CTM Media – Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương, Hoa Kỳ hôm thứ Ba, 2 tháng 10 lên tiếng cáo giác là một khu trục hạm của Trung Quốc đã có hành vi gây nguy hiểm khi áp sát một cách rất hung hăng và chỉ cách khoảng 40 mét tàu khu trục USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông, khi tàu này tiến hành tuần tra trong vùng biển Trường Sa hôm 30 tháng 9 vừa qua.
Được biết, chuyến tuần tra của tàu USS Decatur kéo dài 10 giờ trong vùng 12 hải lý gần Đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm 30 Tháng 9, một hoạt động thuyền xuyên gần đây nhất nằm trong chương trình bảo vệ tự do hàng hải, nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai Bãi Đá này nằm trong số bảy căn cứ tiền đồn mà Trung Quốc đã xây đắp trái phép dựng thành những hòn đảo nhân tạo, được củng cố mạnh mẽ kể từ năm 2013, đang gây lo ngại cho các nước lân cận ở Châu Á và cả Hoa Kỳ mà Bắc Kinh sử dụng nhằm thực thi bành trướng chiếm lấy hầu hết Biển Đông.
Theo lời một quan chức Hoa Kỳ nói với truyền thông thì Hoa Kỳ đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên như đã làm trong quá khứ, và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai theo luật pháp quốc tế, bất chấp yêu cầu từ Bắc Kinh từ trước đến nay là các tàu bè nước ngoài phải xin phép khi đi qua vùng biển họ kiểm soát. Quan chức Hoa Kỳ cho biết thêm rằng các cuộc tuần tra như vậy chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ “bay, hay hoạt động hải hành bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trong tuần qua, Hoa Kỳ cũng hai lần cho máy bay B-52 bay qua vùng đảo do Trung cộng chiếm đóng ở Biển Đông làm họ tức giận, nhưng không có phản ứng ngăn cản nào.
Cũng trong Tháng 9 vừa qua, trong lúc căng thẳng về các vấn đề kinh tế giữa hai nước gia tăng, Hoa Kỳ đã ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào quân đội Trung cộng vì đã mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa của Nga, dẫn tới hệ quả là cuộc họp an ninh dự trù với bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tại Bắc Kinh vào tháng 10 này đã bị hủy bỏ.
Tưởng cũng nên biết, cuộc tuần tra nói trên diễn tiến sau một loạt các cuộc tuần tra thông qua những vùng biển từ các nước đồng minh Hoa Kỳ, trong đó có tàu chiến Anh đã tiến hành một cuộc tuần tra tự do hồi Tháng 8 trong ngay trong quần đảo Trường Sa Hoàng Sa bị kiểm soát bởi Trung Quốc, nơi đang có tranh chấp với Việt Nam và Đài Loan. Trước đó hồi Tháng 5, một tàu hải quân Pháp cũng được điều hướng đi qua quần đảo Trường Sa, và mới đây một tàu hải quân Hàn Quốc cũng đã đi qua vùng biển tranh chấp này bất chấp phản ứng của Trung quốc.
Trong thời gian gần đây, các cường quốc thế giới đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, thách thức những hoạt động quân sự hóa và lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực này. Hồi giữa tháng trước, tàu ngầm Nhật Bản lần đầu tiên đã tham gia diễn tập cùng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Theo tin từ Bộ Quốc phòng Australia, Lực lượng Hải quân của Singpore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh đang tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật tại khu vực Biển Đông từ ngày hôm nay, 2 Tháng 10, và sẽ kéo dài 18 ngày. 5 nước tham gia tập trận này nằm trong Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) được ký vào năm 1971. Cuộc tập trận mang tên Bersama Lima 18 bao gồm “diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết về chiến thuật và quy trình hoạt động của các nước tham gia tập trận.”
Về phía Trung quốc, lên tiếng trong một thông báo phổ biến vào ngày hôm nay sau cáo giác của Hải quân Hoa Kỳ, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã giận dữ khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, và nói rằng phía Mỹ cho tàu đi vào lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo ở Biển Đông mà “không xin phép” là “đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, nên buộc Trung Quốc phải cho tàu ra để yêu cầu rời khỏi khu vực.
Trước đó Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích các cường quốc thời gian qua đã “gây bất ổn cho khu vực” khi đưa tàu chiến đến vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.