Ừ thì quỳ !

- Quảng Cáo -

Fb. Ngà Voi|

Hồi mình còn đi học, sáu tuổi, bị cô bắt chụm năm đầu ngón tay lại cho cô vụt thước bảng to đùng vào vì tội viết tay trái. Bị bất ngờ ăn viên phấn hoặc cái giẻ chùi bảng ném bụp vào giữa mặt vì đứa ngồi bên nó hỏi mượn cái bút chì hoặc xin mẫu phấn. Bị chửi mắng sỉ nhục khi không đọc thuộc lòng những bài cô bắt học thuộc lòng. Bị mất mát tài sản, bị bắt nạt nhưng không bao giờ được cô giải quyết, can thiệp. Bị chửi mắng và thường xuyên bêu tên vì chậm đóng học phí… Và cái đứa lì lợm như mình luôn phản kháng bằng cách xé giấy khen, xé tập hoặc không viết kiểm điểm.

Đầy đứa trong những lớp mình học bị bắt quỳ gối úp mặt vào tường vì không học bài, vì nói chuyện trong lớp, vì đùa giỡn … chuyện đó xảy ra như cơm bữa, nó thường xuyên y như chuyện bị đánh bằng thước bảng. Có bà cô còn khùng tợn hơn khi cả lớp đang cắm cúi viết bài kiểm tra, cô đập cái thước bảng (bề ngang to khoảng ba ngón tay, dài nửa thước,) vào mặt bàn đánh rầm một cái cùng tiếng quát, “Năm phút nữa nộp bài.”

Hồi đó, đám học trò chúng tôi đánh giá sự tốt xấu lành ác của các thầy cô thông qua nhìn kích thước cây thước bảng và độ lớn của tiếng quát tháo của họ. Hồi đó, chuyện đi học bị đánh bị bắt quỳ là chuyện bình thường mà đám học trò phải chịu, không ai bênh vực, không ai dám lên tiếng, không ai phản kháng. Cả một xã hội coi điều bất thường đó là bình thường.

- Quảng Cáo -

Hầu hết đều không biết ở các nước phương Tây thầy cô không được phép đánh đập hành hạ học trò và học trò có quyền được trao đổi ý kiến với thầy cô, thậm chí phản biện còn được khuyến khích. Vì không biết nước người ta như thế nào, nên hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ việc đánh đập, hành hạ, hạ nhục học trò là vì thầy cô “thương cho roi cho vọt” chứ biết đâu đó chính là hành vi của những người mắc bệnh bạo hành, ưa bạo lực vì tuổi thơ hoặc cuộc đời họ bị bạo hành, và đó là hành vi hạ nhục nhân phẩm con người.

Đói thấy bà mà nên cha mẹ hục mặt kiếm miếng ăn cho con không chết đói là may lắm rồi, thời gian và công sức đâu nữa mà lo chuyện nhân phẩm. Con cái là phải phục tùng vâng lời cha mẹ và đi học thì phải phục tùng vâng lời thầy cô, cãi trong mọi tình huống là ăn đòn, không nói nhiều. Lứa chúng tôi lớn lên trong bạo lực như vậy đấy. Những đòn roi, những sỉ nhục hằn sâu thành vết thương tâm lý cho đến ngày nay không hề được chữa trị.

Tôi kể những chuyện trên, sẽ không ít người đọc và cảm nhận được chính mình trong đó vì nó là toàn xã hội, là hệ thống khắp nơi, không ngoại lệ, không thương xót.

Khoảng 20-15 năm trở lại đây, dần dần người ta mới biết thế giới bên ngoài, hệ thống giáo dục bên ngoài, mới biết đến chuyện nhân bản, nhân phẩm, nhân quyền … và một số cha mẹ bắt đầu phản kháng khi con cái họ bị đánh trong trường. Hồi đầu, những phụ huynh phản kháng đó cũng bị hành ghê lắm, rồi năm qua năm số phụ huynh phản kháng với việc thầy cô hành hạ con họ ngày càng nhiều hơn, luật ra đời, xã hội buộc phải thay đổi dù rất chậm, và giờ ta thấy việc thầy cô đánh đập hành hạ học trò là sai luật.

Ừ, dù biết là sai luật nhưng vẫn còn không ít những thầy cô sử dụng bạo lực với học trò. Bên cạnh việc áp lực về thành tích, áp lực về tinh thần thì các thầy cô ưa đánh đập học trò còn là những người mắc chứng thích bạo hành. Việc đánh đập, bắt học trò quỳ gối hoặc chửi bới sỉ nhục… nhằm một phần răn đe nhưng đa phần là để thoả mãn niềm hưng phấn thích thú khi được hành hạ người khác của những người yếm thế. Họ đã và hoặc đang bị hành hạ và cho rằng việc bị hành hạ là đương nhiên nên họ cũng đương nhiên cho mình cái quyền hành hạ người khác yếu ớt hơn mình.

Phụ huynh giờ cũng không nhất quán. Người thì cho rằng thầy cô đánh, bắt con mình quỳ là ok, là để dạy cho nó ngoan. Người thì không đồng ý và biết điều đó sai nhưng không dám phản kháng và dạy con không được phản kháng vì sợ sau khi phản kháng thì con sẽ bị đì bị ghét và bị hành hạ tinh vi hơn, nhiều hơn. Người thì không đồng ý và phản kháng bằng cách thưa kiện, khiếu nại và sau đó phập phồng trong lo lắng không biết con mình đến trường sẽ bị thầy cô đối xử như thế nào. Người thì phản kháng mạnh bằng cách hành hung, dùng bạo lực đáp trả bạo lực, ăn miếng trả miếng với thầy cô, và số này ngày càng nhiều, sẽ còn nhiều hơn nữa, đừng mong kiểm soát.

Người ta đang chê trách một vị phụ huynh và chê trách một cô giáo vì cô bắt học trò quỳ, phụ huynh bắt cô quỳ. Học trò quỳ, cô cũng quỳ. Cô bị chửi, phụ huynh bị chửi, hiệu trưởng bị chửi, cả trường bị chửi.

Thủ phạm

Cái đáng chửi là cái hệ thống đã xây dựng nên một xã hội hỗn loạn lạc hậu, đói nghèo, độc tài, xây dựng nên một nền giáo dục đậm chất bạo lực và phi giáo dục lẫn đói rách khốn khổ khốn nạn từ mấy chục năm qua cho đến như hiện nay mà chúng ta là nạn nhân cũng đồng là thủ phạm dung dưỡng không bằng cách này thì cách khác, trong sự hèn kém và bất lực của tất cả khi không thể thay đổi xã hội.

Nhiều bài báo viết với lời lẽ đao to búa lớn, “Khi cô giáo quỳ xuống là cả hệ thống giáo dục cúi đầu” hay thông dụng hơn là lôi truyền thống “tôn sư trọng đạo” ra để viết nhân vụ việc vừa qua. Tôi lại thấy việc đó là BÌNH THƯỜNG, là điều tất yếu sẽ phải xảy ra trong xã hội nhiều rối loạn này và còn nhiều nữa. Đừng chửi đừng kêu gào đừng phân lỗi ai, có đau đớn có trách cứ thì đó vẫn là điều vô ích, xã hội sẽ vẫn vậy. Khi và chỉ khi thay đổi được hệ thống xã hội thì lúc đó mới thay đổi được môi trường giáo dục, lúc đó mọi việc mới được đặt đúng vị trí và giá trị đúng đắn của nó.

Vấn đề là chừng nào? Như thế nào? Ai?

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here