Những tấm hình chụp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc là quốc gia phát triển công nghiệp nhiệt điện đốt than lớn nhất thế giới. Và, ngành công nghiệp này là một trong những thủ phạm khiến Bắc Kinh rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử.
Bắc Kinh đã hoàn tất đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than cuối cùng trong một nỗ lực mạnh mẽ nhằm cứu vãn một cuộc khủng hoảng môi trường.
Cùng lúc, Việt Nam xuất hiện hàng loạt dự án đầu tư, xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tới 60 nhà máy.
Các anh chị hãy nhìn những tấm hình mù mịt khói và bụi này. Tôi không muốn nói rằng, đây sẽ là tương lai của Việt Nam. Thật sự không dám nghĩ, 5 năm nữa, 10 năm nữa… những đứa trẻ là con của các anh chị, là con của tôi, những đứa trẻ của chúng ta sẽ phải sống dưới một bầu không khí đen kịt như thế.
Mỗi năm, có 4.300 người chết yểu vì hậu quả của nhiệt điện đốt than. Đó là những gì đang diễn ra trên đất nước này, nơi các anh chị và tôi đang sống. Một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Harvard (Mỹ) đã đưa ra con số ấy. Họ cảnh báo, nếu các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch của Việt Nam đều đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ có 25.000 người bị chết yểu.
Tôi biết, các nhà quản lý kinh tế sẽ nói rằng cần xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than vì nhu cầu của nền kinh tế. Nhưng, thưa các anh chị, không một lý thuyết phát triển kinh tế nào ở thời đại văn minh này có thể chấp nhận sự đánh đổi cả sinh mạng con người. Nếu Chính phủ phải phát triển kinh tế bằng cách chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của nhân dân, đó là một Chính phủ thất bại.
Tôi đã dành nhiều ngày trong tuần qua để tìm hiểu về nhiệt điện đốt than. Và bắt đầu từ tối nay, tôi sẽ post các bài phân tích theo quan điểm cá nhân về nhiệt điện đốt than. Tôi mong các anh chị đồng hành cùng tôi như chúng ta đã từng cùng nhau trong các vấn đề Formosa, Cà Ná Hoa Sen… Đây là tiếng nói trách nhiệm của công dân và lương tri của một con người.
——————-
Giải thoát 2017 là tên một chiến dịch tuần hành ôn hoà vừa diễn ra ở Philippines nhằm phản đối các nhà máy nhiệt điện than ở quốc gia này. Những người tham gia chiến dịch cho rằng, các doanh nghiệp vận hành các nhà máy nhiệt điện than đang kiểm soát cả chính trị và kinh tế, vì lợi ích mà bất chấp đời sống người dân.
“300 MW thật sự là một con quái vật”, thị trưởng một thành phố ở Phillippines nói về một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than công suất 300 MW. Còn Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Chính phủ Philippines đặt câu hỏi: “Vì sao phải cho phép xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than? Tại sao phải đâm đầu vào nguồn năng lượng không có tương lai?”.
Tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách kinh tế nói rằng, nhiệt điện đốt than sẽ vẫn giữ vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển của ngành điện ít nhất vài chục năm tới. Tại sao phải đâm đầu vào nguồn năng lượng không có tương lai ư? Họ nói rằng vì nó có giá thành rẻ.
Nhu cầu về điện vẫn đang tăng khoảng 10% mỗi năm. Và tôi hiểu rằng, khi phát triển một nguồn năng lượng giá rẻ, người ta dễ dàng hơn trong việc cân đối bài toán đầu tư. Nhờ đó, họ vẫn hoàn thành chỉ tiêu kinh tế, đạt được thành tích tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Nhưng nếu hôm nay các anh chị và tôi im lặng, chúng ta chấp nhận tiếp tục đi theo một con đường phát triển lấy số lượng thay chất lượng, lấy giá rẻ thay vì tăng trường bền bững, nếu chấp nhận phát triển kinh tế một cách dễ dãi, lạc hậu trong một thời đại văn minh, nếu chấp nhận để hôm nay chúng ta vẫn có bát cơm ăn, nghĩa là chúng ta đang ăn vào cả tương lai, ăn cả mồ hôi, thậm chí là sinh mạng của con cháu mình.
Việt Nam có 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành. Như tôi đã nói hồi sáng nay, chỉ chừng ấy thôi mà mỗi năm đã có tới 4.300 mạng người Việt phải trả giá. Một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard của Mỹ đã cảnh báo rằng, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quy hoạch đi vào hoạt động thì sẽ có tới 25.000 người Việt Nam bị cướp đi mạng sống vì những ảnh hưởng của nhiệt điện đốt than.
Hãy nhìn sang Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp nhiệt điện than phát triển nhất thế giới. Ở đó, người ta ra đường không thể nhìn thấy mặt nhau. Ở đó, người giàu thì mua không khí sạch nhập khẩu từ các nước châu Âu đóng lon bán trong siêu thị. Còn đại đa số người dân buộc phải chịu đựng một bầu không khí có thời điểm mức độ độc hại gấp 100 lần giới hạn của Tổ chức y tế thế giới – WHO.
Để có nguồn năng lượng phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng tốc độ 10% mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ công nghiệp nhiệt điện than. Và đây là một trong những thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng môi trường ở quốc gia này. Sự xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường đang vô cùng gay gắt. Mỗi ngày, có 4.000 mạng người Trung Quốc bị đánh đổi cho chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá mà chính quyền Bắc Kinh đã theo đuổi nhiều chục năm qua.
Trong một nỗ lực cứu vãn tình hình ô nhiễm môi trường có thể nói là tồi tệ nhất trong lịch sử mà người Trung Quốc đang phải hứng chịu, hôm 18-3, Bắc Kinh đã hoàn tất việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than cuối cùng. Đây là một trong những hành động mãnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc nhằm làm sạch bầu không khí, từng bước từ bỏ các nhà máy nhiệt điện đốt than để thay thế bằng năng lượng sạch. Từ cuối năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã dừng xây dựng 103 dự án nhiệt điện than và đóng cửa hàng loạt nhà máy khác. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển năng lượng sạch đến năm 2020 với số vốn đầu tư lên đến 361 tỉ USD.
Trong khi cùng thời điểm, hàng loạt dự án nhiệt điện than quy mô lớn, với vốn đầu tư hàng tỉ USD đã được chấp thuận ở Việt Nam. Mới nhất, Bộ Công thương đang xin ý kiến về địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Long An, với quy mô vốn đầu tư lên đến 5 tỉ USD.
Theo quy hoạch ngành điện đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, công suất của các nhà máy nhiệt điện than sẽ vào khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% tổng lượng điện sản xuất. Năm 2030, công suất của nhiệt điện than sẽ lên đến 55.300 MW, chiếm 53,2% tổng lượng điện sản xuất.
Hiện nay, thống kê công bố hôm 10-3, nhiệt điện đốt than đang chiếm 44,5% tổng lượng điện sản xuất (hình 1). Bộ Công thương cho biết các nhà máy nhiệt điện hiện đang tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than và lượng tro xỉ thải ra khoảng 15,7 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2030, ước tính sẽ có tới 66 triệu tấn tro xỉ được thải ra môi trường. Đó là chưa kể vấn đề phát thải lưu huỳnh, cacbon là mối đe doạ đối với môi trường sống và sức khoẻ của người dân.
Mặc dù thừa nhận những mối nguy ấy, nhưng khi bảo vệ cho ngành nhiệt điện than, một chuyên gia ngành điện đã nói rằng, Việt Nam phải phát triển điện than vì giá rẻ. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và hạn chế dần phát triển nhiệt điện than.
Chọn nhiệt điện than, Việt Nam có giàu được hay không? Liệu có ngày đất nước này trở nên giàu có để sử dụng những nguồn năng lượng sạch bằng con đường phát triển tăm tối hôm nay không?
Ước tính, mỗi năm ngành điện cần huy động 7-8 tỉ USD cho phát triển điện. Nhưng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, đến năm 2030, chỉ riêng nhiệt điện than có thể lấy đi 9,7 tỉ USD. Đó là chi phí do thiệt hại về môi trường và sức khoẻ con người. Trung Quốc, cường quốc phát triển nhiệt điện than cũng đang phải trả giá đắt. Trong vòng 5 năm tới, quốc gia này sẽ phải bỏ ra 275 tỉ USD để làm sạch không khí.
Các nhà quản lý kinh tế có thể hùng hồn tuyên bố công nghệ nhiệt điện than hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường. Sẽ có thiết bị lọc bụi tĩnh điện, xử lý khí thải độc hại… Nhưng những gì đang diễn ra ở Trung Quốc đã không thể nào thuyết phục được cá nhân tôi. Vì một lẽ đơn giản, chính ở Trung Quốc, công nghệ nhiệt điện than của họ còn phá huỷ môi trường một cách tàn khốc đến mức Chính phủ phải đóng cửa hàng loạt nhà máy. Trong khi đó, thực tế có tới 78% dự án nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam thời gian qua đã dùng tổng thầu Trung Quốc và đương nhiên là họ mang theo công nghệ đến từ quốc gia này.
Những lo ngại VN sẽ tiêu thụ công nghệ rác của Trung Quốc không phải là không có cơ sở. Thật buồn cười khi các nhà quản lý kinh tế nói ra rả về phát triển bền vững nhưng hành động của họ hoàn toàn ngược lại. Họ hô hào tăng trưởng xanh nhưng lại hồ hởi với công nghệ xi măng lò đứng một thời đã khiến không biết bao người dân sống phải chịu đựng một môi trường quanh năm mù mịt khói bụi. Họ tuyên bố tăng trưởng kinh tế chú trọng về chất lượng nhưng lại mở rộng cửa chào đón những dự án thép khổng lồ để rồi gây ra một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng nhất lịch sử. Và nay, họ coi sự xuất hiện của những dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than là một thành tích của ngành.
Cá nhân tôi cho rằng, không một sự phát triển nào được coi là bền vững khi nó tiềm ẩn những rủi ro đe doạ cuộc sống của người dân. Không một quốc gia văn minh nào, không một loài người tiến bộ nào lại chấp nhận một thành tích phát triển có được khi hậu quả của nó là môi trường bị tàn phá. Ngày nay, phát triển kinh tế mà chấp nhận đánh đổi cả sinh mạng của nhân dân thì không chỉ là thất bại, đó là tội ác.
Những người chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng tư duy đánh đổi chẳng bao giờ có thể giúp đất nước này trở nên thịnh vượng. Khi thế giới đã dần từ bỏ mà chúng ta cố đi ngược lại thì sự tăng trưởng kia sẽ đẩy chúng ta đến chỗ suy tàn.
Nguồn: Fb. Bạch Hoàn
Nhiệt điện Phả Lại