Phạm Chí Dũng – Người Việt
Đinh La Thăng là người tính tình xởi lởi, hay bông đùa và hay cười. Thăng lại là người từng hoạt động và phụ trách một mảng của đoàn thanh niên cộng sản ở công trình thủy điện Sông Đà, có máu văn nghệ và thích thể hiện bằng cây đàn ghi ta, nên càng hay cười. Do vậy, khá dễ để đối sánh nụ cười trong quá khứ của Đinh La Thăng với nụ cười cùng những giọt nước mắt thăng trầm của ông vào lúc sa cơ lỡ vận.
Hiện tại, Thăng không còn ngồi rung đùi ôm cây đàn ghi ta cùng cái cười hết ga, cái cười xả láng và rất anh chị của một thời uy quyền tung hoành, mà phải rên rỉ trong phòng xử của tòa án để sau đó đi thẳng về buồng tạm giam của công an.
Trong buổi chiều ngày xử án thứ tư của phiên tòa “Thăng – Thanh” vào Tháng Giêng, 2018, có một hình ảnh đáng ngạc nhiên và gây nhiều thắc mắc cho dư luận là, ngay sau khi bị Viện Kiểm Sát tối cao đề nghị mức án 14 – 15 năm, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng – con người hay cười ấy – vẫn nở một nụ cười khi ngồi trong chiếc xe công an đưa trở lại trại tạm giam.
Nụ cười ấy lại không cho thấy vẻ gượng gạo cố cười, mà thực chất là cười khá tươi.
Kẻ biết sợ
Làm thế nào mà Đinh La Thăng lại cười được như thế, khi mức án 14 – 15 năm tù giam là quá nặng cho tội danh “cố ý làm trái…” của ông, trong một phiên xử không chứng minh được Thăng tham nhũng và cũng chẳng làm rõ được việc Thăng, dù cố ý làm trái, nhưng không hẳn gây ra “hậu quả nghiêm trọng,” cho dù người đời thừa hiểu những quan chức làm kinh tế như Đinh La Thăng có quá nhiều cơ hội chấm mút và rất có thể đã chấm mút quá nhiều, quá đủ các loại tiền?
Nếu không phải là cố gượng cười để tỏ mặt yêng hùng, phải chăng Đinh La Thăng vẫn chưa thấm, chưa hình dung được tương lai hàng chục năm đằng đẵng trong phòng giam tối lạnh cô đơn chỉ biết “chăn kiến,” chưa biết sợ cái viễn cảnh “một ngày tù ngàn thu ở ngoài?”
Nhưng chỉ một ngày sau nụ cười trong xe công an, trong phần tự bào chữa của mình tại tòa, Đinh La Thăng đã sụt sùi xin tòa: “Việc xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa, bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ… Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái…” Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù…”
Biểu cảm trong lời tự bào chữa lâm ly trên được dư luận đánh giá là thật, bởi ở Đinh La Thăng đã biến mất vẻ ngông nghênh tự mãn và coi trời bằng vung trước đó. Cũng khác hẳn với với thái độ vẫn còn giữ cung cách quan quyền khi tiếp xúc với luật sư trong trại tạm giam, khẩu khí của Đinh La Thăng đã “cừu” hẳn.
Chỉ còn một cách giải thích: như một con sói rừng đã được thuần hóa, hoặc ít ra cũng có vẻ bớt hoang dã và hung dữ, Đinh La Thăng đã thực sự phải nhận một trận đòn đau và đã thực sự biết sợ.
Chí ít, việc Đinh La Thăng dùng từ lóng “ma trong tù” rất đặc thù của nhà tù đã cho thấy cựu ủy viên bộ chính trị này bắt đầu thấm cảnh tù đày và cũng bắt đầu run sợ trước tương lai.
Tương lai ấy, phía trước Đinh La Thăng lại là một vụ án khác: vụ 800 tỷ đồng của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam mà chính Đinh La Thăng đã quá nhiệt tình chỉ đạo gửi vào Ngân Hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, để số tiền này sau đó đã hoàn toàn biến mất.
Biến mất hay biến vào túi ai?
Nhiều dư luận và cả những nguồn tin khá tin cậy cho biết chính Đinh La Thăng đã chấm mút một phần không nhỏ số tiền 800 tỷ đồng đó.
Nếu vụ “800 tỷ” bị phanh phui làm rõ và chứng minh được Đinh La Thăng tham gia tham nhũng số tiền này, tội danh dành cho Thăng sẽ không chỉ là “cố ý làm trái…” mà sẽ là “chiếm đoạt tài sản…” – với một mức án có thể lên tới vài ba chục năm hoặc chung thân.Đó chính là tương lai mà Đinh La Thăng sợ hãi khi trần tình trước tòa, xin tòa không nên từ một tội danh để tách thành hai vụ mà “bất lợi cho bị cáo.”
Và một khi đã biết sợ, đã đủ sợ, con người ta sẽ tự biết tìm đường sống cho mình.
Vẫn nụ cười hy vọng hay tắt hẳn?
Giờ đây, Đinh La Thăng đã trở về buồng giam công an với cái án tù giam nhiều năm trời. Hy vọng ở phiên tòa đầu tiên về một kết thúc không đến nỗi nào đã biến thành nước mắt nuốt vào trong.
Nhưng có lẽ Đinh La Thăng vẫn còn hy vọng, dù là một niềm hy vọng có phần vô vọng.
Hẳn Đinh La Thăng, qua luật sư, đã biết việc không phải ngẫu nhiên, mà rất có chủ ý rằng trước khi phiên tòa “Thăng- Thanh” được mở, cả Cơ Quan Điều Tra lẫn Viện Kiểm Sát Tối Cao đều chủ ý thông tin cho báo chí là “Đinh La Thăng đã thành khẩn khai báo.”
Cũng không thể ngẫu nhiên khi trong lời khai của mình trước tòa, Đinh La Thăng đã trực chỉ trách nhiệm chỉ định thầu (một cách thức rất dễ sinh tiêu cực) xây dựng Nhà Máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 là thuộc trách nhiệm của “chính phủ,” tức được hiểu là trách nhiệm của thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng lại là “đối thủ truyền kiếp” của Nguyễn Phú Trọng. Cho tới giờ, không còn hồ nghi gì nữa, ông Trọng hẳn rất muốn đưa ông Dũng ra tòa. Một phiên tòa còn “lịch sử” hơn nhiều so với vụ xử “Thăng – Thanh.”
Kịch bản Đinh La Thăng đã “khai sạch” về Nguyễn Tấn Dũng ngay từ trong trại tạm giam ngày càng hiện rõ. Thậm chí trong tương lai không quá xa, Đinh La Thăng còn có thể trở thành nhân chứng để chống lại Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông Dũng bị đưa ra tòa.
Đó là lối thoát duy nhất của Đinh La Thăng. Và điều đó cũng như một cách giải thích hầu như duy nhất về nụ cười của Đinh La Thăng trong xe công an. Một nụ cười không thật sự tươi tắn và rạng rỡ, nhưng cả khóe miệng lẫn khóe mắt đều lóe lên ánh hy vọng. Có thể khi đó Thăng đã đã đạt được một kết quả khả quan nào đó trong “đàm phán” với cơ quan chức năng, đã nhận được một lời hứa hẹn nào đó để hy vọng sớm thoát tù của ông lại bay bổng.
Một nụ cười khấp khởi hy vọng. Hoặc ít nhất cũng là hy vọng thoát chết và thoát án chung thân để không phải làm “ma trong tù” mà sẽ được là “ma tự do.”
Nhưng liệu Đinh La Thăng có biết tận dụng cơ hội cuối cùng cho mình? Hay là không?
Những người thương cảm cho số phận của Đinh La Thăng thật ái ngại khi kết thúc phiên tòa “119 tỷ đồng” vẫn chưa có ánh sáng nào rạng lên. Thay cho nụ cười hy vọng trước đó, ánh mắt Đinh La Thăng âm u hẳn.
Dù biết Thăng là kẻ xài tiền như nước, các đồng chí của ông vẫn chẳng tìm ra chứng cứ nào đủ thuyết phục. Một trong những lần hiếm hoi người ta chứng kiến hiện tượng “quan oan.”
Phía trước ông vẫn còn một phiên tòa nữa, ít nhất một phiên tòa nữa. Nụ cười trong Thăng sẽ tắt hẳn chăng?