Tác giả là thẩm phán thuộc Tòa Án Tối Cao Philippines.
Phán quyết mang tính lịch sử của một tòa án quốc tế trong vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc đã minh định một cách dứt khoát các vùng hải phận mà Philippines và Trung Quốc được hưởng thể theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Phán quyết đồng thời làm rõ việc sử dụng các vùng biển trong khu vực này của các quốc gia khác.
Quyết định của tòa xác định rằng việc dùng “đường chín đoạn” như một tuyên bố chủ quyền trên gần 90% diện tích biển trong khu vực của Trung Quốc là không hợp pháp. Kết quả theo đó là khoảng 25% diện tích biển trong khu vực biển Đông là hải phận quốc tế nằm chính giữa biển. Hải phận quốc tế là nơi phải có các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không cho các phương tiện dân sự và quân sự của tất cả các nước. Hải phận quốc tế thuộc về cả thế giới.
Sự khẳng định tính phi pháp của đường chín đoạn đồng thời cũng xác nhận các khu vực đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones – EEZs) trên biển của các nước trong khu vực: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc.
Quan điểm phổ biến được đại đa số các quốc gia tôn trọng triệt để chính là trong EEZ cũng có các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không cho các phương tiện dân sự và quân sự. Không cần phải có sự cho phép của các quốc gia dọc bờ biển để tàu thuyền và máy bay có thể đi qua các khu vực này. Trung Quốc thuộc một nhóm thiểu số ít ỏi các quốc gia mang quan điểm đối nghịch cho rằng tàu thuyền và máy bay nước ngoài phải xin phép mới có thể được cho đi vào EEZ của một nước.
Ai có thể đảm bảo việc tuân thủ các phần phán quyết liên quan đến hải phận quốc tế và EEZ?
Không có một “cảnh sát quốc tế” để làm công việc này nhưng các cường quốc hàng hải của thế giới mà dẫn đầu là Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng các tàu thuyền và máy bay của họ sẽ tiếp tục đi lại trong vùng hải phận quốc tế và và các EEZ thuộc biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không dành cho các phương tiện dân sự và quân sự của họ.
Bởi vì Trung Quốc không thể ngăn chặn các cường quốc hàng hải khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của họ, một phần quan trọng của phán quyết như thế có thể được thi hành. Biển Đông không thể trở thành cái ao làng của Trung Quốc như mong muốn của nước này thể hiện qua tuyên bố đường chín đoạn.
Sự phi pháp của đường chín đoạn có nghĩa là phạm vi nằm trong đường này không thể chồng lấn lên EEZ của Philippines. Bất kỳ sự chồng lấn nào chỉ có thể đến từ hải phận thuộc phạm vi xung quanh một cấu trúc địa chất – lãnh thổ đất đai thực sự – mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền. Phán quyết tuyên bố rằng không có một cấu trúc địa chất nào trong toàn bộ quần đảo Trường Sa (Spratly archipelago) có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế EEZ phạm vi 200 hải lý. Ngay cả đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Itu Aba (đảo Ba Bình) cũng không được hưởng EEZ. Tòa xác định rằng một số cấu trúc địa chất trong khu vực này là “bãi đá” tự nhiên không thể cư ngụ và theo đó chỉ có thể hưởng hải phận 12 hải lý xung quanh các cấu trúc địa chất đó. Tòa cũng quyết định rằng bãi cạn Scarborough chỉ được hưởng hải phận 12 hải lý.
Kết quả như vậy là hai khư vực bãi đá do Trung Quốc kiểm soát, Đá Ken Na (McKenna Reef) và bãi cạn Scarborough đều nằm trong khu vực EEZ của Philippines. Hai cấu trúc địa chất này chỉ được hưởng hải phận 12 hải lý. Vì vậy, toàn bộ diện tích các khu vực EEZ của Philippines tại biển Đông – ước tính khoảng 381,000 ki lô mét vuông, còn lớn hơn tổng diện tích đất của Philippines – không thể bị chồng lấn bởi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, ngoại trừ hai bãi đá với hải phận 12 hải lý là Đá Kenna và bãi cạn Scarborough.
Làm cách nào để Philippines đảm bảo đặc quyền khai thác tài nguyên tự nhiên trong khu vực EEZ của nước này nếu Trung Quốc từ chối phán quyết?
Tương tự với câu hỏi trên, không có “cảnh sát quốc tế” không có nghĩa là Philippines không có cách.
Nếu một công ty dầu hỏa Trung Quốc mang giàn khoan vào khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc vùng EEZ của Philippines để khai thác khí đốt, Philippines có thể kiện công ty dầu hỏa đó ra tòa tại một nước mà công ty này có tài sản, ví dụ như Canada – vốn cũng là một thành viên của UNCLOS.
Phía Philippines có thể cho tòa Canada thấy là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực có nghĩa là khí đốt trong khu vực Bãi Cỏ Rong thuộc quyền khai thác của Philippines. Phía Philippines có thể yêu cầu tòa Canada ra lệnh tịch biên tài sản tại Canada của công ty Trung Quốc nói trên để bồi thường cho Philippines lượng khí gas mà Trung Quốc đã khai thác mất của họ.
Philippines cũng có thể đòi bồi thường trực tiếp từ Trung Quốc. Phán quyết cũng chỉ ra rằng các hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây ra những hậu quả không thể cải tạo cho hệ sinh thái biển mỏng manh của một số khu vực trong quần đảo Trường Sa bao gồm khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và khu vực Đá Xu Bi (Subi Reef) vốn thuộc thềm lục địa của Philippines. Theo Luật Biển, một nước phải có trách nhiệm bồi thường nếu đã gây ra thiệt hại trong môi trường biển của một nước ven biển khác.
Philippine cũng có thể yêu cầu Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA – International Seabed Authority), một cơ quan thành lập theo nội dung UNCLOS,thu hồi bốn giấy phép mà cơ quan này đã ban hành cho Trung Quốc cho phép nước này thăm dò đáy biển trong hải phận quốc tế bên ngoài hải phận của nước này.
Các nước đã thông qua UNCLOS đã thống nhất tuân thủ “trọn gói” bộ luật này – chấp nhận toàn bộ các điều khoản của nó chứ không chấp nhận chọn lọc. Nếu Trung Quốc từ chối phán quyết biển Đông, Philippines có thể cáo buộc là Trung Quốc đang chấp nhận hưởng lợi từ UNCLOS thông qua các điểu khoản về thăm dò đáy biển của bộ luật này trong khi từ chối các điều khoản nằm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của nó.
Về lâu về dài thì phán quyết biển Đông sẽ được đảm bảo thi hành một cách sâu rộng vì cộng đồng thế giới sẽ không chấp nhận việc một nước đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ một vùng biển giáp biên giới nhiều nước khác. Việc chấp nhận thực tế đó sẽ tạo ra một tiền lệ có ý nghĩa hủy diệt cho Luật Biển quốc tế./.