Vụ án Ba Sàm – Kỳ 3 và hết: Cuộc đấu tranh này là trường học vĩ đại

Đoan Trang

Nhà báo Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) tác nghiệp trong một sự kiện ở Hà Nội. Ảnh: anhbasam.wordpress.com.
- Quảng Cáo -

Tâm lý phổ biến của mọi người là coi án chính trị là “án bỏ túi, án theo chỉ đạo, có cãi cũng chẳng thắng nên quan trọng nhất là làm sao giảm số năm tù”. Trái ngược với tâm lý này, cả ông Vinh và bà Hà đều không đặt nặng vấn đề bản án.

Khi còn tự do, ông Vinh đã duy trì trang Ba Sàm với tinh thần quyết liệt “khai dân trí, phá vòng nô lệ”. Ông từng tâm sự với nhiều độc giả rằng ông muốn theo đuổi đến cùng con đường làm báo độc lập để khai dân trí.

Bà Hà hiểu rõ mong muốn đó của ông, và bà tin ông cũng có suy nghĩ như bà: Ngay cả việc đi tù cũng phải được tận dụng để mang lại kiến thức cho người dân; đi tù cũng phải có ý nghĩa, quyết không để những năm tháng ngồi tù là uổng phí.

Vì lý do đó, không trao đổi trực tiếp được nhưng cả hai vợ chồng dường như đều thống nhất một thông điệp: Phải cố gắng lột tả hết những khía cạnh vi phạm nhân quyền của hệ thống tư pháp không độc lập. Xác định đối tượng hướng đến là 4 triệu đảng viên, trong đó có cả các cán bộ của ngành tư pháp Việt Nam – những người chưa bao giờ được biết đến hoặc mơ hồ về tư pháp độc lập, nhà nước pháp quyền.

- Quảng Cáo -

“Cho nên khi trao đổi với luật sư, bao giờ mình cũng nêu yêu cầu số 1 là: Chúng ta cần đối diện với vụ án này như là đứng trước phiên tòa của một nhà nước pháp quyền vậy. Phải dùng lý lẽ để chỉ ra những cái sai của hệ thống, còn việc tù bao nhiêu năm, không quan trọng. Các bác đừng quan tâm đến số năm tù mà hãy quan tâm đến chuyện nếu mình là luật sư của một nhà nước pháp quyền thì mình phải bào chữa như thế nào”.

Chuẩn mực tố tụng

Vụ án Ba Sàm có lẽ là vụ án điển hình trong lịch sử tư pháp Việt Nam về vi phạm tố tụng.

Với con mắt của một sĩ quan an ninh được đào tạo bài bản từ xưa, bà Lê Thị Minh Hà đọc bản kết luận điều tra và đánh giá các điều tra viên “vô cùng thiếu kiến thức về tố tụng, phạm những lỗi sơ đẳng về nghiệp vụ”, chẳng hạn, không lập biên bản hiện trạng của hiện trường trước khi bắt ông Vinh.

“Phải có biên bản trước khi khám xét, để ghi nhận cái gì đang ở trong tình trạng nào. Động tác ấy phải được làm đầu tiên và thể hiện bằng văn bản. Nhưng bên an ninh đã bỏ qua thủ tục bắt buộc, rất quan trọng ấy. Ngay từ bước đầu tiên đã sai rồi, thì toàn bộ các khâu sau đều coi như sai hết, không có hiệu lực”.

Các luật sư cũng chỉ ra nhiều sai phạm tố tụng khác, mà như bà Hà tóm tắt: “Bản kết luận điều tra rất mơ hồ và có những chỗ nói là không có điều kiện xác minh, trong khi ai cũng thấy là rất dễ và hoàn toàn có thể xác minh. Tất cả tác giả của các bài viết vẫn còn đây. Hai công ty VDC và FPT thì không được quyền và không có thẩm quyền giám định mà vẫn được đưa vào, rồi Hoàng Kong Tư là người có liên quan mà lại được ra quyết định bắt”.

Phiên toà phúc thẩm vụ án Ba Sàm tại Toà Cấp cao tại Hà Nội, ngày 22/9/2016. Ảnh: Báo Công Lý.

Tuy thế, phiên tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm vẫn diễn ra với cáo trạng dựa hoàn toàn vào kết luận điều tra của cơ quan an ninh, và áp đặt mức án 5 năm và 3 năm tù cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.

Nhưng bà Hà cũng không buồn. Nói đúng hơn, ở bà có một hỗn hợp nhiều cảm xúc.

Buồn và vui

Giống như thân nhân của nhiều gia đình tù nhân lương tâm khác, bà Hà từng phải trải qua cảm giác bị xa lánh, bị đối xử lạnh nhạt. Có một số người thay đổi thái độ, họ tránh mặt bà hoặc nếu buộc phải tiếp thì cư xử rất gượng ép. Một số khác thì thờ ơ, tỏ ra không muốn dính vào vụ việc. “Có người còn cho là ông Vinh điên, đang yên đang lành thì đi đấu tranh. Với năng lực của ông ấy thì nếu không chống phá, đã có thể lên cấp tướng rồi, giữ trọng trách cao, bản thân sung sướng mà vợ con cũng đỡ khổ”.

Bà cũng đã rất đau đớn sau phiên sơ thẩm (23/3/2016). Bà nói nhiều về những sai trái, bất công của nó: Một phiên tòa mà mọi luận điểm quan trọng luật sư đưa ra đều bị từ chối tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát rất kiệm lời, thẩm phán chủ tọa Nguyễn Văn Phổ thì không có kiến thức về công nghệ thông tin (trong khi xét xử một vụ án liên quan đến công nghệ thông tin). Ban đầu tòa xử Nguyễn Thị Minh Thúy 24 tháng, sau thấy thái độ của cô “bất hợp tác” quá thì tăng lên 36 tháng.

Những điều ấy quả là xúc phạm và gây đau lòng, phẫn nộ cho một người từng được đào tạo và làm việc trong ngành an ninh và tư pháp, như bà Hà.

Tuy nhiên, bên cạnh cảm giác cô độc và bị xa lánh, bà Hà cũng được nhiều người tìm đến và chia sẻ, như giới truyền thông quốc tế, bà con giáo dân ở Hà Nội, những người hoạt động nhân quyền-dân chủ từ nhiều vùng trong cả nước, và bloggers. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã là tù nhân lương tâm đầu tiên của Việt Nam được có một cuốn sách viết riêng về ông, và là sách song ngữ Việt-Anh.

Sách “Anh Ba Sàm” bắt đầu được xuất bản độc lập qua Amazon ngay trước phiên toà sơ thẩm. Ảnh: NXB Trẻ Hà Nội.

Đặc biệt là bà được nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ trong ngành an ninh ủng hộ. Bà kể, thậm chí còn có điều tra viên tâm sự với bà: “Bọn cháu ở quê, làm an ninh thì cô biết đấy, tiền lương của bọn cháu chỉ đủ trả tiền nhà thôi. Vụ này bọn cháu chẳng muốn làm đâu, nhưng buộc phải làm”.

Có thể họ nói thật, cũng có thể là nói dối, nhưng điều bà tin chắc là họ thấy day dứt. Vì lẽ đó, bà khuyên những người ở cùng cảnh ngộ nên cố gắng tránh cực đoan, hạn chế chửi bới, nhất là không thể hiện mình hận thù và thất bại.

“Mình muốn bạn bè của mình, kể cả đám an ninh theo dõi mình, đều thấy mình vẫn là một con người, có yêu có ghét, có thích cái này cái nọ. Nói tóm lại, có một cuộc sống bình thường. Chẳng việc gì phải lúc nào cũng tỏ ra căm thù và căng thẳng. Rõ ràng đây là câu chuyện rất lâu dài. Không thể nào tỏ ra tuyệt vọng được”.

Vượt qua sợ hãi

Trong một xã hội vắng bóng pháp quyền, thật khó để tù nhân lương tâm và gia đình của họ chiến thắng, theo nghĩa là không phải chịu thiệt thòi gì. Ngược lại, cuộc đấu tranh của họ luôn đầy đau khổ và nước mắt.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Minh Hà vẫn cho rằng bà may mắn. May vì có những người đã cùng bà tham gia vào cuộc chiến từ đầu và vẫn tiếp tục đến cùng. May vì nhờ cuộc chiến ấy, bà đã hiểu rằng làm một con người tự do là phải có nhân quyền – quyền biểu tình, quyền biểu đạt, và cả quyền phản ứng với bất kỳ cái gì bất công và gây nguy hiểm cho xã hội. May vì bà đã trưởng thành.

“Mình đã từng rất sợ hãi nhưng bây giờ mình bước qua khỏi nỗi sợ hãi và mình không sợ nữa. Bà mẹ của Nguyễn Thị Minh Thúy cũng vậy. Lúc đầu bà ấy vật vã đau khổ nhưng rồi sau này bà lại cảm ơn mình và rất tự hào về con gái bà ấy, thường nói là “không thể ngờ là con gái tôi lại làm những điều cao quý như thế”.

“Mọi điều chính quyền mong muốn đều thất bại: Uy hiếp người ta để người ta sợ, mà cuối cùng người ta lại dũng cảm hơn. Bản thân họ không sợ đã đành, mà thân nhân họ cũng không sợ”.

Niềm lạc quan lớn nhất mà bà Hà chia sẻ là: Ai bước chân vào cuộc chiến này mà hết lòng với nó thì thật sự đây là một trường học vĩ đại.

Trong các vụ án chính trị, hầu như tất cả những người bị bắt đều mắc một sai lầm rất lớn là không trang bị, chuẩn bị trước về tinh thần và kiến thức cho thân nhân.

“Bản thân mình là người học trong ngành an ninh, mà mình còn phải bỏ thời gian ra tìm hiểu và thấy bỡ ngỡ đến thế, lúng túng đến thế trong giai đoạn đầu thì những người khác còn như thế nào? Họ gần như không làm được gì và phải cam chịu. Như vậy thì xã hội sẽ đi về đâu? Và công lao, sự hy sinh của những người đi tù sẽ rất lãng phí. Đừng để như vậy. Hãy học, từ luật sư, từ những người trẻ tuổi, từ tất cả”.

Mai sau này, Nguyễn Hữu Vinh ra tù; rất có thể Anh Ba Sàm nổi tiếng của “Thông tấn xã Vỉa Hè” ngày nào sẽ lại có những bài báo, bài viết về một thời dữ dội của ông: khai dân trí ngay ở trong tù, phá vòng nô lệ ngay bằng việc đi tù. Dù thế nào, câu chuyện ấy cũng chẳng thể thiếu vai trò của vợ ông – bà Lê Thị Minh Hà – người đã đấu tranh theo cách của riêng bà để cố gắng xây dựng ý thức về thượng tôn pháp luật ở Việt Nam.

(Hết)

Luật Khoa tạp chí

 

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

  1. Không mở được trang web Vụ án Ba Sàm – kỳ 3 và hết : . . .bằng điện thoại , cũng xin thêm , gần đây cái điện thoại của tôi không truy cập được ngay cả bbc , . .

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here