Truyền thông những ngày qua liên tục đưa tin, bình luận về cái chết của ba ông quan tỉnh Yên Bái. Cả 3 ông quan đều chết vì súng đạn trong thời bình, gây nên thảm cảnh đau xót cho ba gia đình.
Ai giết ai?
Cho đến thời điểm này, chưa một thông tin có căn cứ nào được trưng ra để có thể khẳng định rõ vụ việc xảy ra như thế nào? Ai là thủ phạm?
Dựa vào những thông tin do truyền thông nhà đảng đề cập thể hiện đầy lúng túng, sai sót, bưng bít hoặc có dấu hiệu cố tình làm “sai lệch” sự kiện.
Điểm qua có thể thấy những thông tin “mâu thuẫn” như tại hiện trường vụ án mạng: trang báo mạng Pháp Luật ban đầu thông tin ông Đỗ Cường Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, đã rút súng K59 bắn ông Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường và ông Chủ tịch Nhân dân Ngô Ngọc Tuấn ngay trong buổi họp trên hội trường. Nhưng ngay sau đó, bài báo này đã bị gỡ xuống, tuy nhiên bản tin này đã loan tải một cách nhanh chóng trên trang mạng xã hội facebook. Chỉ khoảng 2-3 tiếng sau, đồng loạt báo chí nhà nước đều đưa tin về sự kiện này, nhưng báo chí mô tả lại: ông Minh bắn ông Cường trước, tại phòng làm việc của nạn nhân; sau đó sang phòng làm việc của ông Tuấn, cách đó 150m, để bắn ông Tuấn.
Chiều cùng ngày xảy ra vụ án vào ngày 18.08.2016, các cán bộ tỉnh đã tổ chức cuộc họp báo khẩn cấp. Trong cuộc họp, các quan gọi ông Minh là nghi phạm, ngay sau đó gọi đích danh là thủ phạm, mà không trưng ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh ông Minh là thủ phạm.
Cũng trong buổi họp báo, bà Chủ tịch Phạm Thị Thanh Trà nói: ông Minh nhân thân tốt, chỉ “vì một chút suy nghĩ cực đoan, nhất thời, ông Minh có những hành động tiêu cực như vậy”. Ngay sau đó, trên các trang báo xuất hiện thông tin em ông Minh hiện đang chấp hành án phạt tù 20 năm, ông Minh chuẩn bị gây án từ lâu, chờ dịp vợ, con ra Hà Nội mới hành động… Thậm chí, báo chí đưa tin cả hình ảnh ông Thủ tướng đến tận giường bệnh bác sỹ đang thao tác để “chỉ đạo” cứu chữa nạn nhân, huy động trực thăng cùng đội ngũ y bác sỹ giỏi nhất để chữa trị cho các nạn nhân.
Nhưng nhiều trang báo khác lại thông tin: nạn nhân – tức ông Cường và ông Tuấn – chết trước khi nhập viện. Về giờ chết của hai nạn nhân, ngay trong một bài báo trên trang mạng Pháp Luật với tựa đề “Kết thúc họp báo vụ bắn Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái: “Hung thủ Minh đã chết lúc 15h26”, thì đã đưa ra thời khắc hai nạn nhân tử vong cách nhau là hai tiếng. Phần đầu của bài báo này ghi: “đồng chí Phạm Duy Cường và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn đã tắt thở vào lúc 13h05”; đến gần cuối bài viết thì cho hay: “Về diễn biến sức khỏe của hai vị lãnh đạo tỉnh Yên Bái, cả hai được xác định đã tử vong lúc 11h30 sáng nay”.
Một tình tiết khác cũng đáng lưu tâm, viên đạn kết thúc mạng sống ông Minh là từ “sau gáy” hay “vào đầu” cũng được các trang báo mạng thông tin mâu thuẫn. Quyết định không khởi tố vụ án, sau đó lại quyết định khởi tố vụ án đều được Bộ Công an trích dẫn điều Luật làm căn cứ!
Về pháp lý
Nguyên tắc “suy đoán vô tội” được Điều 31 Hiến pháp và Điều 9 BLTTHS qui định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”; ngay cả khi bị cáo nhận tội, cũng không được dùng làm chứng cứ duy nhất để kết tội (khoản 2 Điều 72 BLTTHS). Chính “tư duy” chuyển nghi phạm thành thủ phạm chỉ “trong một nốt nhạc” mà không cần chứng cứ là nguyên nhân gây ra các án oan.
“Không khởi tố vụ án” phải bằng một quyết định văn bản, sau quá trình, kết quả “kiểm tra, xác minh” (Điều 103 BLTTHS), và phải do “người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định” (khoản 1 Điều 108 BLTTHS), mà theo khoản 1 Điều 104 BLTTHS quyền này của “cơ quan điều tra”. Như vậy, “phát biểu tại buổi họp báo” quyết định không khởi tố của ông “giám đốc công an tỉnh Yên Bái” là không đúng luật. Điều này có thể cho thấy sự lạm quyền, tùy tiện, xem thường các qui định pháp luật… là căn bệnh của các cán bộ từ thấp đến cao hiện nay ở Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, công luận có thể liên tưởng đến lời “xin lỗi” của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho xe đi vào đường cấm ô tô ở phố cổ Hội An, mà trước đó một “lãnh đạo” PA 83 công an tỉnh Quảng Nam bảo là “không sai”. Hay mới đây, ông Cục trưởng CSGT nói rằng: “dân không có quyền đòi xem kế hoạch kiểm tra của công an”, mà không trưng dẫn ra được điều luật nào qui định như vậy. Trái lại, Điều 28 Hiến pháp qui định:
“1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Và Điều 25 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền tiếp cận thông tin”. Còn khẩu hiệu mà nhà sản thường tung hô là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên đó là chỉ là những Điều Luật trên giấy và những câu khẩu hiệu chót lưỡi đầu môi của các quan mà thôi.
Còn Điều 10 BLTTHS qui định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Qui định tại khoản 7 Điều 107 BLTTHS về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự khi “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết…” chỉ có thể áp dụng trong các trường hợp hiển nhiên, có đủ chứng cứ, ví dụ tài xế lái xe vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn đã chết trước mặt hành khách, người đi đường… Còn trong trường hợp cụ thể này, một loạt các câu hỏi đặt ra chưa có chứng cứ hợp pháp chứng minh, thậm chí thông tin mâu thuẫn: ai giết ai? Ai bị giết trước? Thời gian, địa điểm? Mục đích, động cơ? Có lỗi hay không có lỗi? Tính chất và mức độ thiệt hại… là “những vấn đề phải chứng minh” theo qui định Điều 63 BLTTHS, bằng chứng cứ có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục Luật định (Khoản 1 Điều 64 BLTTHS).
Vẫn biết “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng thiết nghĩ cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết làm rõ sự thật vụ án, “giải quyết đúng đắn vụ án”… Và rồi xử lý “rút kinh nghiệm” không bưng bít, làm sai lệch thông tin, không lạm quyền, tùy tiện…
Chưa biết sự việc đúng sai thế nào, thế nhưng lời cảnh báo từ vụ án cưỡng chế đất của Dân oan Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng-Hải Phòng, đến vụ cưỡng chế đất của Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, và ba quan lớn Yên Bái tử vong cho thấy các quan chức sẽ tiêu xài tiền thuế của người dân lãng phí hơn để thuê bảo vệ canh gác sự an toàn cho các quan tham.
Tin ai cung duoc , tru CS
Chẳng tin ai được