Việt Nam có bề dày “thành tích” về việc kết án các nhà hoạt động và các blogger ôn hòa thực thi các quyền cơ bản của mình với các mức án tù nặng nề. Được biết có hơn một trăm tù nhân chính trị đang ở sau song sắt, dù con số thực có thể cao hơn. Cuối tờ trình này là danh sách các trường hợp được biết công khai. Chính quyền thường giam giữ người dân trong thời gian dài vì các hành vi bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia, mà không được tiếp cận với nguồn trợ giúp pháp lý hay gia đình thăm gặp, và không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Tháng Mười một năm 2015, đương kim bộ trưởng bộ công an, Tướng Trần Đại Quang, báo cáo trước Quốc Hội rằng từ tháng Sáu năm 2012 đến tháng Mười một năm 2015, “ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.” Ông ta nói, “Cũng trong khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”
Việt Nam thường sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác để xử tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới, các tội danh đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109, khung hình phạt cao nhất là tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 116, khung hình phạt tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117, khung hình phạt tới 20 năm tù); “phá rối an ninh” (điều 118, khung hình phạt tới 15 năm tù); và các “hình phạt bổ sung” tước bỏ một số quyền của những người từng bị xử tù về các tội “an ninh quốc gia,” buộc họ phải chịu quản chế tới năm năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (điều 122). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người phản đối chính quyền một cách ôn hòa, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 331, trước đây là điều 256), “gây rối trật tự công cộng” (điều 318, trước đây là điều 245) và các tội danh khác, như trốn thuế.
Bộ luật sửa đổi có những quy định khắt khe hơn với nhiều trường hợp, như điều 109 (trước đây là điều 79); điều 117 (trước đây là điều 88); và điều 118 (trước đây là điều 89). Mỗi điều trên đều có thêm một khoản quy định “Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ một đến năm năm.”
Trong năm tháng đầu năm 2016, có ít nhất hơn một chục nhà hoạt động và phê bình chính phủ bị kết án vì các hành vi tự do ngôn luận ôn hòa với các bản án từ ba đến chín năm tù giam, trong đó có các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già). Mười hai nhà hoạt động và blogger khác, trong đó có luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng, đã bị bắt tạm giam để điều tra từ năm 2015.
Một vài trường hợp tù nhân chính trị hiện đang bị giam, giữ gồm có:
Luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà bị tạm giam từ tháng Mười hai năm 2015. Họ bị truy tố theo điều 88. Kể từ ngày Nguyễn Văn Đài bị bắt, được biết gia đình và luật sư biện hộ chưa được gặp ông.
Các nhà hoạt động vì quyền của người lao động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chươngđang phải thụ án tù dài, lần lượt là chín năm và bảy năm, vì bị cho là đã hỗ trợ tổ chức đình công tự phát ở một nhà máy giày tại tỉnh Trà Vinh vào năm 2010.
Blogger nhiều ảnh hưởng Trần Huỳnh Duy Thức đang thụ án tù 16 năm vì viết bài trên mạng và vận động thành lập một nhóm cổ vũ dân chủ. Tháng Năm năm 2016, Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực hai tuần để phản đối việc vi phạm nhân quyền trong tù.
Các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính đang thụ các án tù lần lượt là 15 năm và 11 năm vì vận động cho tự do tôn giáo. Được biết Nguyễn Công Chính từng bị các tù nhân khác tấn công trong khi quản giáo làm ngơ. Gia đình ông cũng bị công an theo dõi gắt gao và thường xuyên bị sách nhiễu và đe dọa.
Các nhà hoạt động nhân quyền Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang phải thụ các án tù dài từ 8 đến 13 năm vì bị cho là liên quan tới một đảng chính trị phi cộng sản.
Khuyến nghị
Phía Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Phóng thích tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam, giữ, trong đó có những người bị giam, giữ vì thực thi các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, đi lại, lập hội chính trị cũng như tôn giáo, và chấm dứt bắt giam những người khác về những hành động tương tự. Những người có vấn đề về sức khỏe cần được trả tự do để được chữa trị y tế đầy đủ. Một số trường hợp khẩn cấp nhất về sức khỏe cần phóng thích ngay lập tức là các blogger Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm), và các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào và Nguyễn Công Chính.
Phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người bị bắt giam vì các hành động ôn hòa nhằm vận động cho quyền của người lao động được tự do lập hội, bao gồm quyền được thành lập và gia nhập các công đoàn theo ý muốn, được nhóm họp ôn hòa để bảo vệ và tăng cường các quyền lợi của mình; và được thực thi quyền tự do ngôn luận trong vai trò đại diện cho những người lao động và những mối quan tâm của họ.
Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản trong bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có nội dung hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa dựa trên các tội danh “an ninh quốc gia” được định nghĩa thiếu chính xác.
Ngay lập tức công nhận các công đoàn độc lập.
Phê chuẩn các Công ước ILO Số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức) và Số 98 (Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể).
Với vai trò là một biện pháp xây dựng lòng tin tức thì, cho phép gia đình, chuyên gia tư vấn pháp luật, các nhà quan sát từ Australia và các nhóm nhân quyền và nhân đạo quốc tế được tiếp xúc với những người đang bị giam, giữ.
-
Sách nhiễu, Bạo hành và Cản trở Các Nhà Hoạt động và Bất đồng Chính kiến
- Quảng Cáo -