Khi Quốc hội Việt Nam thông qua luật An ninh mạng, những người bi quan nhất lo ngại giả thuyết sau sẽ xảy ra: Việt Nam có cắt đứt toàn bộ Internet và lập nguyên một mạng nội bộ Việt Nam như China Net của Trung Quốc hay không? Nghĩa là, đảng cộng sản Việt Nam có dám cắt toàn bộ Internet để bảo tồn chế độ hay không?
Luật rung cây dọa khỉ
Trước cả khi quốc hội họp về Internet hơn một năm, nhà báo lão thành Lê Phú Khải đã nhận định như sau: Bao nhiêu ngân hàng, bao nhiêu bưu điện, bao nhiêu bệnh viện đang dùng Internet, làm sao mà cắt được? Quốc gia hình chữ S ở cửa ngõ ra vào của vùng viễn Đông đã quá phụ thuộc Internet. Giờ đây, không có Internet thì không có ngành nghề nào ở Việt Nam hoạt động nổi quá một ngày. Chỉ xét trên khía cạnh kinh tế, chưa xét đến những khía cạnh khác, việc cắt đứt Internet trở thành điều không thể đối với Việt Nam. Cũng như nhà báo Lê Phú Khải, tuyệt đại đa số chuyên gia ở các lĩnh vực khi được hỏi đều trả lời là không, không thể cắt đứt Việt Nam với Internet.
Mới đây, tin cho biết tỷ phú Elon Musk đã bán thí điểm Internet vệ tinh ở một số khu vực, với giá tiền từ 9.99 USD đến 29.99 USD, tức là khoảng 200 000 đồng trở lên, so với giá Internet truyền bằng dây cũng khoảng chừng ấy tiền như các nhà mạng Việt Nam bán ra. Internet vệ tinh ở Việt Nam có thể đến trong một ngày trong tương lai, nhưng thậm chí ngày đó có thể đến trước cả ngày quốc hội Việt Nam cụ thể hóa luật An ninh mạng, trước cả khi nhà nước kịp thực thi luật này. Vậy đích ngắm thực sự của luật An ninh mạng này là gì?
Có thể luật này nhắm tới các biện pháp phạt thủ công hơn là tự động. Ví dụ, ở Thái Lan, sau khi tướng Chan-Ô-cha đảo chính và lên nắm quyền, phe quân đội vẫn phải chịu nhiều chỉ trích từ người dân. Có một người dân Thái Lan kiếm đâu được một cái ảnh xe tăng rồi đăng lên Facebook cá nhân với chú thích là có đảo chính trên đường phố Thái lần nữa. Đây là tin giả, và tin giả này cũng không kêu gọi đảo chính, chỉ như là cho vui, tuy nhiên người dân đó cũng bị giam cầm một thời gian. Có thể luật an ninh mạng Việt Nam cũng nhắm đến một chế tài tương tự như phe quân phiệt Thái đã làm như vậy. Với những ai đăng những tin bất lợi cho đảng cộng sản Việt Nam ( tùy ý họ diễn dịch) thì họ có thể dùng luật an ninh mạng để có biện pháp xử lý tương thích. Còn việc cắt đứt Internet và lập một mạng riêng ở Việt Nam trước sau vẫn là điều không tưởng.
Vậy, luật An ninh mạng mới thông qua ngày 12 tháng 06 chỉ là tiếng hét rung cây dọa khỉ. Tức là đứng ở dưới cây, đạp vào cây để cây lắc lư hầu cho bọn khỉ đang kêu la inh ỏi phải sợ mà chạy sang cây khác, mục đích cuối cùng là đừng cho bầy khỉ kêu la làm phiền chủ nhân nữa.
Người có cách khóa cửa, ta có cách trèo tường
Năm nay, trong đề thi tú tài (tốt nghiệp trung học) của Pháp, phần đề thi triết học có câu hỏi tự chọn như sau: Peut-on maitriser le développement technique ? ( Người ta có thể chế ngự được sự phát triển của kỹ thuật ?). Kỹ thuật là thứ vô tri vô giác do con người sản sinh ra nhưng dường như con người đã không còn kiểm soát được nó. Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ, cho dù có lấy quyền lực chính phủ/nhà nước thì cũng không thể kiểm soát được mạng toàn cầu Internet. Dù có thiết lập tường lửa hay các biện pháp kiểm duyệt gắt gao thì giới trẻ vẫn tùy ý vào đọc những trang mà nhà nước tỏ ý cấm, miễn là dân chúng thích thì dường như không ngăn nổi. Gần đây, một câu nói không rõ ai sáng tác nhưng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt đến nỗi trở thành một ngạn ngữ:“Người có cách khóa cửa, ta có cách trèo tường”.
Nghĩa là, nhà nước/chính phủ chặn truy cập đến các trang tin thì người dân cũng có cách để vượt tường lửa để truy cập các trang tin đó. Phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là đổi DNS của mạng máy tính, hoặc sử dụng mạng riêng ảo VPN. Không phải người dân nào cũng biết cách vượt tường lửa. Theo một khảo sát bỏ túi, tính đến thời điểm tháng 6 năm 2018, chỉ mới 10% dân số Việt Nam biết cách sử dụng mạng riêng ảo để truy cập đến những trang mạng bị hậu thuẫn chính phủ khóa truy cập.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, nhiều lúc không cần phải vượt tường lửa thì vẫn vào được các trang tin tự do. Chẳng hạn, đa số các tiệm Nét ở Việt Nam ( Internet Café), các chủ tiệm Net cạnh tranh với nhau bằng cách vượt tường lửa sẵn để khách chỉ việc ngồi vào là truy cập được. Nghĩa là, chính những chủ tiệm Nét đã giúp người dùng không biết gì về vượt tường lửa cũng có thể đọc những tin bất đồng chính kiến. Thậm chí, đây dường như là một chỉ tiêu kéo khách, tiệm Net nào vào được các trang tin thoải mái dễ dàng thì mới đông khách và thu lợi nhuận.
Cho nên, nếu đi vào các tiệm Nét ở TP.HCM các quận ngoại vi, thì không có tiệm Net nào là không mở sẵn các công cụ vượt tường lửa. Khách thích dùng gì và vào mạng nào thì tùy ý, chủ quán thì vờ như không quan tâm, và nhà nước thì càng không hề hay biết./.