Vài ngày qua, tin về một hành khách bị kéo lê dọc lối đi của chiếc máy bay United Airlines ở phi trường quốc tế Chicago, trong khi người này bất động, miệng đầy máu, kính đeo mắt nằm lệch ở mũi, đã là đề tài được quan tâm nhiều trên mạng xã hội và báo giới.
Các trang báo điện tử, FB, Twitter dày đặc ý kiến, ngạc nhiên, phẫn nộ, xen lẫn nghi vấn về kỳ thị màu da, sắc tộc…
Và cũng có những phát biểu bình tĩnh, đúng đắn, từ những người đồng hương, khi biết nạn nhân không chỉ là một bác sĩ VN đang hành nghề tại Hoa Kỳ, gia đình có vị trí nhất định trong xã hội, mà còn là một nhạc sĩ, tác giả của những bài hát mang âm điệu dân ca, đầy tình tự dân tộc và cũng là người được cộng đồng người Việt địa phương quý mến.
Luật của Bộ giao thông Hoa Kỳ, và hợp đồng của United Airlines với hành khách được đưa ra để giải thích và tranh luận.
Theo Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, các hãng máy bay có quyền hủy chuyến bay của hành khách, và một bảng bồi thường chi tiết được quy định như sau:
*Nếu hãng máy bay sắp xếp để hành khách tới được địa điểm dự trù bằng một phương tiện khác với chậm trễ dưới 1 giờ đồng hồ thì họ không phải bồi thường.
*Trên chuyến bay quốc nội, nếu chậm trễ từ 1 tới 2 giờ thì khoản bồi thường là 200% giá vé máy bay với mức tối đa là $675 đô; nếu chậm trễ hơn 2 giờ thì bồi thường 400% giá vé với mức tối đa là $1.350 đô.
*Trên chuyến bay quốc tế, nếu chậm trễ từ 1 tới 4 giờ thì khoản bồi thường là 200% giá vé máy bay với mức tối đa là $675 đô; nếu chậm trễ hơn 4 giờ thì bồi thường 400% giá vé với mức tối đa là $1.350 đô.
Bộ giao thông Hoa Kỳ cũng cho rằng các hãng máy bay bán vé nhiều hơn số ghế ngồi của máy bay là hợp pháp, vì vấn đề lợi nhuận.
Cũng theo Bộ giao thông Hoa Kỳ, các hãng máy bay có quyền yêu cầu hành khách ra khỏi máy bay nếu hành khách vi phạm những điều sau đây:
-hành khách mang thai đến gần ngày sinh
-hành khách bị phát giác giấu ma túy hay vũ khí trong người.
-hành khách có hành vi gây nguy hiểm cho những người chung quanh
Phương cách các hãng máy bay thực hiện các quyền này như thế nào, tùy thuộc trình độ học thức, khả năng nhận định giá trị nhân quyền, cũng như khả năng giao tiếp với hành khách của từng hãng máy bay.
Về Hợp đồng của hãng United Airlines với hành khách, (United Airlines Contract of Carriage), người ta đưa ra hai luật trong hợp đồng liên quan đến tai nạn xảy ra cho ông David Dao:
1-Luật 25: (Quyền từ chối không cho hành khách lên máy bay nhưng phải bồi thường)
Luật này chỉ có thể áp dụng khi hai điều kiện sau xảy ra:
*Khi số vé bán nhiều hơn số ghế (oversold)
*Hành khách chưa vào máy bay
Trường hợp xảy ra cho ông David Dao, cho dù bốn nhân viên của United Airlines được xem như hành khách, để chuyến bay 3411 được xếp vào dạng “oversold”, thì việc từ chối hành khách PHẢI được thực hiện trước khi hành khách bước vào phi cơ.
Do đó, việc United Airline yêu cầu hành khách – không những ĐÃ VÀO PHI CƠ, và ĐÃ YÊN VỊ (seated passenger) – phải rời khỏi phi cơ, việc này KHÔNG liên quan đến luật 25 mà chỉ có thể liên quan đến luật 21.
2-Luật 21: (Quyền yêu cầu hành khách rời khỏi phi cơ)
Luật này liệt kê những trường hợp như gây rối, phá hoại hành hung người khác…
United Airlines có quyền yêu cầu hành khách rời khỏi phi cơ bất cứ lúc nào.
Theo tin tức từ các nhân chứng, ông David Dao không nằm trong các trường hợp này. Ngay chính United Airlines cũng không nói trường hợp ông Dao thuộc vào Luật 21.
Tóm lại, United Airlines đã hành động sai và đã không tuân theo những điều khoản trong hợp đồng của chính họ.
Xem vậy, United Airlines sẽ còn được nhắc đến trong thời gian dài, có thể vì cổ phiếu bị sụt giảm, vì bị tẩy chay, vì vi phạm luật lệ của chính mình, vì bất nhẫn, vì vô lương tâm, nhưng điều gắn chặt với United Airlines là hành vi bất lương, xúc phạm và làm tổn thương phẩm giá con người.
Thương tổn nhân phẩm này không chỉ ở lại với nạn nhân là ông David Dao, mà còn tồn đọng trong tâm tư hành khách của chuyến bay 3411 United Airlines ngày 9 tháng Tư năm 2017, cũng như những người quan tâm đến sự kiện này ở khắp nơi trên thế giới.