như Đỗ Mười khiến chúng tôi thấy thật hạnh phúc nếu được diện kiến.
Gặp Đỗ Mười
Điều choáng nhất đối với tôi đầu tiên khi động đến chính trị và các lãnh đạo đất nước, đó là sau khi vào Đại học Xây Dựng Hà Nội. Khi đó, Trường ĐHXD Hà Nội vẫn còn sơ tán ở Hương Canh, Vĩnh Phúc.
Một buổi chiều, tôi ra nhà ông Hoàng Xuân Liễn, là người quen của bố tôi khi học Đại học Bách khoa Hà Nội, ông làm Trưởng phòng Giáo vụ nhà trường. Đến nhà ông chơi, tôi chăm chú đọc tờ báo Liên Xô Ngày Nay, một loại họa báo in đẹp, tuyên truyền về Liên Xô, thành trì của Cách mạng vô sản và là Anh Cả trong phe XHCN.
Trên tờ họa báo, có in một đoạn bút tích của Hồ Chí Minh khi đến viếng Lenin. Đọc mãi mà tôi không thể hiểu được ý của ông Hồ định viết cái gì. Câu văn thì lủng củng, ngữ pháp không rõ ràng khó hiểu. Tôi hỏi ông Liễn:
- Bác có biết Bác Hồ viết như thế này là ý nghĩa gì không?
Thật bất ngờ, ông trả lời tôi:
- Vớ vẩn. Tay này viết ngớ ngẩn.
Tôi giật bắn mình và không dám hỏi gì thêm. Bởi khi đó, với thế hệ chúng tôi ở miền Bắc, nói về Hồ Chí Minh mà nói vậy là sự xúc phạm còn hơn phá Nhà thờ. Bởi phá nhà thờ là điều chúng tôi thường thấy khi đó.
Năm thứ 3 ở ĐHXD, chúng tôi đã chuyển về học ở Đồng Tâm, Hà Nội. Khi đó, Trường ĐHXD có đến mấy cơ sở, Đồng Tâm là một trong 3 nơi. Ở đó như một vũng lầy, đường sá bẩn thỉu, ngõ hẹp quanh co, lớp học và Ký túc xá ở lẫn nhà dân.
Người dân ở đó trồng rau, trồng hành, mùi… đủ thứ. Đến khi họ tưới phân thì khỏi học, ngồi trong lớp học hoặc ký túc xá như ngồi trong nhà vệ sinh công cộng. Cơ sở vật chất của ĐHXD chẳng có gì ngoài mấy dãy nhà cấp 4. Nhếch nhác, bẩn thỉu và xô bồ và đói là những gì mà thời sinh viên chúng tôi được hưởng.
Năm 1984, Trường ĐHXD tổ chức Hội nghị Khoa học. Không có hội trường nên nhà trường mượn Hội trường C2 Đại học Bách khoa Hà Nội để tổ chức.
Đến dự, có Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Chúng tôi nô nức vì lần đầu được gặp một nhà lãnh đạo đất nước.
Cả hội trường tập trung một lúc lâu thì ông đến. Công an thì gác trong gác ngoài hết sức đông đúc và nghiêm trọng, cẩn mật.
Đỗ Mười đến, lên bục phát biểu một hồi dài. Phong cách của ông là chém tay liên tục. Tôi ngồi dưới hội trường thấy ông nói chuyện, giọng khàn đực và chém tay lia lịa, không thể nhớ được nhiều. Nhưng tôi choáng khi nghe ông nói có những nội dung mà tôi không nghĩ là người như ông lại nói thế. Tôi chỉ nhớ mấy ý như sau:
- Tôi nhận được lời mời đến Đại học Xây dựng dự Hội nghị, mà tìm mãi không biết nó ở chỗ nào, mãi mới biết là mượn Hội trường của Bách Khoa. Các đồng chí được nhà nước giao cho trấn giữ ở phía Nam thủ đô, phải xây dựng cao lên, không chỉ năm, bảy tầng mà là mười tầng hoặc cao hơn nữa.
Ông Hiệu trưởng nhà trường mừng rỡ vì những lời này, cả hội trường yên chí rằng trường mình chắc sẽ được đầu tư đẹp hơn, tốt hơn.
Ông lại chém tay nói tiếp:
- Đảng và nhà nước hết sức quan tâm đến lĩnh vực xây dựng. Các đồng chí thấy vừa qua Hà Nội mới mưa một trận đã ngập lụt khủng khiếp như thế chưa. Là những người xây dựng, chúng ta phải chú ý đến Thủ đô, nâng nó lên, ao hồ lấp hết đi.
Cả hội trường cười như vỡ chợ. Là Bộ trưởng Xây dựng một thời gian dài, chẳng lẽ ông không biết rằng lấp ao hồ đi thì ngập lụt sẽ càng tăng lên? Quả thật là sau đó, Hà Nội thi nhau lấp ao hồ thật và ngập lụt lại cứ triền miên như hiện nay.
Điều thứ hai ông nói về đội ngũ trí thức Việt Nam, lại làm tôi chú ý. Ông nói:
- Chúng ta có đội ngũ trí thức hết sức đáng quý. Tình hình hiện nay là rất khó khăn. Các đồng chí tưởng tôi là Phó thủ tướng chính phủ là sung sướng lắm à? Suốt ngày đi ăn xin, xin lương thực, xin viện trợ.
Cả hội trường lại cười nhưng những tiếng cười khác trước. Có lẽ là cái cười đau khổ nhất của một tập thể mà tôi thấy. Đỗ Mười nói tiếp:
- Anh Trường Chinh nói rằng, các Giáo sư, tiến sĩ của ta lương chỉ đủ sống có 15 ngày. Nhưng tôi tính thì chỉ đủ 7 ngày. Còn lại thì chúng ta nuôi lợn, chúng ta đi rửa bát thuê cho hàng phở, chúng ta trồng rau, tự túc lương thực để nghiên cứu khoa học. Thế đấy, chúng ta có đội ngũ khoa học, trí thức đáng quý như thế đấy. Nó như thép đã tôi, tôi đi rồi tôi lại.
Lại một lần nữa, hội trường cười như chưa từng được cười. Dưới hội trường xầm xì: Trí thức mà cứ phải đi rửa bát thì làm sao còn có thể nghiên cứu khoa với chả học? Đói bỏ mẹ lo ăn chưa xong lại còn nghiên với cứu? Tôi thép chỉ tôi một lần chứ ai tôi đi rồi tôi lại…
Cả hội trường cứ râm ran và cười, Đỗ Mười thấy vậy cứ tưởng phía dưới hưởng ứng càng chém tay mạnh hơn.
Chợt Huỳnh Ngựa, một anh bạn cùng lớp đứng bật dậy đi ra. Hắn ra đến hiên nhà vừa đi vừa chửi: “Đm, chẳng có tướng mạo con c. gì”. Chúng tôi lại choáng vì công an cả đàn cả lũ đang đứng gần đó nhìn theo. Có lẽ anh ta cũng như chúng tôi đã gặp con người thực tế của một lãnh đạo đất nước không như những gì chúng tôi đã được nghe, được tuyên truyền xưa nay nên anh ta thất vọng.
Lần gặp trực tiếp Đỗ Mười ấy, đã làm xáo trộn trong tôi về hình ảnh một lãnh đạo đất nước không như tôi nghĩ, không như tôi nghe, cũng tầm thường và thiếu hiểu biết chứ không như những ông Thánh trong chuyện cổ tích chúng tôi vẫn được tuyên truyền.
Khi tôi về công tác tại Viện Thiết kế Bộ giao thông, thỉnh thoảng chúng tôi được nghe về những câu chuyện của các lãnh đạo quốc gia bởi những người đã gặp, những câu chuyện họ đã nghe. Những câu chuyện về đời thực của các lãnh đạo, đều như những câu chuyện phản động nào đó, ít ai dám nói công khai.
Một lần, nói đến những nhà lãnh đạo, một chị trong phòng kể:
Ông chồng chị, một lần đi công tác với Đỗ Mười, về nhà thấy thì thầm với chị: Đúng là tay Đỗ Mười này ăn nói cục súc thật, như thằng ngoài chợ. Chị hỏi chuyện gì, ông kể rằng hôm nay, đi cả đoàn cùng với Đỗ Mười thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Đến chỗ dệt, có một bộ phận cuốn sợi hay chỉ gì đó ông cũng không rõ, Đỗ Mười hỏi: Đây là cái gì thế? Sau khi được giải thích đây là bộ phận nọ kia trong quá trình dệt vải. Đỗ Mười nói một câu: “Nhìn như cái l. đàn bà ấy’. Cả đoàn choáng và ông cũng choáng về cách ăn nói của lãnh đạo đảng và nhà nước trước cả đoàn cán bộ cao cấp.
Ông Kiến trúc sư kể lại: Hồi tôi thiết kế phương án Trụ đầu cầu Thăng Long, sau khi thiết kế xong thì phải đến thông qua Đỗ Mười, nhưng không thể gặp ban ngày mà người ta bố trí buổi tối gặp ông ấy tại nhà. Chúng tôi đến quần áo chĩnh chiện nghiêm trang như đi hội nghị. Đến nhà, ông ấy bận một bộ quần áo ngủ tiếp khách. Ngồi nghe chúng tôi trình bày phương án xong ông phán mấy câu: Phải hiện đại, phải dân tộc, phải đáp ứng yêu cầu nọ kia của tình hữu nghị Việt – Xô… nghe xong chúng tôi ra về mà không hiểu cần làm như thế nào để đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy. Chán.
Những câu chuyện tôi trực tiếp thấy và nghe về Đỗ Mười từ những con người cụ thể đã từng gặp là có thế. Sau này, khi mạng Internet đã vào Việt Nam, tôi mới hiểu hơn về thân thế, xuất thân cũng như những hành động, những mặt đằng sau của các lãnh đạo đất nước không như những lời mà hệ thống tuyên truyền đã bơm vào đầu cả dân tộc này bao nhiêu năm qua.
Tôi đã đọc Hồi Ký của Đoàn Duy Thành, hiểu rõ hơn về chân dung Đỗ Mười, về những kế hoạch tàn bạo, man rợ của tư duy cướp bóc bất chấp luật pháp và lẽ phải của ông ta trong những quyết định, những chỉ thị khi làm lãnh đạo. Tôi ấn tượng về câu chuyện khi ông đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, nhìn thấy ngôi nhà hai tầng của một thủy thủ tàu viễn dương bên đường, ông ta hỏi nhà thằng nào mà nhà đẹp thế. Sau đó ông chỉ thị tịch thu tất cả những nhà cao tầng của bất cứ người dân nào để làm công sở, làm nhà trẻ không cần biết xuất xứ.
Tôi cũng thấy hiện lên qua đó, hình ảnh chân thực hơn về một trong những lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp thất học và những hạn chế về kiến thức nhưng được giao quyền lực lớn đã để lại những hậu quả to lớn như thế nào đối với đất nước, dân tộc này.
Tôi cũng đọc nhiều về những việc làm, lời nói và cách lãnh đạo, bè phái trong đảng khi chọn người làm lãnh đạo đất nước như lời Đỗ Mười: “Nó lật tao thì tao lật nó”.
Rồi qua mạng Internet, những vụ việc liên quan đến Đỗ Mười chuyên rao giảng đạo đức cách mạng, chí công vô tư, chống tham nhũng, lãng phí và khi sang Nam Hàn, tập đoàn LG tặng ông cả một triệu đola nhưng ông bỏ túi. Sau đó khi báo chí thông tin về việc này, ông bỏ ra mấy chục ngàn để tặng một ngôi trường nào đó và được báo chí lăng xê.
Và rồi hệ thống tuyên truyền với tư duy nói mãi thì sự dối trá cũng thành sự thật, tôi nghe một sư quốc doanh như Thích Thanh Hiền ca ngợi Đỗ Mười là “Bồ tát thị hiện” mà ngao ngán cho một tôn giáo đã bị lũng đoạn khủng khiếp như Phật giáo quốc doanh ngày nay.
Đặc biệt, tôi nhớ hình ảnh Đỗ Mười trong cái gọi là Hội nghị Thành Đô với Trung Cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam với bản mật ước mà đến nay đảng CSVN vẫn giấu diếm như một điều gì đó khủng khiếp dù nó liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, của đất nước Việt Nam này. Người ta đồn đoán, người ta lên án sự bất minh đó.
Bởi thường những gì phải lén lút, giấu diếm một cách bất minh thì thường là sự bất chính.
Một đất nước, một dân tộc mà đưa sinh mạng, tương lai cũng như tất cả mọi thứ của cả trăm triệu con người giao vào tay một cái đảng với những lãnh đạo như thế này, thì tương lai sẽ về đâu?
Câu hỏi không khó trả lời cho lắm.
Hôm nay, Đỗ Mười đã trở về cát bụi như một quy luật tất yếu của tạo hóa. Liệu ông ta được xây lăng to, mộ lớn thì có làm yên lòng dân, có làm cho con cháu và họ hàng được tự hào?
Hãy nhìn những phản ứng của người dân trên mạng xã hội, ngoài quán nước và trong lòng dân thì sẽ hiểu.
Nhất là nếu là người tin có đời sống tâm linh thì liệu Đỗ Mười có được thanh thản nơi chín suối khi có thời gian để ngẫm lại những việc của mình đã từng làm trên đời này khi sống một kiếp người?