Sau phán quyết ngày 12 Tháng 7, 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration PCA) bác bỏ chủ quyền từ lịch sử của Trung Quốc (TQ) trên 80% Biển Đông, đồng thời xác nhận chủ quyền của Phi trên bãi Hoàng Nham (Scarborough) theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Biển UNCLOS 1982, tình hình tại Đông Á và tại Biển Đông đã có một số biến chuyển, giữa những động thái quân sự gây hấn liên tục của TQ.
Tại các quốc gia tại tuyến đầu Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Nhật Bản (Biển Hoa Đông) và nói chung khối ASEAN, cũng như tại các quốc gia trong vòng đai thứ hai Ấn Độ, Úc, Đại Hàn và đặc biệt Hoa Kỳ, siêu cường có quyền lợi chiến lược tại tuyến đầu cũng như tại vòng đai thứ hai tại Đông Á, tình hình đã có những biến chuyển đáng kể với sự thay đổi chính sách của tân Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đối với TQ, sự đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ của ông Trump với một chủ trương có nhiều dấu hiệu sẽ cứng rắn hơn đối với TQ.
Bài này sẽ lược qua những điểm chính ảnh hưởng lên tình hình an ninh, chính trị tại vùng Đông Á (bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông (East China Sea)) hậu phán quyết PCA.
1- Tình Hình Sau Phán Quyết Tòa PCA
Ngày 12 Tháng Bảy, Trung Quốc đã chịu một thất bại nặng hiếm có trên chính trường quốc tế vì đã hoàn toàn không tiên liệu trước được phán quyết không đảo ngược và hoàn toàn bất lợi của Tòa PCA đối với họ, dù họ đã tìm đủ mọi cách áp lực lên chính phủ Phi, mua chuộc các quan tòa PCA, từ chối không tham dự.
Tất cả những nền tảng về mặt lịch sử, địa dư, công pháp mà Trung Quốc đã dựa lên (qua Đường Lưỡi Bò 9 Điểm không có căn bản pháp lý, qua các tài liệu ngụy tạo về sự hiện diện hay thống thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng Biển Đông Phi vào chủ quyền TQ), để xác định chủ quyền của họ đã bị Tòa PCA hoàn toàn bác bỏ. Âm mưu tằm ăn dâu, lẳng lặng xâm chiếm, xây các công trình nhân tạo trên các bãi san hô, đá ngầm, mà Công Ước UNCLOS 1982 không xem là đảo, dùng sức mạnh hải quân để trấn áp Việt Nam, Phi, Mã Lai bị tạm thời khựng lại.
Đây là một thất bại cá nhân của Tập Cận Bình, khi vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa rộng rãi, và trở thành một vấn đề tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc, một cường quốc trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UN Security Council), mạnh thứ nhì về kinh tế, có một tiềm năng quân sự khả dĩ có thể gây khó khăn cho hải quân Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc tuyến đầu, cũng như các quốc gia thuộc vòng đai thứ hai.
Trước phản ứng quá chừng mực, nếu không nói là yếu kém của chính phủ Tổng Thống Obama, sau biến cố bãi Hoàng Nham vào năm 2012, tân Tổng Thống Phi Duterte, kế vị ông Aquino, đã thay đổi chính sách đối với TQ, từ đối đầu biến thành hợp tác để mong hòa hoãn với Trung Quốc tại vùng Biển Đông Phi Luật Tân, trong đó có bãi Hoàng Nham. Tòa Bạch Ốc đã không đồng ý với chủ trương quyết tâm đối đầu của hải quân Hoa Kỳ, qua các phát biểu của Đô Đốc Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương.
Hải quân Hoa Kỳ đã đề nghị biệt phái hẳn một lực lượng đặc nhiệm Carrier Strike Group, gồm một mẫu hạm, 2 tuần dương hạm loại Ticonderoga, và một số khu trục hạm Arleigh Burke đặt căn cứ thường trực tại Phi, sẵn sàng trả đũa lại các hành động khiêu khích của chiến hạm, phi cơ chiến đấu TQ, khai triển khả năng chống lại các hỏa tiễn Đông Phong DF21, hoả tiễn thiềm du (ASCM Anti Ship Cruie Missile) chống mẫu hạm của TQ.
Sau khi điều nghiên và nắm vững thái độ và phản ứng của hành pháp Hoa Kỳ, hiện nay TQ vẫn tiếp tục các hành động gây hấn có tính toán, tiến hành chính sách lấn chiếm theo cách tằm ăn dâu tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các hành vi quân sự này làm gia tăng rất nhiều rủi ro chạm trán quân sự hay hiểu lầm giữa hải quân TQ và các hải quân Nhật, Phi, Mã Lai, Việt Nam, Hoa Kỳ… bất chấp các cảnh báo của nhóm G20 tại Thượng Đỉnh Hàng Châu, của Liên Âu, Hoa Kỳ, yêu cầu TQ tuân thủ công pháp quốc tế, tôn trọng phán quyết của Tòa PCA.
Các hành động gây hấn này chỉ chấm dứt nếu có những phản ứng cụ thể mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất hiện nay có khả năng chặn đứng âm mưu xâm lược mềm của TQ về mặt quân sự bây giờ và trong một tương lai trông thấy được từ 5 đến 10 năm. Các quốc gia liên hệ đều đang trông chờ chính sách Biển Đông của tân TT Hoa Kỳ Trump.
2- Âm Mưu Của Trung Quốc Sau Phán Quyết PCA
Một ngày sau khi quyết định của Tòa PCA, 13 Tháng Bảy, Bắc Kinh đã nhanh chóng công bố tài liệu “China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea”, nhằm phủ nhận phán quyết Tòa PCA, xác nhận chủ quyền của TQ trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bãi Hoàng Nham mà TQ cho biết đã có hoạt động của người Hoa từ hơn 2000 năm nay.
Tài liệu với nhiều dữ kiện không kiểm chứng được hay dựng đứng lên đã không được sự đón nhận thuận lợi của giới cộng đồng học giả, sử gia nghiên cứu về Biển Đông. Sau nhiều thập niên chuẩn bị cho sự vươn lên của Trung Quốc được chuẩn bị từ thời Đặng Tiểu Bình (lãnh đạo TQ 1978-1989), lãnh đạo TQ lượng định nhiệm kỳ thứ nhì của TT Obama là thời điểm thuận tiện nhất để trổi dậy để trở thành đối thủ ngang hàng với siêu cường Hoa Kỳ.