Với phán quyết của Tòa Trọng Tài sắp sửa cho ra để xét về những tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc, tình trạng căng thẳng trong vùng dâng cao. Một vấn đề cơ bản là không có quốc gia nào liên quan đến cuộc tranh chấp – ngay chính Trung Quốc – có cái nhìn rõ rệt về Trung Quốc muốn đạt điều gì tại Biển Đông. Đó là vì có tới ba trường phái suy nghĩ khác nhau tranh giành chiếm thế thượng phong trong giới phân tích và giới lập chính sách. Xem xét các tranh cãi bên trong Trung Quốc sẽ giúp giải thích tại sao lại thiếu việc thông tin có kết quả và kéo theo sự nghi ngờ chiến lược giữa Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ.
Các lãnh tụ Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bộ trưởng Ngoại Giao Wang Yi và lãnh tụ quân sự như Đô Đốc Sun Jianguo – nhắc đi nhắc lại những lời quen thuộc là các đảo Biển Đông luôn mãi thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, rằng hành vi của Trung Quốc là những biện pháp chính đáng để bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc sẽ không đeo đuổi những chính sách bành trướng ra ngoài những tuyên nhận chủ quyền chính đáng, và các căn cứ quân sự giới hạn trên các đảo vừa xây là cho mục tiêu phòng thủ. Tuy thế, một số quốc gia Đông Nam Á không thấy các lý lẽ này thuyết phục, và cảm thấy đe dọa bởi các hoạt động xây đảo của Trung Quốc, và vì vậy muốn Hoa Kỳ ra tay ngăn cản. Một số viên chức Hoa Kỳ còn cho rằng Trung Quốc muốn “quân sự hóa” khu vực, hoặc ngay cả muốn bá quyền.
Nhưng trên thực tế, ngay cả Trung Quốc cũng không rõ là họ muốn đạt được điều gì tại Biển Đông. Nói chung có ba trường phái suy nghĩ trong giới phân tích gia Trung Quốc về chính sách tốt nhất cho khu vực: tạm gọi họ là phái thực tiễn, phái cứng rắn, và phái ôn hòa. Tổng hợp các bài viết của giới hàn lâm Trung Quốc, tin tức báo giới, và ý kiến cư dân mạng sẽ cho thấy đại cương của các quan điểm khác nhau này. Ba trường phái này đại diện cho các quan điểm đa dạng tại Trung Quốc, tuy chưa đầy đủ hết tất cả mọi quan điểm khác nhau.
Vì cường độ căng thẳng hiện nay khiến cho các phân tích gia Trung Quốc bị áp lực phải phản ảnh quan điểm mơ hồ của nhà nước và những lời chỉ trích gay gắt ít khi được phổ biến. Điều này có thể giải thích tại sao thế giới bên ngoài không biết đến những tranh cãi bên trong. Mà thật ra các tranh cãi nội bộ về Biển Đông là điều rất quan trọng để hiểu rõ hướng đi tương lai của chính sách Trung Quốc.
Phái thực tiễn tin rằng cơ bản của chính sách Biển Đông hiện nay là vững vàng, không cần phải điều chỉnh. Họ nhìn nhận có giá phải trả về mặt ngoại giao và uy tín, nhưng lờ đi vì họ đánh giá cao sự hiện diện thực chất của Trung Quốc hơn là hình ảnh bên ngoài. Niềm tin của họ dựa vào sự hiểu biết thực tiễn của chính trị thế giới: quyền lực thực chất – chứ không phải những yếu tố phù du như uy tín, hình ảnh, hoặc luật pháp quốc tế – mới là yếu tố quyết định trong chính trị thế giới. Do đó họ nghĩ thời gian sẽ là đồng minh của Trung Quốc, miễn là Trung Quốc có thể điều hướng được sự trỗi dậy của mình. Lối suy nghĩ thực tiễn này hiện nay đang chiếm ưu thế trong việc lấy quyết định về Biển Đông.
Phái thực tiễn nghĩ là họ đang bảo vệ lợi ích quốc gia Trung Quốc bằng cách nâng cao sự hiện diện thực chất tại Biển Đông. Nhưng họ cũng không chắc là sẽ làm gì với những đảo mới xây. Bắc Kinh có nên cất thêm các cơ sở quân sự có trang bị vũ khí tấn công, hay các thiết bị phòng thủ vậy là đủ cho hiện nay? Giới thực tiễn muốn có quyền lực tại Biển Đông, nhưng không chắc bao nhiêu quyền lực mới đủ.
Trường phái suy nghĩ thứ nhì – phái cứng rắn – cho ra câu trả lời đáng sợ đối với những câu hỏi mà phái thực tiễn chưa trả lời được. Chẳng những họ nghĩ rằng Trung Quốc phải phô trương bảy hòn đảo mới xây như là sự đã rồi đối với thế giới bên ngoài, mà còn muốn Trung Quốc bành trướng thêm lãnh thổ và phạm vi quân sự tại Biển Đông. Sự bành trướng có thể bao gồm: biến các đảo thành căn cứ quân sự, chiếm đoạt các đá đảo đang dưới quyền kiểm soát của các quốc gia khác, hoặc biến bản đồ Chín Vạch thành đường biên giới lãnh hải, và tuyên nhận chủ quyền gần hết Biển Đông về cho Trung Quốc. Phái cứng rắn bất kể đến các quan tâm và lo ngại của thế giới bên ngoài; họ chỉ muốn gia tăng tối đa lợi ích riêng của Trung Quốc.
Khi mà báo chí ngoại quốc đề cập đến việc Trung Quốc tuyên nhận 90% chủ quyền Biển Đông, họ thật ra đang mô tả lập trường của phái cứng rắn tại Trung Quốc. Điều đáng mừng là quan điểm này chưa ảnh hưởng nhiều đến thành phần lấy quyết định ở thượng tầng. Phái cứng rắn trong chính quyền thường tập trung trong quân đội và các cơ quan công lực. Một chính sách bành trướng tại Biển Đông dĩ nhiên là có lợi cho cơ quan của họ. Nhưng giới cứng rắn cũng có mặt trong quảng đại quần chúng Trung Quốc, mà đại đa số chỉ có một quan điểm hời hợt và đầy ấn tượng về tình hình Biển Đông. Khi thành phần cứng rắn trong quần chúng kêu gọi phải mạnh mẻ hơn nữa họ chỉ dựa vào cảm tính tự ái dân tộc hơn là sự cân nhắc cẩn thận về lợi ích của quốc gia.
Sự khác biệt giữa phái cứng rắn và thực tiễn là tuy quan điểm của phái cứng rắn cũng dựa trên chính trị thực tiễn, nhưng lại có thêm một lớp nền chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khiến cho việc giàn xếp với các quốc gia khác rất khó khăn. Mặc dầu thành phần cứng rắn chưa ảnh hưởng nhiều đến chính sách hiện thời, giới lãnh đạo khó lờ đi hay gạt bỏ họ vì sợ phản ứng tự ái dân tộc của quần chúng, một sức mạnh có thể dễ dàng thoát vòng kiểm soát.
Phái thứ ba, ôn hòa, tin rằng đã đến lúc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách để làm sáng tỏ mục tiêu tại Biển Đông. Phái ôn hòa nhìn thấy là sự mơ hồ hiện thời của Bắc Kinh về tuyên nhận chủ quyền và dự kiến chiến lược chỉ làm cho thế giới bên ngoài e sợ và mất tin tưởng. Họ đổ lỗi chính quyền đã không đưa ra khung sườn chiến lược lôi cuốn và thông tin hữu hiệu với thế giới bên ngoài. Thói quen cứ tiến tới làm đi của Trung Quốc trong những quyết định chiến lược quan trọng như việc xây đảo chẳng hạn, chỉ gây hại cho chính lợi ích riêng của họ. Khi không bỏ nỗ lực ra để hợp thức hóa việc xây đảo, Trung Quốc chỉ làm cho thế giới nghi ngờ hơn là thông cảm với hành động của họ.
Phái ôn hòa lập luận rằng Trung Quốc phải dần dà làm sáng tỏ Đường Chín Vạch. Duy trì tính chất mơ hồ của nó chỉ gây ra khó khăn về mặt ngoại giao. Theo quan điểm của họ, không ích lợi gì khi diễn giải bản đồ chín vạch như là đường biên giới lãnh hải, vì làm thế chỉ biến Trung Quốc trở thành đối thủ của các quốc gia Đông Nam Á cũng như Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc chọn đi hướng này, phái ôn hòa lập luận rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ gặp nguy cơ căng quá đà về chiến lược. Đối với phái ôn hòa, vấn đề lớn nhất cho Trung Quốc là thiếu chiến lược hữu hiệu và rõ ràng cho Biển Đông.
Phái ôn hòa khác nhiều với phái thực tiễn và cứng rắn. Nhưng cả ba đều giống nhau ở một điểm quan trọng: cần thiết phải xây đảo. Họ có thể có lý do khác nhau để xây đảo hoặc có lượng giá khác nhau về hệ quả, nhưng tất cả đều tin rằng đây là điều Trung Quốc, sớm hay muộn, phải làm. Các lý do này có thể là chiến lược: phải thiết lập vị trí chiến lược tại Biển Đông, hoặc có thể chỉ là thường tình: phải tạo đời sống khá hơn cho nhân sự trú đóng. Cả ba phái đều cảm thấy là với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Bắc Kinh phải thiết lập sự hiện diện tại Biển Đông cho tương xứng với tầm vóc và quyền lực của họ, nhất là khi các quốc gia tranh chấp khác trong vùng đã có sự hiện diện gần cả chục năm nay.
Thế giới thường chỉ trích việc xây đảo của Trung Quốc. Nhưng với sự suy nghĩ đồng thuận bên trong Trung Quốc và cũng như trên thực tế, Công Ước về Luật Biển không hoàn toàn cấm việc bồi đắp đá đảo, vậy có phải là một điều hay hay không để tiếp tục chỉ trích các hoạt động xây đảo? Có phải có ích lợi hơn cho tất cả các quốc gia trong vùng tiến đến câu hỏi chiến lược: thiết lập một nguyên trạng mới nhưng ổn định trong khu vực?
Một nguyên trạng mới đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ ý định chiến lược của họ. Hiện nay ngay cả giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không có câu trả lời rõ rệt. Trong ba trường phái nói trên chỉ có phái cứng rắn cực đoan là có câu trả lời ngay, nhưng rất gây bất ổn. Các giới còn lại của Trung Quốc đang tranh cãi xem chiến lược Biển Đông nên như thế nào. Đây là một dữ kiện quan trọng. Nó gợi cho thấy là chính sách Biển Đông của Trung Quốc chưa định hình, và vì thế còn uốn nắn được.
Cộng đồng thế giới – đặc biệt là Hoa Kỳ và khối ASEAN – nên tạo điều kiện thuận lợi để uốn nắn chính sách của Trung Quốc đi theo hướng hòa hoãn và hợp tác. Đặc biệt nên giúp phái ôn hòa có tiếng nói quan trọng hơn trong giới lập chính sách, biến quan điểm thiểu số của họ thành quan điểm đa số. Đáng tiếc là lập luận “bá quyền Trung Quốc” của một số viên chức Hoa Kỳ chỉ có tác dụng xác nhận cho quan điểm của thành phần cứng rắn là Hoa Kỳ muốn be bờ Trung Quốc. Trong ba trường phái chỉ có phái cứng rắn là muốn bá quyền quân sự. Nếu giới chức Hoa Kỳ xem quan điểm này như là chính sách quốc gia của Trung Quốc thì coi chừng sẽ gây ra một kẽ hở về thông tin giữa đôi bên.
Về phần Trung Quốc, họ phải làm sáng tỏ mục tiêu chính sách và trấn an các quốc gia láng giềng, cũng như Hoa Kỳ.
Feng Zhang
23/06/2016
Hoàng Thuyên lược dịch