Lại tiếp thêm một “chiến trận” Biên Hoà.
Thay vì bảo vệ quyền đi lại bình thường của người dân, chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu như dàn trận, với trên 100 cảnh sát giao thông, cơ động tác chiến các loại lăm lăm gậy gộc, dùi cui, còng tay và súng đạn để bảo vệ quyền thu phí cho trạm BOT Biên Hoà.
Cuộc dàn trận thành công. Không một tài xế nào dám dùng tiền lẻ. BOT Biên Hoà trở lại với “tiến trình tiền” như cũ.
Không biết “chiến trận” Biên Hoà lần này có được xem như một “trận đánh đẹp”, để tiếp tục nhân rộng áp dụng cho tất thảy các trạm BOT toàn quốc?
BOT Biên Hoà không phải trận đầu. Đất nước hết chiến tranh, nhưng những “trận đánh đẹp” như vậy vẫn ngày một nhiều lên. Những trận đánh nhắm vào dân, coi dân như kẻ thù.
Sẽ chẳng bao giờ và không ai quên được các tháng ngày đỉnh điểm của “chiến trận Formosa”. Thay vì khởi tố, tống cổ “kẻ xâm lược” Formosa, chính quyền lại lập rào kẽm gai, huy động cả những sư đoàn, với bọc thép, chiến xa tối tân để… bảo vệ “kẻ xâm lược”, dàn trận đánh dân, trấn áp dân như kẻ thù và kết tội, bỏ tù những ai biểu tình lên tiếng chống đối Formosa.
Rồi các cuộc chiến đất đai.
Thay vì tấn công các tập đoàn “cá mập đất”, lấy đất trả lại cho dân, chính quyền lại lập án, dàn quân đánh dân. Những Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản… và gần nhất là “chiến trận” Đồng Tâm.
Thay vì kỷ luật, thậm chí tước hàm, bỏ tù những sĩ quan chỉ huy đánh dân, thì ngược lại, những viên chỉ huy lăm lăm súng đạn bắn vào dân như kẻ thù ấy lại được phong tướng, vinh tôn như những “anh hùng”.
Những trận đánh dân, chĩa súng vào dân, trấn áp, tấn công bỏ tù dân được gọi là “những trận đánh đẹp”. Những trận đánh “có thể viết thành sách làm giáo trình chiến thuật cho lực lượng công an nhân dân”.
Từ BOT đến Formosa, đất đai, và còn những “chiến trận” nào khác? “Những trận đánh đẹp” nhắm vào dân, khi đất nước đã không còn kẻ thù. Hay nói đúng hơn: khi kẻ thù là… nhân dân, khi chính quyền xem nhân dân như kẻ thù!