Những ‘lớp học’ kỳ dị trong xã hội VN đương đại

- Quảng Cáo -

Ánh Liên – VNTB|

Khi lý luận không thể giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, xu hướng đưa đến những ‘lớp học’ kỳ dị.

Trong một ngày đẹp trời, TBT Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo, khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 (lớp thứ 1, năm 2018). Lớp học này do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan đã đề xuất xây dựng chương trình học tập, bồi dưỡng lần này theo hướng hệ thống lại các chủ trương, đường lối của Đảng. Và trong chương trình này, những ủy viên BCT, những người đứng đầu các cơ quan Đảng và chính quyền sẽ đứng lớp dạy chuyên đề, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu chuyên đề Xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ và hành động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hiện nay; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu chuyên đề Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới,…
Nếu nhìn vào nguồn của lớp học và những người đứng lớp, thì đây là một lớp học cổ điển đúng nghĩa. Nghĩa nôm na, nó sẽ là một lớp mở rộng chuyên đề bồi dưỡng chính trị mà các ủy viên BCH Trung ương đã học nát từ thời kỳ học cảm tình đảng cho đến lúc được cất nhắc ở các chức vụ lớn hơn. Và vì là bồi dưỡng chính trị, nên ‘ta dạy ta’, chính yếu tố cố định khuôn trong chương trình nội dung và người giảng dạy dẫn tới việc bản chất nội dung không nhằm nâng cao, mở rộng mà chỉ nhằm củng cố tính ‘đúng’ của lý luận (kể cả khi lý luận đó là giáo điều). Sự thiếu vắng ‘phản biện’ trong một lớp học đặc biệt như thế này sẽ khó có kỳ vọng đạt được cái mục đích là hình thành ‘thực tiễn và lý luận sống động’. Nói đúng hơn, lớp học này chứng tỏ tính phi giá trị của riêng nó.
Chưa kể, những người chưa thể nắm chính xác nội dung chuyên đề họ dạy thì làm sao có thể phổ biến nội dung cho người khác. ‘Chính phủ liêm chính’ chưa hiện hành thì làm sao có thể nói về nó; ‘nhà nước pháp quyền’ chưa có thì làm sao đặt chủ thể ‘xã hội chủ nghĩa’ sau lưng để đề cập? Thậm chí, pháp quyền XHCN là gì? Bản chất của nó có thực tế không? Kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì? Bản chất nó có tồn tại hay không? Nếu đặt cả 2 vế này trong quá trình hội nhập về mặt lập pháp lẫn kinh tế, thì câu trả lời là: không. Thậm chí, pháp quyền XHCN đã làm méo mó các giá trị phổ quát quốc tế khi về Việt nam, chính trị hóa luật pháp (đặc biệt nhân quyền) không cần thiết, làm nảy sinh ra tư duy ‘cách mạng màu, diễn biến hòa bình’ trong đội ngũ lý luận; trong khi kinh tế thị trường định hướng XHCN lại cản trở mạnh mẽ Việt nam gia nhập lối chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa, bằng chứng là đến nay 2 thị trường lớn nhất về xuất khẩu Việt nam là Hoa Kỳ và EU vẫn chưa công nhận Việt nam sở hữu tính thị trường.
Tất cả, đã khiến cho lớp học lần này chỉ thể hiện tính phong trào là ‘học cho có’, không khác gì biểu hiện về mặt bản chất của Chủ nghĩa kinh viện thời trung cổ, một chủ nghĩa được rao giảng nhằm qui định hành vi của người ta theo những kết luận rút ra từ những giáo điều của Thiên chúa giáo, chứ không dựa vào thực tế của đời sống.
Những lớp học như thế này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu cũng như động lực mà ông TBT đặt ra, đó là ‘ăn vóc, học hay’ hay ‘đi một ngày đàng, học một sàng khôn’. Tính chất cổ hủ của nó, rập khuôn về mặt tư duy truyền đạt kiến thức của nó cũng không khiến ‘đảng tiến lên’ hay hình thành cái ‘lý luận tiên phong’ được.
Những lớp học kỳ lạ này không những thể hiện tính bất lực của hệ thống trong việc làm mới lý luận, mà còn cho thấy, lý luận hiện tại không đủ sức để giải quyết các vấn đề liên quan đến hình thành nền kinh tế thị trường, nền pháp quyền, dân chủ; hoặc chiến lược về mặt ngoại giao – quân sự trong thời gian qua. Nói cách khác, bản chất của lớp học càng làm cho tính đơn điệu và tẻ nhạt, cổ hủ và thiếu sáng tạo trong lối chủ trương và đường lối phát triển kinh tế – xã hội biểu hiện đậm nét.
Ngoài lớp học nêu trên dành cho lớp cán bộ, Việt nam cũng xuất hiện thêm một số lớp kỳ dị, quái thai khác. Trong đó có cả lớp đào tạo ‘Thạc sĩ phòng chống tham nhũng’ do trường ĐHQG Hà Nội tổ chức, lớp học mà theo tác giả Quách Hạo Nhiên nhận định rằng, nó là một vở bi hài kịch của nền giáo dục nước nhà. Bởi câu hỏi đặt ra, tại sao thay vì tăng cường tính răn đe và nghiêm khắc của pháp luật (đặc biệt là luật phòng chống tham nhũng), thì lần này lại tạo ra một ngành giáo dục về tham nhũng, nói cách khác, nếu ai muốn chứng tỏ không tham nhũng thì có phải họ buộc phải học lớp thạc sĩ phòng chống tham nhũng?
Những lớp học kỳ dị này vẫn diễn ra ở Việt nam như một câu chuyện thường tình, và nó càng ngày càng cho thấy tính chất bi hài của thể chế, một thể chế đi trong cái vòng luẩn quẩn do chính bản thân mình vạch ra và tự hào ta là đỉnh cao của trí tuệ. Và khi lý luận không thể giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, xu hướng đưa đến những ‘lớp học’ kỳ dị.
- Quảng Cáo -

8 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here