Gần đến ngày khai giảng, một cô bạn rủ tôi đi mua sắm đồ đạc cho con mình sắp bước vào lớp 1. Cô bé cũng đi cùng rất hồn nhiên và đáng yêu, trên khuôn mặt nhỏ xíu kia đã có cặp kính to đùng đi kèm. Bạn tôi kể là do đưa con đi học thêm nhiều, trước khi vào lớp 1 bé không chỉ biết tập đọc tốt mà nói tiếng Anh cũng rất hay. Việc bé bị cận sớm cũng khiến bạn buồn nhưng con biết đọc biết viết nhanh vừa là niềm an ủi, vừa là niềm vui. Trong lớp học thêm tập đọc của con, nhiều bé còn chưa biết đánh vần thành thạo khiến cô giáo phải mở thêm giờ dạy kèm riêng.
Tôi không lấy làm lạ. Những việc như đưa con học thêm học nếm ngay từ nhỏ đã trở nên quen thuộc tại các thành phố lớn nhiều năm gần đây. Các trung tâm tiếng Anh luôn dày đặc lịch học vỡ lòng cho các khách hàng nhí. Các buổi chiều tan tầm, cha mẹ đứng đợi con trước cổng trung tâm học thêm cũng dày đặc như đứng trước cổng trường học vậy. Ở thế hệ của chúng tôi, việc học thêm bởi chương trình quá tải mới bắt đầu ở những năm học cuối trung học để ôn thi lên lớp 10 và trở nên hết sức cần thiết khi bước vào cấp 3. Nhưng nếu chúng tôi phải dành trọn cả mùa nghỉ hè những năm 16 – 17 tuổi để “cày bừa” trong các lò luyện thi thì các em học sinh ngày nay dường như đã đánh mất những mùa hè ấy ngay từ khi biết đến 2 từ “đi học.”
Đi học trong thời kỳ này không chỉ đơn thuần là để xóa mù chữ, mà đã được nhìn nhận như một việc hết sức cần thiết, cần được chú trọng và nâng cao. Các bậc cha mẹ sinh con ra, nuôi nấng đứa con chưa kịp hiểu trọn vẹn về khả năng của chúng đã phải uốn nắn với đủ kiểu giáo dục sớm. Không chỉ các trung tâm tập đọc, học đếm hay học ngoại ngữ ngày càng trở nên phổ biến với các em nhỏ mà các chương trình dạy kỹ năng mềm cũng đang phát triển mạnh mẽ. Sự chuẩn bị sớm sủa ấy vừa xuất phát từ nỗi lo sợ con mình không theo kịp các chương trình giảng dạy trên lớp, vừa là để thỏa mãn niềm mong muốn con mình giỏi hơn con người. Cuộc nói chuyện của các bậc phụ huynh với nhau nơi cổng trường quanh quẩn việc con đã đếm được đến số mấy, làm được những phép tính gì, nhớ được bảng chữ cái tiếng Anh hay chưa… Đằng sau niềm sung sướng, sự tự hào mãn nguyện ấy là tâm lý ganh đua của những người cha, người mẹ dẫn đến việc cố gò bó con cái trong 4 bức tường lớp học suốt những năm tháng của tuổi thơ.
Vài năm trước, người dân thành thị Việt “phát sốt” với thần đồng đất Việt Đỗ Nhật Nam 12 tuổi, khi cậu bé cho ra cuốn sách của mình chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh. Sau cuộc phỏng vấn ngắn ngủi cùng câu nói kinh điển “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, cha mẹ cậu bé đã nhận nhiều chỉ trích bởi cách nuôi dạy cực đoan đánh mất đi tuổi thơ của con trẻ. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh lại vô cùng thích thú và hoan nghênh cách giáo dục con như vậy. Nhìn chung, cha mẹ Việt tại các thành phố lớn đang giáo dục con theo một công thức chung khi tận dụng mọi khả năng để con cái mình được tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt nhất từ rất sớm, hiện nay là các trường quốc tế. Con cái họ sẽ cần phải học giỏi các môn học đặc biệt là ngoại ngữ để hy vọng đi du học nước ngoài càng sớm càng tốt dưới điều kiện tân tiến hơn. Học sớm cũng là cách để con kịp thích nghi với nền giáo dục tại các nước phát triển. Tuy nhiên, tréo nghoe thay, cách thức dạy dỗ trẻ tại những đất nước này có phần đi ngược lại hoàn toàn khi hầu hết tập trung vào phát triển nhân cách trẻ một cách tự nhiên nhất như ca hát nhạc kịch, thể dục thể thao hoặc tham gia các câu lạc bộ chuyên môn ưa thích và tất cả đều chỉ gói gọn trong thời gian chính quy trên trường lớp. Quan trọng hơn, điều chúng cần nhất là khoảng thời gian dành cho gia đình, bạn bè và cho bản thân mình bởi những khoảnh khắc đời sống như vậy mới chính là hành trang lớn lên cùng trẻ, góp phần hình thành nhân cách và con người.
Mới gần đây chỉ thị cấm dạy thêm, học thêm từ năm học 2016-2017 tại thành phố Hồ Chí Minh đã gây hoang mang cho thầy cô và các bậc phụ huynh. Có thầy hiệu trưởng nước mắt ngắn dài vì lo khoản lương nghề giáo hằng tháng vốn đã còm cõi sẽ không đủ sống, có người cha người mẹ mếu máo sợ con mình không theo kịp chương trình học. Nhưng chẳng mấy đứa trẻ kêu ca, than khóc. Thế mới thấy rằng có lẽ hệ thống giáo dục này quả là lắm bi kịch khi được dựng lên vì lợi ích của người lớn. Cùng lúc đó, sáng sớm ngày khai giảng sau 41 năm giải phóng đất nước, hơn 1000 học sinh từ bậc tiểu học đến phổ thông tại Hà Tĩnh không đi học vì cha mẹ các em không có đủ tiền chi trả học phí cho con em mình sau mùa cá thất thu vì nước biển nhiễm độc.