Hệ thống chính trị hướng đến
Điểm khác biệt thứ tư là khác biệt ở hệ thống chính trị nhà lãnh đạo hoặc nhà cầm quyền xây dựng lên.
Để thực hiện được công việc lãnh đạo của mình, một trong những nền tảng bắt buộc nhà lãnh đạo phải có, đó là sự chính trực vẹn toàn trong công việc và lời nói của mình.
Lý tưởng của nhà lãnh đạo, ước mơ hay khát vọng của họ, không ai có thể truy nhập trực tiếp được. Nhưng người dân sẽ biết được gián tiếp những điều đó thông qua lời nói và việc làm của nhà lãnh đạo. Và quan trọng hơn, người dân có thể giám sát được những điều đó, để từ đó tin tưởng và ban trao sự lãnh đạo. Chỉ khi được ban trao sự lãnh đạo, trong tin tưởng và tự nguyện, thì nhà lãnh đạo mới có thể hành xử công việc lãnh đạo của mình. Và cũng chỉ khi đó, các dự án lãnh đạo mới có thể thành việc.
Sự chính trực vẹn toàn này sẽ không chỉ dừng ở trong lời nói và việc làm của nhà lãnh đạo, mà phải được mở rộng ra cả hệ thống mà người đó thiết kế và vận hành, và thể hiện ra thành sự minh bạch. Một hệ thống chính trực là một hệ thống minh bạch. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo bao giờ cũng hướng đến việc xây dựng một hệ thống minh bạch, còn nhà cầm quyền thì không. Vì với nhà cầm quyền, quyền lực đến được không qua sự ban trao, mà qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt. Vì thế, nhà cầm quyền sẽ không quan tâm đến sự tin tưởng của người dân, mà tập trung vào tuân thủ và đàn áp.
Để công việc lãnh đạo được thành công, nhà lãnh đạo bắt buộc phải thuyết phục được toàn dân tham gia, và huy động được mọi nguồn lực của người dân, để hiện thực hóa các dự án lãnh đạo của mình, hay rộng hơn là toàn bộ tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là toàn dân phải có cơ hội được tham gia ngay từ những khâu đầu tiên, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện của mình.
Muốn vậy, nhà lãnh đạo phải có thêm một nền tảng cốt yếu khác, là bao dung hội hợp. Chỉ khi có được sự bao dung hội hợp thì nhà lãnh đạo mới có thể thu hút được đủ người tài, và có được đủ sự ủng hộ của toàn dân để hiện thực hóa các chương trình lãnh đạo của mình.
Với hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam, khi chiến tranh xảy ra liên miên, chia cắt lòng người còn nặng nề, thì bao dung hội hợp lại càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Sự bao dung hội hợp này, cũng tương tự như chính trực vẹn toàn, phải được mở rộng ra cả hệ thống chính trị mà nhà lãnh đạo xây dựng lên.
Vậy đâu là một hệ thống có khả năng bao dung hội hợp với mọi người dân? Rõ ràng, đó chỉ có thể là một hệ thống dân chủ. Vì hệ thống dân chủ cho phép mọi người dân đều có cơ hội được tham gia và đóng góp, được bày tỏ chính kiến của mình trong việc phát triển đất nước. Còn một hệ thống độc tài sẽ không có khả năng làm được việc này.
Và trở lại cách thức đạt được quyền lực rằng, nhà lãnh đạo sẽ đạt được quyền lực thông qua sự ban trao, mà cụ thể là một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch, còn nhà cầm quyền sẽ đạt được quyền lực thông qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt, sẽ thấy rằng nhà lãnh đạo sẽ hướng đến việc xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ, không chỉ vì một hệ thống như vậy sẽ mang lại tính chính danh cho quyền lực và vị trí mà họ đang nắm giữ, mà nó còn là một công cụ đắc lực để họ huy động mọi người lực trong việc hiện thực hóa các chương trình lãnh đọa của mình. Còn nhà cầm quyền sẽ lảng tránh việc này, vì nó đe dọa trực tiếp đến quyền lực và vị trí mà họ đang có được thông qua sắp xếp hoặc chiếm đoạt.
Vậy nên, nhìn vào hệ thống chính trị đang được xây dựng, có thể biết được đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền.
Sứ mệnh cá nhân
Điểm khác biệt thứ năm là sứ mệnh cá nhân mà nhà lãnh đạo hoặc nhà cầm quyền tự đặt ra cho mình.
Nhà lãnh đạo, xuất phát từ cách thức đạt được quyền lực và bản chất công việc của mình, thường tự đặt ra một sứ mệnh cá nhân lớn lơn mối quan tâm của bản thân, gia đình hoặc phe nhóm mình, tức gắn liền sứ mệnh cá nhân của mình với tương lai của cộng đồng mình dẫn dắt. Vì sao vậy? Vì chỉ thông qua cách đó, nhà lãnh đạo mới có được sự tin tưởng và ban trao sứ mệnh lạo của người dân. Và cũng chỉ bằng cách đó, nhà lãnh đạo mới có thể thuyết phục người dân tin vào tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra, và cùng hợp tác với nhà lãnh đạo để hiện thực hóa tương lai đó.
Nếu sứ mệnh của nhà lãnh đạo chỉ đơn thuần là để vinh thân phì gia, hoặc chỉ nhằm mang lại lợi ích cho phe nhóm mình, thì không có cách nào thuyết phục được người dân tin tưởng để ban trao sự lãnh đạo. Đó là lý do vì sao trong các cuộc bầu cử dân chủ, nhà lãnh đạo tương lai luôn phải truyền thông và trình bày về chương trình hành động của mình, để thông qua đó người dân thấy và đánh giá được tương lai mà nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tạo ra có đáng thuyết phục, sứ mệnh của nhà lãnh đạo có gắn với mệnh vận mệnh của dân tộc hay không. Chính vì lẽ đó, một nhà lãnh đạo đích thực luôn mang trong mình một sứ mệnh cá nhân lớn lao, và luốn hướng đến việc trở thành và hành động bởi những điều lớn hơn bản thân, gia đình hay phe nhóm của mình.
Nhà cầm quyền thì ngược lại. Do cách thức đạt được quyền lực thông qua kế truyền, sắp xếp hoặc chiếm đoạt, và bản chất của công việc cầm quyền là tìm mọi cách để hợp thức hóa và duy trì quyền lực đã có, sứ mệnh của nhà cầm quyền thường chỉ giới hạn trong việc duy trì và trục lợi từ quyền lực đang có, cho cá nhân, gia đình hoặc phe nhóm của mình.
Nhà cầm quyền không quan tâm đến việc mình có được người dân tin tưởng ban trao cho sự lãnh đạo hay không, nên không có động lực đặt ra những sứ mệnh cá nhân lớn hơn bản thân mình, và xông pha gánh vác những công việc khó khăn liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Trong hầu hết các trường hợp, nhà cầm quyền sẵn sàng hy sinh lợi ích của dân tộc để đánh đổi lấy lợi ích cá nhân.
Lịch sử khắp nơi đã cho thấy, nhiều nhà cầm quyền sẵn sàng đánh đổi chủ quyền hoặc đẩy dân tộc đến bước tồn vong chỉ để duy trì sự cầm quyền hoặc bảo vệ lợi ích của cá nhân mình. Thậm chí, họ sẵn sàng mua bán đổi chác lợi ích của dân tộc chỉ để thỏa mãn hưởng thụ cá nhân, nhiều khi chỉ tính bằng một vài cuộc ăn chơi trác táng.
Đó là lý do vì sao ở những nước dân chủ, đạo đức cá nhân hay cách thức sử dụng tài sản công lại là vấn đề quan trọng và nhạy cảm với nhà lãnh đạo. Nhiều người đã phải từ chức vì những vụ việc cá nhân cỏn con như vậy. Nhưng dưới con mắt của người dân thì vấn đề không hề cỏn con chút nào, bởi qua đó, người dân sẽ nhận ra sứ mệnh trong công việc mà anh đang thực thi, và nhận diện ra anh là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền. Nếu đó là nhà cầm quyền, người dân sẽ thu hồi lại sự lãnh đạo mà họ đã ban trao, trước hết thông qua công luận, sau là qua các thủ tục pháp lý nếu cần, vì thế nhà lãnh đạo không còn cách nào khác là phải từ chức.
Tâm thế hành xử
Điểm khác biệt thứ sáu là khác biệt trong tâm thế hành xử của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền. Xuất phát từ cách thức đạt được quyền lực, và bản chất của công việc lãnh đạo và cầm quyền là khác nhau, nên tâm thế hành xử của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền cũng khác nhau.
Nếu như nhà lãnh đạo dám nhìn thẳng vào hiện tại, đối mặt với hiện tại theo cách nó đúng là như vậy, để từ đó tìm ra sự thật và các cơ hội, các điều kiện tốt nhất để hiện thực hóa tương lai mà họ thiết kế ra, thì nhà cầm quyền sẽ thường nhìn hiện tại qua lăng kính bảo vệ quyền lực, vì thế thường thấy hiện tại như một sự đe dọa, do đó thường chỉ nhìn ra các thế lực thù địch, nguy cơ và sự bất an.
Vì lẽ đó, nếu nhà lãnh đạo luôn là người có tâm thế chủ động khi đối mặt với hiện tại, theo nghĩa luôn chủ động tìm ra sự thật và kết nối các sự thật, tổ chức các nguồn lực hiện có của hiện tại để hiện thực hóa tương lai mà họ đã thiết kế ra, thì nhà cầm quyền sẽ luôn ở trong tâm thế bị động trước hiện tại, khi luôn coi hiện tại là một mối đe dọa cần xử lý, thậm chí ngay cả khi anh ta chủ động xử lý hiện tại như xử lý một mối đe dọa thì trên thực tế đó vẫn là một sự bị động vì hiện tại đang diễn biến theo hướng buộc anh ta phải làm như vậy.
Chính vì thế, nhìn phong thái hành xử của những người đứng đầu của tổ chức, và rộng hơn là của đất nước, trước những diễn biến của hiện tại, chúng ta sẽ biết được đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền.
Hiển nhiên, một người chủ động là một người có khả năng tạo ra sự thay đổi và làm chủ sự thay đổi đó. Đó là một người có quyền lực thực sự. Còn một người bị động thì muốn hay không anh ta vẫn chỉ là nạn nhân của sự thay đổi. Đó là một người không có quyền lực thực sự, dù trên thực tế anh ta có đủ quyền uy và chức vị để hành xử như một người có quyền lực. Điều này cũng dễ hiểu khi ta trở lại cách thức đạt được quyền lực của nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền, và thấy rằng, quyền lực thực sự chỉ có được khi nó được ban trao trong sự tin tưởng và tự nguyện, còn quyền uy có thể đạt được thông qua sắp xếp hoặc cưỡng đoạt.
Nói cách khác, nhà lãnh đạo có được quyền lực thông qua sự ban trao, trong tự do và tin tưởng. Còn nhà cầm quyền có được quyền uy thông qua sự sắp xếp và chiếm đoạt, trong mưu mô và đe dọa.
Chuyển hóa cầm quyền – lãnh đạo
Cần lưu ý là có tồn tại sự chuyển hóa qua lại giữa lãnh đạo và cầm quyền. Nếu như trong quá khứ, một người hoặc nhóm người đã từng là nhà lãnh đạo vì họ được người dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo, do họ đã tạo ra được một tương lai chung đáp ứng được mối quan tâm của tất cả mọi người, họ thuyết phục mọi người tin theo và bản thân họ là người nỗ lực hiện thực hóa tương lai đó, mà thường gặp nhất là lãnh đạo của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thì rất có thể sau đó khi sứ mệnh ban đầu đã hoàn tất, họ sẽ không còn là nhà lãnh đạo nữa, mà đã chuyển hóa thành nhà cầm quyền khi chỉ tập trung vào việc duy trì quyền lực của mình, và dùng hào quang của quá khứ để hợp thức hóa sự cầm quyền đó, trong khi tương lai mà họ hướng đến chỉ nhằm đáp ứng mối quan tâm của chính họ và một nhóm người có lợi ích liên quan chứ không phải là một tương lai chung đáp ứng mối quan tâm của tất cả mọi người. Trong trường hợp ấy, người đó hoặc nhóm người đó đích thị là một nhà cầm quyền, chứ không phải nhà lãnh đạo.
Ngược lại, một nhà cầm quyền khi chuyển đổi công việc của mình từ việc tìm mọi cách bảo vệ quyền lực và lợi ích của mình hiện thời, sang thiết kế một tương lai chung cho toàn dân tộc, thuyết phục toàn dân tin vào tương lai đó và nỗ lực hiện thực hóa nó thì nhà cầm quyền khi đó đã chuyển hóa trở thành nhà lãnh đạo.
Trong nhiều trường hợp, tuy sự chuyển hóa này không đủ rõ ràng về hình thức, và nhà cầm quyền tuy vẫn mang danh là nhà cầm quyền, thậm chí mang danh độc tài, thì về nội dung, người đó đã tự chuyển hóa để trở thành nhà lãnh đạo, vì công việc người đó thực hiện và sứ mệnh mà người đó gánh vác là công việc và sứ mệnh của nhà lãnh đạo, cho dù cách thức đến với công việc và sứ mệnh đó không được chính danh thông qua sự ban trao của người dân. Tuy nhiên, lịch sử sẽ công bằng nhìn ra người đó là nhà lãnh đạo hay nhà cầm quyền, và sẽ ghi nhận đầy đủ những gì mà người đó đóng góp.
Với Việt Nam, câu chuyện về lãnh đạo và cầm quyền là câu chuyện thời sự. Chúng ta đã từng có nhà lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ chúng ta thiếu các nhà lãnh đạo như hiện giờ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà cầm quyền, ở mọi cấp độ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có tiếp tục cần các nhà cầm quyền? Hiển nhiên là không, chúng ta cần các nhà lãnh đạo chứ không cần các nhà cầm quyền. Nhưng bằng cách nào để có được các nhà lãnh đạo, và làm sao để tạo ra một môi trường để cho nhà lãnh đạo xuất hiện và thực hiện công việc của mình?
Câu trả lời xin bỏ ngỏ cho những ai đang suy tư và hành động để thúc đẩy sự phát triển đất nước, và đặc biệt cho những người trong cuộc chuyển giao quyền lực đang diễn ra những ngày đầu năm 2016 này.
30 tháng 1, 2016
Giáp Văn Dương
Đất Nước Việt Nam hiện tại chưa có Minh Quân ra Đời.
VN sống dưới 1 chế độ độc tài đảng trị như hiện nay thì đừng mơ tưởng đất nước đượ phát triển