Qua việc mở rộng sự kiểm soát của TQ trên vùng ảnh hưởng chiến lược, tới lằn ranh thứ nhất tại Biển Đông, cũng như tại Biển Hoa Đông (mở đường ra đại dương), hình thành vùng phát triển kinh tế Tơ Lụa (Silk Road Economic Belt), đối đầu với khối kinh tế TPP (Trans Pacific PartnerShip) do Hoa Kỳ hình thành.
Cho đến thời điểm 12 Tháng Bảy, chính sách xâm lược của TQ tại Biển Hoa Đông, chung quanh không, hải phận quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), được xem bị khựng lại, trước sự quyết tâm đề kháng của Nhật và khả năng của quân đội Nhật vốn được trang bị rất hiện đại qua sự chuyển nhượng kỹ thuật quân sự từ Hoa Kỳ và tinh nhuệ (hải quân đứng thứ nhì Á Châu sau TQ về số lượng nhưng tối tân hơn), và khi lực hải quân TQ tại Biển Hoa Đông còn phải dàn trải ra tại eo biển Đài Loan.
Trong lúc về phía Nam, chính sách xâm lược tại Biển Đông thành công hơn qua chiến lược tằm ăn dâu, xâm chiếm từng đảo một cách tiệm tiến, trước phản ứng quá nhẹ của Hoa Kỳ (chính sách FON Freedom of Navigation), và ưu thế quá vượt trội của hải quân TQ so với toàn bộ hải quân Phi, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương cộng lại.
Tuy nhiên chiến lược tằm ăn dâu này có phần nào bị ngăn trở sau phán quyết của Tòa PCA và quyết tâm bảo vệ chủ quyền các quốc gia tại tuyến đầu. Ngay tại Việt Nam, nơi TQ nắm được thành phần lãnh đạo tay sai CSVN, âm mưu xâm lược tại Biển Đông đã luôn gặp sự chống đối mãnh liệt của dân chúng Việt Nam, nay lan dần tới nhiều thành phần cán bộ và quân đội trong guồng máy đảng CSVN.
Lãnh đạo TQ đã khôn ngoan biết lợi dụng sức mạnh kinh tế (TSLQG hơn 11.300 Tỷ MK), quân sự (hải quân với hơn 870 chiến hạm, trọng tải 1,4 triệu tấn, 225.000 người, 90 chiến hạm đại dương), nhu cầu thương mại tại một thị trường nội địa rộng lớn (1,4 tỷ người tiêu thụ), mua chuộc ảnh hưởng, quyền lợi qua các nhóm lobby, khả năng đầu tư từ số thặng dư cán cân thương mại khổng lồ, để bành trướng qua cạnh tranh bất chính và xử dụng sức mạnh quân sự để lấn áp, bắt chẹt các quốc gia nhỏ bé hơn họ nhiều lần. Chính sách này đã và đang được triệt để áp dụng tại Biển Đông.
3- Chính Sách Của Tổng Thống Duterte
Sau khi lên nhậm chức vào ngày 30 Tháng Sáu, tân Tổng Thống Phi Duterte đã tuyên bố tiến hành một chính sách ngoại giao độc lập với khuynh hướng thân thiện trở lại với TQ và Nga, không còn là một đồng minh thuần thành của Hoa Kỳ, nhất là sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề chính sách chống á phiện, diệt trừ tội ác của ông quá tàn bạo với các cuộc thanh toán các thành phần tội ác mà không cần mang ra xét xử trước tòa án.
Thất vọng trước phản ứng quả yếu ớt của Hoa Kỳ trước các hành động gây hấn của TQ, ông Duterte tuyên bố sẽ xử dụng các điểm căn bản trong phán quyết 12 Tháng Bảy của Tòa PCA để tiến hành đàm phán song phương với TQ và sẽ không mang vấn đề tranh chấp chủ quyền với TQ ra trước ASEAN.
Sự xoay chuyển trong chính sách ngoại giao này khiến ông Duterte gặp nhiều chống đối ngay trong vòng đai thân cận và trong dân chúng Phi (bà Phó Tổng Thống và một số Bộ Trưởng đã từ chức vì không đồng ý với sự thay đổi chính sách này). Một số cuộc tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ bị hủy bỏ, tuy nhiên Hiệp Ước Hợp Tác Quân Sự giữa Phi-Hoa Kỳ vẫn có giá trị và nhiều lãnh vực hợp tác huấn luyện, cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ chống khủng bố… vẫn diễn ra bình thường.
Sau khi ông Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, Phi Luật Tân hy vọng sẽ có một sự thay đổi chinh sách Hoa Kỳ tại Biển Đông. Ông Duterte đã nói chuyện điện thoại với ông Trump, mong mỏi sẽ xiết chặt lại bang giao giữa 2 nước. Tình hình tại vùng Biển Đông Phi và bãi Hoàng Nham tạm thời lắng đọng sau khi TT Phi gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến công du 18-21 Tháng 10 vừa qua, để mở lại đàm phán song phương về Biển Đông.
Có thể nói, hiện nay ngoài các động thái thuần túy về mặt ngoại giao để làm giảm bớt căng thẳng, tạo hòa hoãn với TQ, trên Biển Đông, chưa có một sự kiện đáng kể nào xảy ra kể từ sau sự thay đổi chính sách của ông Duterte. Tình hình sẽ còn biến chuyển sau khi Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Trump nhậm chức vào Tháng 1, 2017.
Trong lúc đó, hải quân Phi vẫn liên tục được tăng cường với sự chuyển nhượng hay đặt xây hải vận hạm loại lớn, nhiều tầu tuần duyên có trang bị hỏa tiễn từ Úc, Nam Dương, Hoa Kỳ. Và mới đây tập trận để bảo vệ đảo trong vùng biển thuộc chủ quyền bị TQ lấn chiếm. Nói chung, chính phủ và nhân dân Phi vẫn giữ quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, sau khi đạt được nền tảng pháp lý từ phán quyết 12 Tháng 7 của Tòa PCA, sau 3 năm kiện.
4- Chính Sách Của Tổng Thống Obama
Chính sách ngoại giao đối phó mềm của Hoa Kỳ dưới thời TT Obama đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp khá nhiều cho sự trổi dậy của TQ: Hoa Kỳ không có hành động cụ thể nào ngoài những tuyên bố khá cứng rắn của các thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ (Tổng Thống Obama, bà Ngoại Trưởng Clinton rồi Kerry, Phó Tổng Thống Joe Biden) trong các Hội Nghị Thượng Đỉnh trong lúc vẫn giữ được ưu thế vượt trội về quân sự.
Và quan trọng hơn vẫn duy trì một chính sách đối tác tương đối thân thiện với TQ như cách đây hơn 20 năm, dù không còn thích hợp nữa. Qua kiểm nghiệm, chính sách này đối với TQ đã lỗi thời qua nhiều điểm nóng tranh chấp giữa hai bên (tấn công mạng, ăn trộm kỹ thuật, cạnh tranh thương mại bất chính, đe dọa đồng minh của Hoa Kỳ…) khi tình hình đã hoàn toàn thay đổi với sự trổi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc, từ đối tác thành đối thủ.
TQ đã bỏ nhiều tài chánh để thuê mướn các nhóm vận động (lobby) cho quyền lợi của họ tại Hoa Kỳ, qua các công ty lớn, các nhóm tài phiệt tại đây. Các nhóm này trong nhiều thập niên luôn có khả năng ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao Hoa Kỳ theo hướng mở rộng giao thương, hòa hoãn, tạo nhiều dễ dãi cho TQ để mong có sự chuyển hóa dân chủ khi kinh tế TQ phát triển và mức sống người dân cao hơn. Họ chủ trương xem nhẹ vấn đề nhân quyền đặt quyền lợi kinh tế không phải chung của Hoa Kỳ, mà chỉ của một số hãng xưởng, tài phiệt lên trên hết.
Chính sách chuyển trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (dồn 60% hải lực về vùng này, đặt căn cứ tại Úc, Tân Gia Ba, Phi… gia tăng các đơn vị hải quân, thủy quân lục chiến bố trí tại các căn cứ tiền phương (Forward Deployment)…), kể từ năm 2009 đã giúp củng cố vòng đai thứ hai, tân trang hải quân Nhật, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, giúp cho sự chuyển hóa dân chủ tại Miến Điện, tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn chưa có một chính sách cứng rắn cụ thể nào để đối đầu công khai với sự trổi dậy về quân sự, các âm mưu xâm lược trắng trợn của TQ trên Biển Đông và gây hấn tại Biển Hoa Đông tại vòng đai thứ nhất.
Trong thập niên đầu thế kỷ 21, trong lúc Hoa Kỳ bận tâm tập trung khả năng quân sự, ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố Al Qeada, Daech tại Trung Đông, A Phú Hãn, Iraq, đối phó với chương trình võ khí nguyên từ, hóa học của Ba Tư và Bắc Hàn, TQ đã tổ chức, huấn luyện các toán hacker chuyên nghiệp đặc biệt để đi lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến của Tây Phương, đặc biệt là của Hoa Kỳ, về kỹ nghệ, quân sự (J20 Chengdu F22 Raptor, J31 Shenyang F35 Lightning), hàng hải, công nghệ thông tin…
Với kết quả giúp cho kỹ thuật TQ đạt nhảy vọt một bước rất dài từ 10 đến 15 năm, tiết kiệm được hàng trăm tỷ MK về Nghiên Cứu (R&D Research and Development). Ngoài ra, nhờ số thặng dư cán cân thương mại khổng lồ với Hoa Kỳ, Liên Âu, TQ tung cả trăm tỷ Mỹ Kim để đầu tư, xâm nhập vào thị trường và chính trường tại Phi Châu, Nam Mỹ, để mở rộng vùng ảnh hưởng, tìm kiếm thị trường và nguyên liệu.
Vào Tháng 4, 2012, hải quân TQ chiếm hẳn bãi Hoàng Nham, lấy cớ bảo vệ các tàu đánh cá TQ bị Phi săn đuổi, trong lúc Hoa Kỳ không có một phản ứng nào cụ thể để can thiệp cho đồng minh, ngay cả đưa sự việc ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trước thái độ không phản ứng của Hoa Kỳ, TT Phi Luật Tân Aquino vào thời đó đã quyết định lập hồ sơ để kiện TQ ra trước Tòa PCA. Và từ đó TQ cũng đã lượng định rõ được thái độ của Hoa Kỳ, không muốn đối đầu và nhanh chóng gia tăng hải quân, đẩy mạnh chiến lược tằm ăn dâu tại Biển Đông.
Mặc dù về mặt hải lực hiện nay, hải quân TQ vẫn còn thua kém Hoa Kỳ về mặt phẩm, về mặt tinh nhuệ và khả năng tổng hợp về hỏa lực và viễn thám, nhưng đang dần bắt kịp về con số chiến hạm đại dương (blue ocean navy), và vượt trội tại các vùng biển ven biên TQ với sự hỗ trợ các đội thuyền đánh cá có võ trang. TQ có điểm thuận lợi, khai triển hải quân gần các căn cứ tiếp liệu tại Trung Hoa lục địa.
Ngân qũy quốc phòng của TQ tăng vọt 119 tỷ Mỹ Kim (2010), 143 Tỷ Mỹ Kim (2011), 166 Tỷ Mỹ Kim (2012), 188 Tỷ Mỹ Kim (2013), 216 Tỷ Mỹ Kim (2013), 215 Tỷ Mỹ Kim (2015), 232 Tỷ Mỹ Kinm (2016). Trong khi đó Hoa Kỳ đã tiết giảm ngân sách quốc phòng: 698 Tỷ Mỹ Kim (2010), 711 Tỷ Mỹ Kim (2011), 682 Tỷ Mỹ Kim (2012), 640 Tỷ Mỹ Kim), 610 Tỷ Mỹ Kim (2014), 596 Tỷ Mỹ Kim (2015), 610 Tỷ Mỹ Kim (2016). Từ 2010 đến 2015, ngân sách quốc phòng TQ tăng 80%, trong lúc ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ giảm 15%.
Quân đội Hoa Kỳ phải triển hạn, giảm bớt hay ngay cả hủy bỏ một số chương trình chế tạo võ khí ngay cả những chương trình rất tiền tiến như võ khí laser, railgun, hoả tiễn siêu tốc, khu trục hạm DDG-21, máy bay chiến đấu không người lái (combat drone), giúp cho Hoa Kỳ duy trì ưu thế về quân sự.
5- Chính Sách Quyết Tâm Đối Đầu Của Nhật Bản
Hiểu rõ chính sách bành trướng tìm đường ra đại dương của lãnh đạo TQ tại Biển Hoa Đông nhắm vào quần đảo Điếu Ngư, và sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nhật và TQ đã có từ thế kỷ thứ 20, để nắm vị trí đầu tầu tại Đông Á, Nhật (TSLQG 4670 Tỷ MK/TQ 11.400 Tỷ MK, TSL Đầu Người gấp 4,5 lần TQ) đã nỗ lực tân trang hải quân.
Nhằm đối phó với các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông của TQ (cho tầu đánh cá, chiến hạm vào trong hải phận Điếu Ngư, cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ loại mới nhất bay ngang eo biển Miyako, xâm phạm không phận Nhật, cũng như tuyên bố vùng Nhận Dạng Phòng Không ADIZ lấn qua không phận Nhật trên quần đảo).
Cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa TQ và Nhật ngấm ngầm từ năm 1971, lên cao độ vào tháng 7, 2012, khi chính phủ Nhật chính thức mua lại quần đạo Điếu Ngư, với một chuỗi các chạm trán, đụng độ liên tục giữa hải quân Nhật, chiến hạm, tàu đánh cá TQ từ 2013 đến nay.
Cuộc tranh chấp này đã ảnh hưởng đến khối lượng giao thương giữa Nhật – Trung Quốc (giảm khoảng 10%) từ 2014-2016. Nhiều hãng xưởng Nhật vì tinh thần dân tộc đã rút khỏi TQ, một số khác lo ngại các cuộc biểu tình phản đối, bạo động đập phá của công nhân TQ, các hành động trả đũa về thủ tục hành chánh, thuế khóa, nên cũng quyết định rút các xưởng sản xuất khỏi thị trường TQ.
Để gia tăng khả năng quốc phòng, Nhật đã sửa đổi Hiến Pháp 1947, để biến Lực Lượng Tự Vệ thành quân đội Nhật, cho phép quân đội tham chiến ngoài phạm vi thuộc chủ quyền Nhật, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối đầu với TQ về mọi âm mưu xâm lược lãnh thổ thuộc chủ quyền Nhật. Nhật cũng liên kết quyền lợi của Nhật trên Biển Hoa Đông với tình hình trên Biển Đông, sẵn sàng tham gia tuần tiễu trên Biển Đông với hải quân Hoa Kỳ, Phi, cung cấp một số tầu duyên cho Phi, Việt Nam. Từ năm 2008, Nhật đã thành lập một bộ phận tình báo chuyên để thu thập, phân tích mọi dữ kiện liên hệ đến TQ và Bắc Hàn.
Nhằm đối phó với TQ và mối đe dọa từ Bắc Hàn, đang nỗ lực để có hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử bắn từ tầu ngầm, có khả năng đe dọa tất cả các thành phố lớn của Nhật. Nhật và Nam Hàn luôn được chuyển nhượng những kỹ thuật tiền tiến nhất của Hoa Kỳ như đối với Do Thái (khu trục hạm AEGIS, khả năng chống hỏa tiễn ABM,…).
Về mặt kinh tế, Nhật đã ký tham gia Hiệp Ước TPP với Hoa Kỳ, trong lúc không tham gia vào Hiệp Ước ACFTA, vùng mậu dịch tự do giữa ASEAN và TQ, được thành lập tháng 11, 2002, dù đã được TQ mời gọi. Hiện nay, vùng Biển Hoa Đông là một ngòi nổ tiềm tàng giữa TQ – Nhật – Hoa Kỳ.