Trong những năm học tập và làm việc ở nước ngoài, một trong những điều tôi luôn lưu ý tìm hiểu là: Vì sao họ lại phát triển, còn mình thì không?
… Lãnh đạo là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển hoặc kìm hãm đất nước. Lựa chọn lãnh đạo đất nước chính là lựa chọn vận mệnh của cả dân tộc.
Tôi nhận ra rằng, thoạt nhìn thì câu trả lời có thể là do thể chế, hoặc do văn hóa, hoặc do những đặc thù về vị trí địa lý. Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn thì thấy rằng, phía sau tất cả các yếu tố này, bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của nhà lãnh đạo xuất sắc. Có thể nhà lãnh đạo chính là người tạo ra các yếu tố này, hoặc chính là người đã khai thác hiệu quả các yếu tố này, để dẫn dắt sự phát triển của dân tộc họ.
Ngay cả khi không có một nhà lãnh đạo xuất sắc hiện diện ở ngay trong hiện tại, thì thể chế ưu việt và nền văn hóa tích cực do những nhà lãnh đạo tiền bối của họ kiến tạo ra vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt. Khi đó, chính những nhà lãnh đạo quá cố đó, vẫn đang tiếp tục lãnh đạo gián tiếp đất nước của họ thông qua các di sản về thể chế và văn hóa mà họ đã gây dựng.
Như vậy để thấy, lãnh đạo chính là yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của một tổ chức, và rộng hơn là của cả một dân tộc. Đặc biệt là trong các thời khắc khó khăn thì vai trò của nhà lãnh đạo lại càng lớn, do phải đương đầu với những tình huống chưa từng gặp qua và đòi hỏi phải ra được những quyết định chính xác mang tính sống còn.
Vì thế có thể nói, giới hạn của nhà lãnh đạo chính là giới hạn phát triển của tổ chức mà người đó lãnh đạo, và giới hạn phát triển của một dân tộc, cũng bị quy định bởi chính giới hạn của những người đang lãnh đạo dân tộc đó. Nói cách khác, lãnh đạo là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển hoặc kìm hãm đất nước. Lựa chọn lãnh đạo đất nước chính là lựa chọn vận mệnh của cả dân tộc.
Trong một thế giới nhiều biến động, vai trò của nhà lãnh đạo lại càng nổi bật và trở nên quan trọng. Vì vai trò của nhà lãnh đạo là để chèo lái quốc gia trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc bất định hoặc đòi hỏi sự bứt phá. Nếu không có khó khăn, không có bất định, hoặc không đòi hỏi sự bứt phá thì khi đó chỉ cần một nhà quản lý có năng lực để đảm bảo mọi việc diễn ra theo cách bình thường, chứ không cần đến một nhà lãnh đạo đích thực. Vì nhà quản lý sẽ tập trung vào việc thực hiện các kế hoạch đã đặt ra, còn nhà lãnh đạo sẽ thiết kế và hiện thực hóa một tương lai hoàn toàn mới, một sự phát triển mang tính bứt phá, hoặc một chuyển hướng mang tính chiến lược có ảnh hưởng tốt đẹp cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Vì quan trọng như vậy, nên lãnh đạo bao giờ cũng là một quan tâm của mọi giới trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi nước trên thế giới. Với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, thì chất lượng lãnh đạo lại càng quan trọng, khi phần lớn người dân Việt Nam không được trực tiếp lựa chọn lãnh đạo tối cao của mình.
Thực tế phát triển của các quốc gia cho thấy, đất nước nào lãnh đạo anh minh thì dân tộc đó cất cánh chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có thể chứng nghiệm trong một đời người, mà Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những ví dụ nhãn tiền, còn dân tộc nào có lãnh đạo u mê thì dân tộc đó chìm trong nghèo hèn hàng thế kỷ, không biết khi nào mới ngóc đầu lên được, thậm chí, ngay sự tồn tại của mình cũng không chắc được đảm bảo.
Từ trong sâu thẳm, nhà lãnh đạo bao giờ cũng mang trong mình những sứ mệnh lớn hơn bản thân, gia đình hoặc phe nhóm của mình. Đó có thể là sứ mệnh giải phóng dân tộc, hoặc tạo ra một sự phát triển vượt bậc cho dân tộc, hoặc giải phóng con người ra khỏi u mê giáo điều. Chính sứ mệnh lớn lao đó chứ không phải những kiến thức chuyên môn, hoặc bè phái cấu kết, làm lên tầm vóc của nhà lãnh đạo, và tạo ra sự phát triển cho cả dân tộc mà họ lãnh đạo.
Chính nhà lãnh đạo đó sẽ là người thiết kế ra những tương lai mới, và thuyết phục được toàn dân tin tưởng vào tương lai đó, để sau đó huy động toàn lực để hiện thực hóa tương lai đó. Thông qua đó, nhà lãnh đạo nhận được sự tin tưởng, và bản thân sự lãnh đạo, như một sự ban trao từ phía người dân. Nếu người được bầu chọn không có khả năng thiết kế ra một tương lai như vậy, và không có khả năng thuyết phục toàn dân tin tưởng vào tương lai đó, và không thể tập hợp được đủ người tài và nguồn lực để hiện thực hóa tương lai đó, thì đó là một sự lựa chọn nhầm lẫn. Trong trường hợp đó, cùng lắm chúng ta cũng chỉ có một nhà cầm quyền, chứ không phải là một nhà lãnh đạo.
Vậy nên, muốn phát triển, dù là một tổ chức hay một đất nước, thì điều kiện tiên quyết là tổ chức hoặc đất nước đó phải lựa chọn được một nhà lãnh đạo tối cao xuất chúng. Đó phải là một nhà lãnh đạo đích thực, chứ không phải là một nhà cầm quyền, dù về mặt hình thức, lãnh đạo và cầm quyền có nhiều nét tương đồng.
Lưu ý rằng, sự lãnh đạo và sự tin tưởng đích thực, bản thân nó không tự xuất hiện với nhà lãnh đạo, cũng không thể giành giật được, mà chỉ có thể có được thông qua sự ban trao từ phía những người được lãnh đạo. Nếu không được ban trao, sự lãnh đạo chỉ có thể gọi tên là sự tiếm quyền. Vì thế, nhà lãnh đạo chỉ xuất hiện khi việc bầu cử được diễn ra trong dân chủ, công khai và minh bạch.
Giờ vừa sang năm 2016, Việt Nam dự kiến sẽ sớm hội nhập sâu rộng với thế giới sau khi hiệp định TTP được ký kết. Nhu cầu phát triển bứt phá của Việt Nam cũng đang là yêu cầu bức thiết, khi chỉ còn khoảng 10 năm nữa thôi là thời kỳ dân số vàng để phát triển sẽ qua đi và bẫy thu nhập trung bình thì đang giăng ra trước mắt. Trong hoàn cảnh đó, một nhà lãnh đạo đích thực là điều mà Việt Nam cần nhất.
Nhưng nhìn quanh thấy thời khắc chuyển giao lãnh đạo đang diễn ra rầm rộ, mà câu chuyện về lãnh đạo vẫn chưa được bàn thảo đầy đủ. Ngoài việc bàn tán ai đi ai ở, với hàm ý ai sẽ nắm quyền lực, thì câu hỏi cơ bản: lãnh đạo có nghĩa là gì, và lãnh đạo khác với cầm quyền như thế nào, lại không thấy ai bàn.
Vậy tại sao lại không đi thẳng vào câu hỏi này: Lãnh đạo có nghĩa là gì, và lãnh đạo khác cầm quyền ở điểm nào?
Khi đã chọn nhìn thẳng vào những câu hỏi căn cốt như thế, thì cách hiểu về lãnh đạo và lựa chọn lãnh đạo cũng sẽ khác đi. Ai đi ai ở không phải là quan trọng nhất, mà ai xứng đáng là lãnh đạo và làm sao để có được người xứng đáng đó mới là điều cốt yếu.
Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ chỉ một điểm này. Những nội dung khác, sẽ bàn trong các dịp thuận tiện khác.
Trước hết cần lưu ý, vì lãnh đạo thường gắn liền với quyền lực và chức vị, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, nên khi nói đến lãnh đạo, người ta sẽ liên hệ ngay đến chức vị và quyền lực. Do đó, lãnh đạo thường bị đồng nhất với cầm quyền. Nhưng lãnh đạo và cầm quyền là khác nhau về bản chất.
Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải có chức vị và phải cầm quyền, còn người cầm quyền, dù có cả chức vị đi theo, cũng chưa chắc đã là nhà lãnh đạo. Chính sự nhầm lẫn về lãnh đạo và cầm quyền đã gây ra những cuộc đua nắm giữ quyền lực không phải cách, dẫn đến việc tạo ra các nhà cầm quyền tiếm danh lãnh đạo, thay vì các nhà lãnh đạo đích thực. Và quyền lực trong trường hợp này trở thành mục tiêu của nhà cầm quyền tiếm danh lãnh đạo, thay vì là công cụ của của nhà lãnh đạo đích thực.
Vậy sự khác biệt đó là gì?
(Xem tiếp trang 2)
Đất Nước Việt Nam hiện tại chưa có Minh Quân ra Đời.
VN sống dưới 1 chế độ độc tài đảng trị như hiện nay thì đừng mơ tưởng đất nước đượ phát triển