Mong đợi gì từ thượng đỉnh Trump-Kim?

- Quảng Cáo -

Nguồn: Christopher R. Hill, “What to Expect From the Trump-Kim Summit,” Project Syndicate, 1/5/2018 – Biên dịch: Nguyễn Ngọc Phương Mai | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

***

Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 27 tháng 4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un, không bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng khắc hoạ bản thân là vị quân sư đứng sau mối quan hệ ngoại giao liên Triều. Nhưng bất chấp những hy vọng nhen nhóm từ bán đảo này, Trump có thể sẽ hối hận vì đã biến mình thành tâm điểm chú ý, nhất là khi hội nghị thượng định của chính ông với Kim đang đến gần.

Khi chuẩn bị cho sự kiện ấy, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, rất có thể Trump sẽ tránh đọc hoặc nghe ý kiến từ các chuyên gia, mà đắm chìm bản thân giữa dòng thông tin trái chiều. Suy cho cùng thì ông vẫn thường được cho là không hiểu được các báo cáo chính sách toàn diện, có tổ chức, và ý kiến của Trump thường phản ánh quan điểm của bất cứ ai mà ông vừa nói chuyện. Hơn nữa, Trump nhìn chung thường được dẫn dắt bởi cảm giác tiêu cực với những người tiền nhiệm, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, vì cho rằng họ quá cả tin hoặc không tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt.

- Quảng Cáo -

Nhưng cuộc gặp gỡ Moon-Kim đầy xúc động ở Panmunjom, “làng hoà bình” trên biên giới hai miền Triều Tiên, đặt ra một thử thách lớn cho Trump, người thích phô bày tài năng tạo lập thỏa thuận để có thể khoe với thế giới rằng “Bạn đang thấy khủng hoảng đây nhé, giờ thì nó biến mất rồi.” Tuy nhiên, tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể bị xoá tan đơn giản như thế.

Cùng lắm, thượng đỉnh Trump-Kim sẽ chỉ sinh ra thêm những công thức mơ hồ cho những gì có thể sẽ đạt được qua các cuộc đàm phán tương lai. Để có một cái nhìn về độ mơ hồ và thiếu chính xác của các tuyên bố ngoại giao như vậy, hãy xem bản tuyên bố chung từ hội nghị song phương của Moon và Kim, trong đó họ tự nhận là cùng chia sẻ giấc mơ phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Rất có thể, Kim sẽ đem lại cho Trump những lời trấn an nghe có vẻ đáng khích lệ hơn cả những gì mà ông ta đem lại cho Moon – tuy chênh lệch không nhiều. Cụ thể, Triều Tiên sẽ biện hộ rằng kho vũ khí hạt nhân của họ chỉ là để tự vệ – một phản ứng logic trước hàng thập niên thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên. Họ sẽ khẳng định việc Trump sẵn sàng gặp Kim là một động thái đáng hoan nghênh đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hoá; và họ sẽ đáp lại bằng một số nhượng bộ tương ứng, ví dụ như ngừng thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa.

Nhưng với câu hỏi là liệu Triều Tiên có quay trở lại trạng thái là một nước phi hạt nhân và tái gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay không thì Kim sẽ ngần ngại. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nói điều đó mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi các biện pháp từng bước một từ phía Mỹ và các đồng minh khu vực để xóa bỏ “nghi ngờ” – mối quan ngại ưa thích của Triều Tiên.

Về phần mình, Trump sẽ không chấp nhận bất cứ chuyện gì diễn ra “từng bước một,” vậy nên ông sẽ tìm đường tắt để đạt được một kết quả giống như những mục tiêu ông đã tuyên bố. Vì từng chỉ trích các căn cứ tiền phương của Mỹ trong quá khứ, Trump có thể sẽ đề xuất một cử chỉ đãi bôi để chứng minh Mỹ không có ý định dùng lực lượng quân đội ở Hàn Quốc để chống lại Triều Tiên. Kim chắc chắn sẽ hứng thú với điều này, và có thể đồng ý bắt tay ở một điểm nào đó trong vấn đề “phi hạt nhân hoá,” đổi lại Mỹ phải rút quân. Nhưng Kim vẫn sẽ yêu cầu thêm thời gian.

Trump có thể cũng sẽ nêu vấn đề các công dân Mỹ đang bị giam trong các nhà tù Triều Tiên. Kim có thể sẽ trả lời rằng đảm bảo tù nhân được thả là rất khó, do hệ thống tư pháp “độc lập” của Triều Tiên; nhưng ông ta sẽ thể hiện là một lãnh đạo nhân từ, sẵn sàng làm những gì có thể để giúp đỡ. Thậm chí Kim có thể còn tỏ ra thương tiếc cho Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ được Triều Tiên trả tự do năm ngoái trong tình trạng hôn mê và qua đời sau đó không lâu. Tuy nhiên, Kim sẽ không nhận trách nhiệm cho những đòn roi mà Warmbier rõ ràng đã phải chịu đựng.

Thượng đỉnh Trump-Kim sẽ có bầu không khí ấm áp. Kim có lẽ sẽ “thết đãi” Trump bằng những kế hoạch phát triển kinh tế của Triều Tiên và mục tiêu biến thủ đô Bình Nhưỡng thành một thành phố đẳng cấp quốc tế với – chắc bạn cũng đoán được – một khách sạn đẳng cấp quốc tế. Đi thẳng vào vấn đề hơn, Kim sẽ giải thích tại sao các lệnh cấm vận phải được dỡ bỏ trước khi ông ta có thể đặt nền móng cho tiến trình phi hạt nhân hoá.

Trump cần nhiều hơn thế để tuyên bố đạt được thành công. Một khả năng là ông sẽ chất vấn Kim về định nghĩa “phi hạt nhân hoá” lỏng lẻo của Triều Tiên. Kể cả khi không thống nhất về thời gian biểu thì Kim có thể ít nhất vẫn phải thừa nhận rằng phi hạt nhân hoá là quá trình dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách toàn diện, chính thức, và không thể đảo ngược.

Dù sao đi nữa, để chứng tỏ rằng mình không phải là món đồ chơi, Trump sẽ cần thực hiện đồng thời nhiều công việc. Để lấy lòng dư luận ở Hàn Quốc, Trump sẽ phải vạch ra một lộ trình giữa việc duy trì tinh thần hội nghị liên Triều với việc không chấp nhận giảm nhẹ các lệnh cấm vận. Ông cũng không được làm gì khiến suy yếu quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, công việc yêu cầu Trump phải duy trì liên lạc gần gũi với cả Moon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xuyên suốt quá trình, để hai vị lãnh đạo này không cảm thấy bị phớt lờ hoặc hạ thấp.

Hơn nữa, Trump cần giữ lại mọi giải pháp thay thế khả dĩ, mặc dù các phương án quân sự đang trở nên khó biện minh hơn trong bối cảnh cuộc đối thoại liên Triều. Điều quan trọng nhất mà ông cần đạt được là ít nhất khiến chế độ Triều Tiên công nhận phi hạt nhân hoá thật sự là mục tiêu, và đồng ý với quá trình duy trì đối thoại, có thể dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh khác.

Dù kết quả có thế nào thì Trump cũng nên tự hỏi rằng nó có tốt hơn Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung của Mỹ với Iran mà ông miêu tả là “thoả thuận tệ nhất trên đời” hay không. Một lần nữa, thuyết phục Trump tự soi xét bản thân có thể vẫn là thử thách khó khăn nhất tới giờ.

***

Christopher R. Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á, nguyên là Đại sứ Hoa Kỳ ở Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, đặc phái viên Hoa Kỳ ở Kosovo, đàm phán viên tại Hiệp Định Hòa Bình Dayton, và trưởng đoàn đàm phán của Hoa Kỳ với Triều Tiên giai đoạn 2005-2009. Ông là giáo sư môn Thực hành Ngoại giao tại Đại học Denver, và là tác giả cuốn Outpost.

Copyright: Project Syndicate 2017 – What to Expect From the Trump-Kim Summit

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

  1. Bà tiên tri Vanga dự đoán sẽ có chiến tranh hạt nhân . khi con người và công nghệ Đạt đến đỉnh cao . và truyện nhân quả là có thật . nếu đúng thì sẽ có ngày một phần tư trái đất bị hủy hoại . ngày tàn của mỹ rất có thể là thật , và chung Quốc trở thành cường quốc . Theo như dự đoán .

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here