Tâm Don (VNTB)
Nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước đã đau đớn đặt câu hỏi: nền báo chí Việt Nam vốn bị kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan công quyền đang nằm ở đâu trong hiện tình ngổn ngang và đau đớn của đất nước, đang ở vị trí nào trong những khúc quanh dòng chảy của lịch sử dân tộc và nhân loại khi nền báo chí ấy dửng dưng trước cột mốc tròn 39 năm quân đội của bè lũ bành trướng Bắc Kinh ào ạt tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam(17-02-1979/17-02-2018)?
Lẻ loi trong đớn đau
Vào đầu tháng 02-2018, trên mạng xã hội và các trang blog đã bắt đầu xuất hiện các thông tin, bài viết về cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với Việt Nam. Tần suất các thông tin và dung lượng thông tin lớn dần lên kể từ ngày 10-02-2018, và đạt đến cao trào kể từ ngày 17-02 đúng ngày mà 39 năm trước, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tổng tiến công xâm lược Việt Nam dù rằng ngày 17-02 năm nay trùng với ngày mồng hai tết cổ truyền- ngày gần như được mặc định là chỉ nói về bình an và hòa hiếu. Các tài khoản Facebook tràn ngập hình đại diện: Ngày 17-02-1979- Không bao giờ quên. Người sử dụng mạng xã hội và blog có cảm giác no nê về những thông tin đa chiều, đa dạng về cuộc xâm lược bẩn thỉu của chính quyền Trung Quốc, và chiến thắng hào hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến bi hùng ấy.
Trái ngược với mạng xã hội và blog, hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam gần như im bặt trước một dịp kỷ niệm và tưởng niệm. Trong hơn 800 cơ quan truyền thông và tuyên truyền của nhà nước, chỉ có vẻn vẹn 03 tờ báo có những bài viết, bản tin lẻ loi và nhạt nhòa về cuộc chiến của 39 năm trước. Có lẽ, mạng xã hội và blog đã thục giục ba tờ báo này đi vào lộ trình cạnh tranh thông tin? Hay chính sức ép từ nhận thức của những nhà báo còn có chút ít lương tâm nghề nghiệp đã buộc ban biên tập phải lên tiếng?
Báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên lên tiếng bằng bài báo “Nhớ đến quá khứ để hoàn thiện chính sách với người có công” được đưa lên bản online vào lúc 8 giờ sáng ngày 17-02-2018: (https://thanhnien.vn/thoi-su/nho-den-qua-khu-de-hoan-thien-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-933288.html). Tiêu đề của bài báo đã nói lên tất cả: chính sách đối xử đối với người đã ngã xuống trong một cuộc chiến, cụ thể là chiến tranh biên giới. Nhưng, bài báo đã không nói đến- hoặc không khẳng định một sự thật lịch sử là: đó là chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh. Không thể khẳng định rằng, tác giả bài báo và ban biên tập báo Thanh Niên là những người ngô nghê, ngờ nghệch về lịch sử. Chỉ có thể khẳng định rằng, tác giả bài báo và ban biên tập báo Thanh Niên đã lách qua một cánh cửa rất hẹp, rất nghiệt ngã để được nói một điều trong ngàn điều muốn nói.
Báo Tuổi Trẻ có bài viết “Đón tết, đừng quên dưới bóng hoa đào” được tung lên bản Tuổi Trẻ online vào lúc 13 giờ 13 ngày 17-02-2018: https://tuoitre.vn/don-tet-dung-quen-duoi-bong-hoa-dao-20180217125208533. Đây là một tác phẩm báo chí giàu chất cảm xúc, gần gũi với thể loại tùy bút báo chí, thiếu chi tiết, và các chi tiết không được kết nối mạch lạc. Có thể, tác phẩm báo chí này là kết quả của sự ra đời vội vã trong một khoảng thời gian ngắn do sự thúc ép lớn từ mạng xã hội và blog, do sự thúc ép từ nhu cầu thông tin của bạn đọc. Tuy nhiên, bài báo này đã thẳng thắn đề cập đến cụm từ: cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979, một cụm từ mà chính quyền Trung Quốc và chính quyền Việt Nam đều không muốn nghe đã 27 năm qua. Bài báo của báo Tuổi Trẻ đã đăng tấm hình những người lính Việt Nam và thường dân Việt Nam thắp “Nén nhang tưởng niệm những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 ở đồn biên phòng A Mú Sung, tỉnh Lào Cai” (phân tích hình ảnh cho thấy, đây là một tấm ảnh tư liệu- được chụp trước thời điểm tháng 02-2018).
Báo Tiền Phong có tin ảnh “ Lạng Sơn: Tưởng nhớ những người giữ đất biên cương phía Bắc” được đưa lên bản Tiền Phong online vào lúc 12 giờ 23 ngày 17-02-2018 (https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lang-son-tuong-nho-nhung-nguoi-giu-dat-bien-cuong-phia-bac-1243012.tpo). Bản tin của báo Tiền Phong mở đầu bằng phong cách báo chí chuyên nghiệp: “TPO – Sáng nay (17/2), rất đông du khách thập phương, trong đó có những cựu chiến binh, người dân bản địa Lạng Sơn tới đền Mẫu ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và pháo đài Đồng Đăng để thắp nhang tưởng nhớ những cán bộ, chiến sỹ và người dân đã hy sinh trong trận chiến biên giới 1979.” Dòng tin nắn ngủi này ẩn chứa một thông tin quan trọng: chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã không tổ chức lễ tưởng nhớ, mà những người dân và các cựu chiến binh tự mình tưởng niệm và tưởng nhớ. Có lẽ, báo Tiền Phong cũng đã phải gồng mình lại để lách qua những quỷ môn quan ngập tràn âm binh âm khí.
Chứng kiến sự lẻ loi của các tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, chứng kiến sự vô tâm vô cảm và vô trách nhiệm của hơn 800 cơ quan báo chí khác của nhà nước, nhiều facebooker đã mỉa mai rằng, cần phải dọn dẹp hết hơn 800 tờ báo nhà nước vô thưởng vô phạt vì công chúng đã có Facebook, có blog rồi.
Lặng lẽ thắp nến
Từ nhiều năm nay, mặc dù tiếp xúc với mạng xã hội và blog, có tài khoản mạng xã hội, nhưng các nhà báo trong hệ thống báo chí nhà nước luôn im lặng trước những vấn đề sôi động và đau đớn của nhân dân và đất nước. Thậm chí, họ còn im lặng trước những nỗi đau, thảm họa thiên tai. Và dĩ nhiên, họ im lặng trước những bất công và oan khuất.
Thế nhưng, trong thời điểm tưởng niệm và tưởng nhớ 39 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung, rất nhiều nhà báo trong hệ thống báo chí nhà nước đã bất ngờ lên tiếng. Một nhà báo chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí nhà nước nói: “Trong hệ thống báo chí nhà nước, không phải tất cả các nhà báo đều câm lặng trước cường quyền. Đó đây vẫn có những nhà báo lặng thầm thể hiện chính kiến của mình trước lịch sử, trước những bất hạnh của nhân dân và đất nước”.
Từ Hà Tĩnh, ngay từ sáng sớm ngày 17-02, nhà báo T.V.S đã viết trên tài khoản FB của mình: “Ngày này, lại nhớ thơ của Hoàng Nhuận Cầm viết cách đây đã 39 năm: Anh không thể mang về cho em- Những cột mốc biên cương đẫm máu”. Nhẹ nhàng và lặng thầm, nhưng đấy chính là thương đau và tưởng niệm.
Nhà báo Đoàn Việt, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam viết trên Facebook của mình: “Nghĩ gì ư? Hôm nay là ngày 39 năm trước bọn Trung Quốc xua quân sang đánh 6 tỉnh biên giới nước ta từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Chúng huy động 60 vạn quân với 550 xe tăng, xe thiết giáp với tỷ lệ quân Trung Quốc với bộ đội địa phương của ta ở Cao Bằng là 5/1, ở Lào Cai là 6-7/1. Trên biên giới giờ có 19.000 mồ liệt sĩ, các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc… Có thể nói rằng, trên thế giới không một nước nào đểu cáng, thâm hiểm, tiểu nhân bằng Trung Quốc. Hãy nhớ lấy điều đó và hôm nay, kỷ niệm 39 năm trước, dân ta hãy nhớ một điều là: Với bọn Trung Quốc thì “Thù muôn đời, muôn kiếp không tan”.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn, cựu tổng biên tập báo Bà Rịa- Vũng Tàu, cựu phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cũng đã trải lòng mình trên facebook: “Nhớ lại 39 năm trước, ngày 17.2.1979, 60 vạn quân Trung Quốc ào ạt tiến công dọc biên cương phía Bắc đất Việt yêu dấu & bị quân và dân ta đánh cho tơi tả phải rút lui. Thời điểm đó tôi là đại úy, phóng viên báo Quân đội Nhân dân cùng các đồng nghiệp có mặt với các đơn vị tiền tiêu ở mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn. Rượu ngon ngày Tết, nhưng bao nhiêu xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống nơi biên cương 39 năm trước, dân tộc này mãi mãi khắc sâu !”.
Nhà báo, Ts Nguyễn Văn Quang giảng dạy tại Học viện báo chí và tuyên truyền Hà Nội viết: “Ngày này (17/2) của 39 năm trước, TQ đã huy động 9 quân đoàn, 215.000 dân binh, hàng nghìn xe tăng đồng loạt tấn công VN trên toàn tuyến biên giới. Vui năm mới, mong mọi người hãy thắp nén nhang cho hàng chục nghìn người dân vô tội nơi biên giới đã chết trong cuộc chiến năm 1979. Và dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được quên mối thù này, phải luôn cảnh giác cao độ với “ông bạn” ở bên kia biên giới phía Bắc. Thật đáng buồn cho VN lại kết giao ông bạn khốn nạn đến thế”.
Từ Hà Nội, nhà báo, TS Nguyễn Văn Hạnh đưa lên trang FB cá nhân của mình hình ảnh người lính Đồng Đăng năm 1979 và viết: “Ngày hôm nay, mùng 2 Tết Mậu Tuất, nhưng cũng là ngày 17-2, chúng ta không thể quên, con cháu không thể quên. Nước non Việt Nam ta vững bền…”.
Nhà báo Lê Đức Dục của báo Tuổi Trẻ là nhà báo có nhiều bài báo viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979, về tuyến đầu của tổ quốc. Cộng đồng mạng xã hội rất thích một bài thơ anh viết về cuộc chiến này- một bài thơ trắc ẩn và ai oán: “Mặc ai cấm rằng không được nhắc- Bạn vàng Trung hoa từng thảm sát dân mình- Nhưng làm sao cấm hoa đào, hoa mận- Nở rưng rưng xuống những mộ phần…..Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi- Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn- Những bông hoa không cần chỉ thị- Cứ ra giêng rụng thắm đất anh nằm…..”.
Khác hẳn với một chính quyền cố tình lãng quên một cuộc chiến, cố tình không sòng phẳng với lịch sử, cố tình lãng quên những người đã hy sinh để bảo vệ biên cương phía Bắc, cố tình quên lãng những người đã tham gia một cuộc chiến, báo chí nhà nước- dù lẻ loi, một số nhà báo nhà nước- dù ít ỏi, đã cùng cộng đồng mạng và các nhà báo công dân lặng thầm thắp lên những ngọn nến lung linh để tưởng niệm và tưởng nhớ nhằm giúp nhân dân nhận chân lịch sử.
Các linh hồn liệt sỹ chống tầu cs .các oan hồn lớn bé già trẻ khắp 6 tỉnh biên giới phía bắc chưa khi nào đc yên nghỉ vì bọn cs bắc kì đã cố tình quên đi mối thù truyền kiếp của dân tộc vn .
nhục như con cá nục !
à quên ! cá nục bị fms
tq diệt hết rùi .
giờ thì phải dùng từ :
nhục vì dám “chú ngục”.
Dmcs