Tờ báo điện tử VnExpress ngày 15/12/2016 có bài mang tựa: ”Giáo sư Mỹ thắc mắc ‘Việt Nam nghèo sao học sinh xếp hạng PISA cao”. Trước đó, trong cuộc thi đánh giá học sinh quốc tế có độ tuổi 15 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12/2016, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về khoa học, thứ 22 về toán và 32 về đọc hiểu. Điều này khiến một trong những người của PISA là giáo sư Paul Glewwe không thể hiểu nổi tại sao một dân tộc có thứ hạng cao trong cuộc thi quốc tế như VN mà đất nước vẫn nghèo? Ông nói: “Nói thật chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?”. Bài báo nhận được 150 bình luận, 99% đều bi quan về tương lai nền giáo dục nước nhà
Một trong những người bi quan là giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính. Theo bà, việc đánh giá ba môn toán, khoa học và đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. Khả năng toán học là điều mà các nước phát triển không coi trọng ở bậc phổ thông. Quan điểm của họ ở bậc học này là: đọc thông, viết thạo, biết tính toán. Mục tiêu của họ là dạy cho học sinh học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác…Ví dụ, ở Thụy Điển, 12 tuổi các nam sinh sẽ phải học đan, khâu, nữ phải học sửa chữa xe. Hoặc ngay từ nhỏ, trẻ em nước ngoài đã được dạy bơi, được dạy xử lý các tình huống bất ngờ có thể gặp trong cuộc sống. Trong khi đó VN hè năm nào cũng có trẻ chết đuối vì không biết bơi. Học sinh Anh, Mỹ, Australia không học nhồi nhét. Mục tiêu giáo dục của họ là tạo ra những con người toàn diện, phát triển đồng đều các kỹ năng, đặc biệt, không chú trọng khai thác sức nhớ mà khơi gợi tối đa sức sáng tạo.
Qua những ví dụ trên có thể thấy, thay vì biến học sinh thành “thợ học”, ”thợ thi” như VN, thì giáo dục nước ngoài đặc biệt chú trọng vào rèn luyện thân thể, sức khỏe và kỹ năng cho học sinh. Đối với họ, chuẩn bị cho học sinh có một sức khỏe tốt để làm bước đệm cho bậc đại học chính là nhiệm vụ chủ chốt ở cấp học này.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Cái học giống như một cuộc chạy trường lực 5000 mét, nghĩa lả cần một sự bền bỉ, dẻo dai. Ở phương Tây họ cho các em nhỏ học vừa phải như người lực sĩ khởi động và dưỡng sức trong những chặng đầu, còn ở ta thì cắm đầu cắm cổ chạy, vét hết sức ra mà chạy rồi thì đến nửa đường thì hết sức. Chúng ta cứ so sánh giữa các em nhỏ học ở các trường quốc tế (quốc tế thực sự, nghĩa là chương trình độc lập với VN) và ở các trường VN thì thấy rõ. Ở các trường quốc tế, các em học hành rất nhẹ nhàng, nửa học nửa chơi, vậy mà lên đại học các em học cũng rất bình thường.
Bây giở chúng ta bước sang câu hỏi chính. Tại sao ta giỏi mà nghèo? Thú thật tôi cũng hơi buồn cười vì câu hỏi của GS Paul Glewwe, ông ta đúng là chưa biết thế nào là VN. Nếu chúng ta nhắc đến những căn bệnh truyền thống của giáo dục VN như bệnh thành tích, các chủ đề luận văn tiến sĩ, con số 99,5% tốt nghiệp phổ thông và đặc biệt bộ Luật giáo dục thì có lẽ ông ta sẽ hiểu ngay tức khắc.
Trên báo chí, người ta vẫn nhắc đi nhắc lại con số 9000 giáo sư và 23000 tiến sĩ mà không làm nổi con vít. Bản thân tôi nghĩ thí dụ này chỉ mang tính minh họa vì tôi tin ngưòi VN có thể làm được nhiều hơn thế. Tuy nhiên cho dù chúng ta làm được nhiều hơn thế thì điều không chối cãi được là chúng ta đang tụt hậu, tụt hậu rất xa như giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh giá là cỡ 1 đến 2 thế kỷ (!) hoặc như một bài báo (chính thống) đã khôi hài với tựa bài “Việt Nam sẽ nán lại chạy đua với châu Phi”. Dù gì đi chăng nữa, sự tụt hậu này chắc chắn có sự “tiếp tay đắc lực” của ngành giáo dục nước nhà.
Để thúc đẩy phát triển, giáo dục phải có khả năng kết nối với doanh nghiệp qua các hoạt động nghiên cứu. Mà đây chính là “điểm đen” của nền giáo dục hiện nay. Theo các ước lượng thì tối đa có khoảng 60.000 người thực sự đang làm toàn thời gian cho việc nghiên cứu. 60.000 thì lấp đầy một sân vận động nhưng trên thực tế thì đây là một con số vô cùng khiêm tốn và kết quả thì còn khiêm tốn hơn. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức OCDE trong cuộc hội thảo tháng 11/2014, bà Kwakwa, đại diện WB tại VN đã than thở “khoa học công nghệ VN yếu và kém”. Một khảo sát khác do tư nhân thực hiện, Goods Country Index (tạm dịch là Chỉ số quốc gia tử tế) xếp VN hạng 124/125. Chúng ta đứng trên mỗi Libya, một quốc gia chiến tranh triền miên.
Trong một bài viết trên trang Bauxite tháng 7/2010, giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích rằng: nhiều người thường nghĩ rằng đối với một dân tộc thông minh, lanh lợi, lại dũng cảm cần cù như dân tộc ta thì không thể có trở ngại gì lớn khi bước vào kinh tế tri thức. Tuy nhiên thực tế phũ phàng cho thấy không hẳn như vậy. Sự thông minh, lanh lợi của từng cá nhân chưa là gì cả nếu những cá nhân ấy không được liên kết trong một cơ chế quản lý nhằm sản sinh ra synergy (cộng năng) vượt hơn nhiều lần sức mạnh, tài trí, năng lực của từng cá nhân, từng bộ phận cộng lại. Cái cơ chế đó chính là trí tuệ hệ thống, là cái phần mềm để vận hành hệ thống một cách thông minh.
Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân thì cái nguy hại lớn nhất là cái cơ chế phản khoa học đã được ghi trong Luật Giáo dục 2005 cũng như Đề Cương chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Tất cả đều có thể tóm gọn trong một câu “giáo dục VN đào tạo con người trung kiên với chủ nghĩa Mác Lê”. Một khi tự giam mình trong cái khung ý thức hệ ấy thì dù cho con người có thông minh đến đâu đi nữa, đất nước sẽ chỉ như một đứa bé không bao giờ trưởng thành
Thầy tôi, giáo sư Meyer, thành viên Hàn Lâm Khoa học Pháp là một trong những người cuồng nhiệt ủng hộ cho cộng sản trong những năm 1970. Sau khi tôi bị bắt, ông ta lại là người tiên phong ký tên yêu cầu chính phủ Pháp phải lên tiếng. Thầy của Meyer là giáo sư Cartier cũng đã phát biểu tại Huế vào tháng 8/2012 trước khi đến thăm tôi ra tù rằng “Chỉ trong môi trường tự do toán học mới có thể phát triển tốt đẹp”. Nếu đem trí tuệ lên bàn cân thì e rằng giáo sư Ngô Bảo Châu với giải Fields năm 2010 có phần “nhỉnh” hơn các thầy Cartier và Meyer. Nhưng có lẽ chẳng ai dám nghĩ đem “cân” cái khoa học công nghệ của chúng ta với Pháp! Đơn thuần họ đã có một quá khứ vàng son về toán học, một cơ sở nghiên cứu đồ sộ, nhưng trên hết tất cả, đó là một đất nước tự do, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một ý thức hệ nào.
Trong cuộc hội thảo tháng 12/2009, các nhà tài trợ đã tỏ vẻ quan ngại của họ về vấn đề phát triển của VN trước những giới hạn về quyền tự do lập hội và phản biện. Theo ông Bergman, đại sứ Thụy Điển thì để có thể đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, chính phủ Việt Nam phải “cho phép báo chí và các tổ chức phi chính phủ khuyến khích để tham gia giám sát”, còn theo Đại sứ Mỹ Michalak thì việc nghiêm cấm các tổ chức nghiên cứu tư nhân công bố các ý kiến phản biện khiến “Việt Nam bớt hấp dẫn hơn so với các đối tác ngoại quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục”.
Cũng như mọi người Việt Nam có quan tâm đến giáo dục, Hội Giáo chức Chu Văn An chúng tôi với chủ trương một nền giáo dục nhân bản, khoa học, đại chúng, khai phóng và sáng tạo rất quan ngại về những gì đang xảy ra trên đất nước và cũng rất mong có cơ hội trao đổi với giáo sư Paul Glewwe của PISA hầu giải đáp thắc mắc của ông ta, xin nhắc lại đó là :“Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra . Liệu có sự tác động của đầu vào …” .
Khốn nỗi, khi mở cửa nhìn ra ngoài thì đang có hai ba “nhân tố” đang ngồi uống cà phê nhà đối diện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đầu ra” của anh em chúng tôi.
Vậy hẹn ông một dịp khác. Mong rằng lúc ấy sẽ không còn cái “đầu” nào cả!
gv nói đây …họ bắt luyện gà chọi thi với gà công nghiệp các nước
Eo ơi ! Cái nhân bản, nhân văn dễ mà chưa thấy nói chi đến khoa học khai phóng. 2020 công nghiệp hoá, hiện đại hóa là của người ta. Đúng là chưa làm nổi 1 con vít…nói gì là đào tạo nhân tài. Like ! Thanks !
Không thể so sánh cũng như không chịu phát triển vậy ! Rất đổi ngạc nhiên ! Giỏi mà lại nghèo ?