Việc nước Đức bầu cử vào ngày 24.9 tới chắc các bạn biết cả. Dự đoán khả năng Merkel thắng tới 80% làm cho dân Đức vừa mừng vừa lo.
Bọn lười động não thì mừng vì chẳng phải cân nhắc giữa Merkel với Schulz làm gì (Martin Schulz, chủ tịch đảng xã hội thiên tả SPD), bọn lười chân tay thì nghĩ có thể ở nhà uống bia, Merkel vẫn thắng. Bọn sợ cải cách, xáo trộn thì yên tâm sau ngày 24.9 không phải bận tâm gì cả, vì đằng nào cũng có đảng và chính phủ của cô Merkel lo.
Bọn thích rách việc thì lo là 12 năm qua chẳng có cải cách gì lớn dưới trướng cô „công chức lưu dung Đông Đức“, vốn thạo cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh, nay lại thêm 4 năm nữa thì đúng là 4 năm „vịt què“. Bọn đầu trọc lấy chuyện tỵ nan 2015 với gần 1 triệu người đổ vào Đức, hô vang “Mama Merkel” ra dọa, làm khối người nhẹ dạ sốt vó. Vì vậy đảng mỵ dân AfD (Sự lựa chọn của nước Đức) có cơ đạt 10% số ghế quốc hội.
Ở xứ sở mà kết quả bầu cử luôn 99 % (như ở ta và Triều Tiên) thì con số 10% là chuyện khôi hài, nhưng ở Đức thì 5% đủ xoay chuyển ván bài chính trị. Thậm chí 4,5 % đủ làm cả nước mất ngủ suốt đêm. Vì nếu sáng hôm sau, kiểm phiếu xong nhỡ thành 5%, đảng đó vào Quốc hội thì có ông sập tiệm mà ông khác lên thủ tướng nhờ liên minh với nó. Có thể vì 5% đó mà con mình đi học đại học 5 năm tới mất tiền hay không, đi xa lộ có phải đóng tiền không? Tất nhiên cử ai đi VN để học về cách làm BOT thì khỏi phải lo.
Nhiệm kỳ qua, nền chính trị ở Đức có thể coi là thời kỳ „Quốc-Cộng hợp tác“, tức là hai đảng lớn nhất liên minh với nhau cầm quyền. Lý do là xét theo ghế QH, không có liên minh nào giữa 4-5 đảng có thể vừa quá bán, vừa cơm lành canh ngọt. Cuối cùng chỉ có hai cậu mợ bự nhất, vốn ghét nhau nhất, nhưng vì quyền lực nên chịu cưới nhau. CDU, đảng Dân chủ thiên chúa giáo của cô Merkel (trước kia là cụ Kohl) được coi là trung hữu, thân giới chủ. Đảng Dân chủ xã hội SPD, vốn vẫn đại diện cho cánh tả và thợ thuyền (đang do Martin Schulz lãnh đạo). Từ trước đến nay CDU và SPD thay phiên nhau cầm quyền đã đu đưa nước Đức như cây thông, lúc sang tả, lúc sang hữu.
Quái nhất là lúc đám Hữu cầm quyền dưới thời cụ Kohl, nước Đức lại rất tả, phúc lợi xã hội như suối. Kẻ thất nghiệp hưởng tất cả các loại trợ cấp, tiền con, tiền nhà v.v cao hơn cả kẻ đi làm. Cho dân ăn tiêu lãng phí, nước Đức nợ đìa lên chục ngàn tỷ nên cụ Kohl bị đám Tả của Schröder đánh bại năm 1998.
Một trong các cải cách lớn nhất của Schröder là Agenda 2010, cắt giảm nhiều chi phí xã hội vô bổ nhằm đưa nước Đức ra khỏi nợ nần vào năm 2010. Nhát cắt đau đớn „thiên hữu“ của Schröder đã làm đám công nhân và tầng lớp dưới tức giận, họ chửi Schröder là „đồng chí của bọn Boss“. (Genosse der Bosse. Đảng viên SPD vẫn gọi nhau là đồng chí, vì họ xuất thân từ phong trào Quốc tế CS đệ nhị.)
Kết quả là sau 7 năm cầm quyền, năm 2005 ông trùm „cánh tả thiên hữu“ thất cử, nhường ghế lại cho Merkel, (nếu như ở VN, cô này được coi là công chức lưu dung của chính quyền bại trận).
Quả thực, nước Đức dưới thời phe Hữu của Merkel đã trở nên cạnh tranh hơn nhờ cải cách xã hội của phe Tả.
Trong 12 năm cầm quyền, Merkel đã có 4 năm (2009 đến 2013) liên minh với đảng FDP của ông Rösler, người có khuôn mặt rất Việt. Báo chí Việt Nam gọi là „phó thủ tướng Đức gốc Việt“. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Rösler chủ trương thả nổi kinh tế thị trường, giảm vai trò điều tiết của nhà nước.
Trong thời kỳ khủng hoảng ngân hàng và đồng Euro, khi mà thị trường tài chính từ Mỹ đến EU đều phải dựa vào tiền thuế nhà nước để thoát khỏi khủng hoảng thì tư tưởng neo-liberal của FDP không có chỗ đứng. Vì vậy mà rất đông người Việt hụt hẫng khi đảng FDP của Rösler chỉ được 4,8% phiếu bầu năm 2013, bị loại khỏi quốc hội.
Năm nay, kinh tế châu Âu đã bớt căng, thị trường ít cần sự hà hơi của nhà nước, đảng FDP lại có cơ vào quốc hội. Thời vận quyết định cơ may của một xu hướng chính trị, chứ chưa chắc đã là công hay tội của Rösler.
Trong một phóng sự trên kênh ZDF về thất bại của FDP 2013 có đoạn mấy ông bà già Đức nói với các cô cậu thanh niên FDP: „Tao không ghét đảng của chúng mày đâu, nhưng tao thấy để cái thằng China lãnh đạo chúng mày thế nào ấy“. Bố khỉ, sang đến tận đây, Tầu vẫn hại ta.
Tám năm còn lại, đảng CDU của Merkel và đảng SPD buộc phải liên minh với nhau (Đại liên minh) vì chẳng có liên minh nào khác cho phép. Hai đảng này chiếm hơn 73% quốc hội, khiến cho phe đối lập bỗng nhiên thành vô nghĩa. Đó là điều oái oăm nhất.
Hai ông bà trái tính này (CDU trung hữu và SPD trung tả) sau khi cưới nhau 8 năm, không bị ai quấy rầy, nay có nhiều điều giống nhau đến nỗi dân chúng không biết đâu là tả, đâu là hữu nữa. Cuộc tranh luân TV hôm cuối tuần rồi giữa Merkel và Schulz được coi là tẻ nhạt, vì hai ông bà không khác nhau gì trong các vấn đề cơ bản, ngoài bộ râu. Khi được hỏi là các ông bà có tính đến chuyện sau ngày 24.9 lại bắt tay nhau lần thứ 3 không? Cả hai đều tránh trả lời
Với sự trỗi dậy của đảng FDP và sự ra đời của AfD, món xúp 4 đảng trong quốc hội Đức sẽ trở thành nồi canh hẹ 6 đảng trong 2 tuần tới.
Đảng AfD tuy là đảng dân túy, nhưng không cực hữu như Le Pen (Pháp) hay Geerd Wilders (Hà-Lan). Họ chấp nhận cầu thủ da đen Boateng đem lại vinh quang cho bóng đá Đức, nhưng không thích có Boateng làm hàng xóm. Có nghĩa là họ thích vào tiệm móng tay của người Việt làm đẹp, nhưng Barbecue với nhau thì không.
Hai đảng hiện nay đang là phe đối lập trong Quốc hội: Đảng Xanh và đảng Cánh tả, đang cố gắng giành từng phiếu một để có cơ tham chính trong nhiệm kỳ tới. Đảng xanh (Grüne) là đảng môi trường, (đảng của Gã tiều phu). Họ ra đời vào những năm 70 của thế kỷ trước, cũng chỉ bắt đầu bằng những phong trào kiểu như ở Việt Nam: bảo vệ cây xanh, bảo vệ biển Miền Trung, bảo vệ Sơn Trà, chống đổ thải ở Ninh Thuận v.v.
Đảng cánh tả (Die Linke) có nguồn gốc từ đảng cộng sản SED bên Đông Đức đã giải thể, nay kết nạp thêm những người cộng sản ở miền Tây. 59 ngàn đảng viên là những người cộng sản thực thụ, vào đảng vì lý tưởng, chứ không phải vì chút quyền lợi. Ở xứ này vào đảng cộng sản, chẳng có chút bổng lộc gì, chỉ nai lưng ra đóng đảng phí và hưởng những cái nhìn ngờ vực của bạn bè, hàng xóm. Hai nữ thủ lĩnh: Kipping và Wagenknecht hầu như không gắn bó tý gì với quá khứ của SED. Họ vào đảng sau khi chế độ CHDC Đức sụp đổ.
Nhìn vào biểu đồ dự báo hôm nay, chỉ có hai khả năng lập chính phủ với số ghế quá bán: Một là liên minh tay ba giữa một đảng lớn và hai đảng nhỏ. Hôn nhân một chồng hai vợ chưa từng có tiền lệ ở cấp Liên bang, vì khả năng đổ bể quá lớn. Khả năng dễ xảy ra nhất là Đại liên minh giữa CDU và SPD với thủ tướng Merkel.
Đó là điềm xấu cho nền dân chủ ở Đức. Người Đức coi „Chất lượng của dân chủ thể hiện qua sức mạnh của đối lập“. Chẳng có gì buồn chán hơn cho một quốc hội khi mà hai đảng chính trị lớn nhất của đất nước thỏa hiệp với nhau, tạo ra thế áp đảo trên 70%. Lúc đó vai trò phản biện của quốc hội giảm đi trông thấy (51/49 thường là tỷ số đẹp nhất).
Chưa bao giờ mà 2 tuần trước ngày bầu cử. hơn 40% cử tri vẫn chưa biết bầu cho ai. (Gã tiều phu đã bầu bằng thư rồi, vì ngày 24.9 có cuộc gặp người bạn trước đây 50 năm)
Cho dù kết quả ra sao, dù ai cầm quyền, nhưng với một dân tộc toàn làm chuyện trái khoáy, đại loại như :
– Đại học sư phạm chỉ tuyển những học sinh tốt nghiệp với điểm tốt nhất, muốn làm giáo viên cấp một điểm lại phải cao hơn.
– Luật thuê nhà chỉ thích bênh người thuê, cấm chủ nhà tăng giá nhà vô căn cứ hay vượt khung. Cấm chủ nhà đuổi người thuê vô cớ v.v
– Cách đây một trăm năm đã coi thước đo của tự do là „Tự do của những người bất đồng chính kiến“ nay lại định nghĩa „Chất lượng của dân chủ thể hiện qua sức mạnh của đối lập“.
– V.v và v.v
thì chắc chắn là sáng ngày 25.09 ngủ dậy sẽ không thấy đất nước bị loạn.
Quý cô Merkel, là người Bình thường.