Khó ai hiểu nổi cách nói của Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam mang chính kiến gì sau một đề nghị không chỉ trịch thượng theo lối bề trên mà còn như thể nắm dao đằng chuôi của Ngoại trưởng Vương Nghị về việc Trung Quốc và Việt Nam ‘cùng hợp tác khai thác trên biển’, tức khai thác các mỏ dầu khí nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam mà đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh đã được vẽ sao cho nuốt sạch.
Dồn dập Trung Quốc!
“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ, hợp tác trên biển theo đúng các quy định và chế định của công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.” – bà Lê Thị Thu Hằng ‘đọc bài’ tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 20/9/2018, khi báo giới quốc tế đưa ra vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Việt Nam – Trung Quốc là cùng hợp tác để khai thác trên biển.
Trước đó 4 ngày đã diễn ra Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc diễn ra ở Sài Gòn, dưới sự đồng chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Cùng với sự kiện trên là việc Bộ Công an Việt Nam bất ngờ thông báo phía Trung Quốc đã viện trợ cho cơ quan này một phòng lab, nhưng không biết để làm gì.
Một số năm trước, đã có dư luận về việc trụ sở mới của Bộ Công an ở Hà Nội đầy ‘rệp’ – bị cho là được cài cắm bởi ‘đồng chí tốt’.
Còn ngay trước Phiên họp hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc năm 2018 là sự hiện hình của một loại ‘rệp’ khác: bằng một thông tư mang số 19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hợp thức hóa việc thanh toán và lưu hành đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, trong bối cảnh đồng CNY về thực chất đã được lưu hành và thanh toán chui nhiều năm ở không chỉ Lạng Sơn, Quảng Ninh mà còn dọc theo duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, cù ng lúc được các nhóm lợi ích quan chức ngầm hậu thuẫn theo cách ‘cõng rắn cắn gà nhà’, biến chủ quyền về an ninh tiền tệ của ‘Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ thành một thứ trò chơi rẻ tiền, đầy nhạo báng và vong bản.
Thông tư 19 lại hiện hình chỉ chưa đầy một tuần sau chuyến đi Bắc Kinh không nói rõ lý do của quan chức Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng – người được xem là cánh tay mặt của Tổng bí thư Trọng và đang được xem là ứng cử viên – nếu không phải cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 thì cũng là trám vào cái ghế chủ tịch nước vẫn còn hầm hập hơi ẩm của quan chức vừa về suối vàng là Trần Đại Quang.
Rồi sau đó là dồn dập hàng loạt quan chức Trung Quốc đến Việt Nam, bao gồm cả một phó thủ tướng và chánh án tòa án tối cao…
Những nỗi nhục và ‘tối hậu thư’ của Vương Nghị
“Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển” – Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thòng thêm.
Nhưng rốt cuộc, chính thể Việt Nam có dám ‘tiến ra biển lớn’ hay sẽ chấp nhận xuống thang ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc’?
Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm liên tiếp, Vương Nghị trịch thượng và sỗ sàng phát ra ‘tối hậu thư’, liên quan đến số phận treo niêu của các mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lan Đỏ, chưa kể những mỏ khác.
Lần đầu tiên Vương Nghị – thay mặt cho Tập Cận Bình – đòi hỏi Việt Nam ‘cùng hợp tác khai thác trên biển’ là tại Hà Nội vào cuối tháng Ba năm 2018, sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” đã xảy ra đến hai lần vào giữa năm 2017 và đầu năm 2018.
Bãi Tư Chính lại là một nỗi nhục sạm đen của một chính thể đã lao vào buổi tối trời.
Tháng Bảy năm 2017, hải quân Trung Quốc đã gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Sau vụ bỏ chạy không dám ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy trung ương – đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam – Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự “giao lưu quân đội Việt – Trung”.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Vào tháng Tư năm2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Lần thứ hai phép thử lấy tiền trong túi quần của mình đã không thành công. Chính thể Việt Nam đã rơi vào cảnh nạn bĩ cực đến mức dù quá muốn khai thác dầu khí ngay trong vùng chủ quyền của mình cũng phải bó tay. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.
Đến lúc đó, thay vì tiếp tục “can đảm bám biển, “bản lĩnh Việt Nam” tiếp tục thể hiện bằng cơ chế “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Nhưng vẫn chưa hết, và còn lâu mới hết câu chuyện vừa hài hước vừa cay đắng này.
“Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển” – Vương Nghị đã nói trắng ra như thế ngay tại Hà Nội.
Bản chất của những va chạm giữa hai chế độ “anh em” rốt cuộc chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí. Chắc chắn là khi đưa ra yêu sách trên, các chuyên gia phân tích tâm lý chính trị ở Bắc Kinh đã nắm rất rõ tinh thần “văn dốt võ nhát” và “chưa đánh đã chạy” của một số quan chức cao cấp ở thượng tầng chính trị Việt Nam.
Vẫn nỗi nhục hàng hai Việt – Trung
Sau vụ Repsol và nỗi nhục Cá Rồng Đỏ, chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng ‘cái khó lại ló cái ngu’. Ngay cả Rosneft của người Nga cũng đang có thể rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ là một số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt.
Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Trong cơn túng quẫn ngân sách và bế tắc khai thác dầu, rất có thể chuyến công du Nga của Tổng bí thư Trọng vào tháng Chín năm 2018 đã nhằm mục đích thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ. Tuy nhiên sau chuyến đi này, đã chẳng có bất kỳ tín hiệu khả quan nào cho ý đồ Việt nam muốn tránh thoát âm mưu ‘cùng hợp tác khai thác trên biển’ của Tung Quốc. Dường như Putin đã đưa ra một lời khuyên nước đôi, để khi Nguyễn Phú Trọng trở về, đối sách của Việt Nam vẫn còn nguyên trạng hàng hai với Trung Quốc.
Hẳn đó là nguồn cơn vì sao giọng điệu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam – vẫn thường bị dư luận ví von với hình ảnh ‘con vẹt’ – lại luôn lập lờ nửa trắng nửa đen về một bi kịch phải tìm cách ăn vụng ngay trong xó bếp nhà mình.
Dù ‘công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982’ vẫn là cụm từ được Bộ Ngoại giao và giới chuyên gia ‘bảo vệ chủ quyền’ của Việt Nam lặp đi lặp lại không biết chán, nhưng liệu cả Bộ Chính trị và 200 ủy viên trung ương đảng có dám chường mặt ra để khai thác dầu khí? Hay lại ‘huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc’ như cách hô hào của thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ – Nguyễn Tấn Dũng – và được di truyền cho các đời quan chức sau này vào bất kỳ khi nào chính quyền cần tróc thuế dân, mị dân và đàn áp dân theo cách ‘hèn với giặc, ác với dân’?