Theo dõi báo chí chính thống “lề phải” những ngày vừa qua, tôi thấy rất thú vị vì báo chí trong nước phê phán rất mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực, bất công xã hội, tấn công cả những nhân vật quyền cao chức trọng, đề cập cả những vấn đề đụng chạm đến thể chế chính trị. Ngôn từ sử dụng thậm chí giống như báo chí “lề dân” ở hải ngoại hoặc trên các mạng xã hội.
Trong số những bài đó, có một bài nổi bật khiến tôi chú ý, đó là bài “Nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại dân” của tác giả Xuân Dương trên báo Giáo Dục ngày 26/7/2016. Tác giả đã thẳng thắn chỉ ra “nhóm lợi ích” quyền lực cao nhất nước đang “bán nước”, “hại dân”, “biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân”,…
Lòng dân căm phẫn
Bản thân tôi là một nạn nhân của một chế độ tư pháp bất công cũng cảm thấy một chút an ủi khi cuối cùng báo chí nhà nước đã công nhận rằng nhóm lợi ích đầy quyền lực đã “biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân”, trong đó không chỉ có gia đình tôi mà còn hàng triệu người dân bị mất đất, bị xử oan, bị bắt bớ vì các lý do chính trị, tôn giáo, vì thực hành các quyền căn bản của con người.
Tác giả Xuân Dương còn quyết liệt hơn nữa khi kết luận: “Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị ‘do dân và vì dân’ cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó!”
Để giải thích hiện tượng này, có lẽ tựa đề bài báo “Nhân đạo quá, nhân đạo không chịu nổi!” của tác giả Đào Tuấn trên báo Lao Động ngày 23/7/2016 nói rõ hơn cả tâm trạng của nhân dân Việt Nam hiện nay: không chịu nổi.
Chính là như thế, người dân Việt Nam hiện nay đã hết chịu nổi với tình trạng “dân làm chủ” là hình thức, còn “đảng [cộng sản] lãnh đạo” và “nhà nước quản lý” thì quá yếu kém, tồi tệ, bất công.
Hai ngọn cờ đã gãy
Hai ngọn cờ mà đảng cộng sản đưa ra để tạo tính chính danh cầm quyền là “độc lập dân tộc” và “chủ nghĩa xã hội” đã thất bại thảm hại.
Độc lập dân tộc sao được khi phải nhượng cho Trung Quốc hai ngọn Giả Sơn và Lão Sơn mà quân đội Việt Nam đang trấn giữ vào năm 1999, khi để mất đảo Gạc Ma năm 1988, còn các liệt sỹ, cựu chiến binh trong các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược thì bị quên lãng.
Lực lượng vũ trang, an ninh có suy nghĩ gì khi biết những thông tin này không?
Về kinh tế thì đến 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng cao và ngày càng nặng nề.
Các khái niệm như “chủ nghĩa xã hội”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đến bây giờ các vị giáo sư, tiến sỹ “đáng kính” trong Hội đồng lý luận trung ương vẫn còn tranh cãi nhau về ý nghĩa của nó là gì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây còn đặt ra một câu hỏi gây nhíu mày về tính “công bằng” của chủ nghĩa xã hội mà đảng cộng sản rêu rao vài chục năm nay: “Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”.
Một sỹ quan an ninh mà tôi có dịp tiếp xúc cũng công nhận với tôi rằng anh thấy xấu hổ khi là một đảng viên cộng sản. Anh cảm thấy tội lỗi khi phải im lặng trước hiện trạng đất nước, bởi vì “đồng chí” trong đảng cộng sản bây giờ nghĩa là đồng lõa phi pháp với những kẻ “bán nước hại dân”.
Ba phạm trù quyền lực
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra trên BBC vào ngày 21/7/2016 “…Cần có một cuộc đại cải cách toàn diện thì may ra Việt Nam có lối ra. Còn nói rằng mình chọn người này không chọn người kia, thì cuối cùng mình chỉ chọn những người đã được chọn rồi thì làm sao có quốc hội thực sự của dân được.”
Trọng tâm của cuộc “đại cải cách toàn diện” này bắt buộc phải giải quyết tận gốc vấn đề chính trị của Việt Nam, liên quan đến những thành tố quan trọng nhất của quốc gia, ngoài thành tố lãnh thổ thì đó là nhân dân, pháp luật và chính quyền.
Về nhân dân, dân phải thực sự nắm quyền làm chủ đất nước, bắt đầu bằng các quyền quan trọng nhất như trưng cầu dân ý, phúc quyết hiến pháp, tự do ứng cử – bầu cử, và quyền tư hữu. Những quyền làm chủ này phải hiện thực và bình đẳng đến từng người dân cụ thể chứ không phải chỉ trên khẩu hiệu hay giấy tờ. Nói cách khác, dân quyền phải hiện thực.
Về pháp luật, hiển nhiên rằng cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền: mọi người bình đẳng trước pháp luật, không ai được độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật như tình trạng hiện nay. Nền pháp luật chuẩn mực đó phải bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân để đảm bảo dân quyền và giới hạn quyền lực của chính quyền.
Về chính quyền, đặc điểm quan trọng nhất của nền dân chủ là lãnh đạo phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ. Nghĩa là chính quyền phải chính danh. Hay nói cách khác, chính quyền phải chính trực với bản hiến pháp và pháp luật chuẩn mực đó, chính trực với nhân dân.
Ba phạm trù quyền lực này liên quan chặt chẽ với nhau như ba chân kiềng của nền dân chủ: dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực. Theo tôi, để cuộc “đại cải cách” sắp tới thật sự “toàn diện” thì cần phải giải quyết triệt để ba vấn đề này. Không thể tiếp tục chấp nhận ba yếu tố giả dối “dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” mà đảng cộng sản đưa ra nữa. Vì thật ra quyền lực chỉ tập trung vào tay một đảng, hoàn toàn không có “dân” và “nhà nước”.
Khi đó, nhân dân sẽ đoàn kết với nhau trên cơ sở một nền pháp luật chuẩn mực, và cùng nhau hậu thuẫn cho một chính quyền do dân bầu ra. Đó mới là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc. Và dân tộc có đoàn kết thì mới có thể bảo vệ lãnh thổ trước nạn ngoại xâm đã và đang gặm nhắm bờ cõi.
Vụ tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của các sân bay của Việt Nam chiều ngày 29/7, gây nguy hiểm đến an toàn bay, cho thấy cuộc chiến đã hiển hiện ngay trên các đô thị của đất nước chứ không phải chỉ ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biên giới hay vùng Tây Nguyên đang khai thác bô-xít nữa.
Điều kiện sắp chín muồi
Vậy làm thế nào để có thể tiến hành “đại cải cách toàn diện” khi Nhà nước đã trở thành “công cụ trấn áp nhân dân” của những kẻ “bán nước hại dân”?
Lê-nin, bậc thầy của người cộng sản, đã nêu ra ba điều kiện để một cuộc cách mạng thành công. Đó là nhà cầm quyền không thể cai trị theo kiểu cũ được nữa, nhân dân không chịu đựng nổi nữa, và có một tổ chức chính trị lãnh đạo dẫn dắt cách mạng.
Hiện tại, rõ ràng nhà cầm quyền không kiểm soát tình hình được như trước nữa. Người dân công khai phản kháng trên các mạng xã hội như Facebook, công khai kêu gọi nhau xuống đường biểu tình, công khai tẩy chay bầu cử, công khai đi đòi những người bị bắt giữ vô cớ, trái pháp luật…
Về lòng dân thì như trên đã nói, báo nhà nước cũng đăng: “không chịu nổi”.
Như vậy, hai điều kiện đầu của cách mạng đã có ở Việt Nam, chỉ còn một điều kiện cuối cùng là phải xuất hiện một tổ chức chính trị có uy tín, đông, mạnh để lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là lý do tại sao các lãnh đạo đảng cộng sản luôn nhắc nhở quân đội, công an: ”Tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập”.
Theo tôi quan sát trên mạng xã hội, đã có nhiều tổ chức chính trị không cộng sản xuất hiện ở Việt Nam. Khi bầu cử tự do ở Miến Điện đã có tới 92 đảng ra tranh cử. Việt Nam có lẽ sẽ có nhiều hơn con số đó. Nhưng đảng nào sẽ đi vào lịch sử như đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Miến Điện?
Hãy là người Việt đoàn kết
Trước hiểm họa ngoại xâm, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn,… đe dọa không gian sinh tồn của dân tộc, người Việt đoàn kết – tiếng nói của đại thể người Việt – cần nối vòng tay lớn với nhau, cùng nhau lên tiếng, cùng nhau hành động để thiết lập “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực” ở Việt Nam.
Chỉ khi đó, những kẻ “bán nước hại dân” mới không còn chỗ hoành hành trên đất nước này.
Chỉ khi đó, đất nước này mới có nền tảng vững chắc để trường tồn.
Được chỉ đạo với mục đích xoa dịu lòng dân cho qua ngày
De chung cho dan coi ta da lam gi roi
Bài viết rất chất
Điều kiện thứ 3 la có một đảng lãnh đạo, vậy ai sẽ dám đứng lên khi một nhóm tổ chức có ý hướng đều bị loại trừ. Tôi chờ một tổ chức có thể làm được điều gì đó, và tôi sẵn sàng phục vụ.