Bên trên những bãi san hô đầy sức sống một thời tại Biển Đông bây giờ chỉ là cát, xi măng, căn cứ quân sự của Trung Quốc. Họ xây các đảo nhân tạo để củng cố chủ quyền tuyên nhận trong vùng. Việc bồi đắp đảo như thế tàn phá môi trường sống của vùng biển địa phương, nhưng Trung Quốc thì cho rằng các hoạt động của họ không gây thiệt hại môi trường gì đáng kể. Ngược lại Trung Quốc khẳng định là các đảo nhân tạo họ xây là “thân thiện” với môi trường.
Trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh, ông Wang Xining, Phó Giám Đốc Vụ Thông Tin của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố, “Đây là một dự án xanh.” Tất cả công trình bồi đắp và xây cất trong vùng được thiết kế cẩn thận, xây cẩn thận để giảm thiểu tác động sinh thái.
Tuyên bố của ông Wang phản ảnh quan điểm chính thức được sàn lọc một thời gian trong hệ thống chính quyền. Vào tháng Ba năm 2015, Viện Hải Dương Học Biển Đông trực thuộc Hàn Lâm Viện mở một hội nghị chuyên đề thảo luận về việc “Phát Triển Bền Vững và Bảo Vệ Sinh Thái trên Đảo Nhân Tạo tại Biển Đông”. Đến tháng Sáu năm 2015, Cục Hải Dương Nhà Nước Trung Quốc bắt đầu dùng lập luận này trong một tuyên bố mang tựa đề “Dự Án Bồi Đắp Bãi San Hô Trường Sa Sẽ Không Gây Thiệt Hại cho Môi Trường Biển”, và gọi việc bồi đắp đảo là một “dự án xanh”.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gần đây bắt đầu nhấn mạnh cụm từ “dự án xanh” này. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao trong một buổi họp báo ngày 6 tháng Năm, cho rằng tác động vào hệ sinh thái của bãi san hô không là bao.
Tuy các quốc gia tranh chấp trong vùng Biển Đông cũng có bồi đắp đảo đôi chút, các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở tầm mức rộng lớn hơn nhiều. Hoa Kỳ ước lượng Trung Quốc đã xây thêm hơn 3.200 mẫu đất trong quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên những tuyên bố của Trung Quốc về mối thân thiện với môi trường trái ngược với nghiên cứu của các khoa học gia về sinh vật biển cho thấy việc xây đảo tàn phá hệ sinh thái san hô, một trong những hệ sinh thái đầy sức sống trên thế giới. Hệ thống san hô tại đây bao gồm hàng trăm loại san hô và vô số loại cá nuôi sống các làng chài ven bờ biển của các quốc gia lân cận.
Khi nhìn hình vệ tinh Đá Vành Khăn (Mischief Reef), ông John McManus, một khoa học gia về sinh vật biển thuộc Đại Học Miami cho biết là các luồng phù sa trắng chảy vào trong phá (lagoon) là chứng cớ nước nhầy của san hô đang hấp hối thải ra vì bị cặn cáu bóp chết. Việc bồi đắp đảo không những gây hại cho san hô mà bùn, cát, phù sa còn giết chết tất cả các sinh vật dưới đáy và bít kín mang cá không thở được. Bên trong phá sẽ không còn con cá nào sống được.
Ông McManus cho biết thêm là ngay cả khi việc bồi đắp đảo ngưng ngay bây giờ và bắt đầu nỗ lực phục hồi thì cũng quá trễ cho các sinh vật sống quanh Đá Vành Khăn, “Các thiệt hại đáng kể này không thể phục hồi được và không thể thay thế được.”
Chỉ Trường Sa thôi là nơi sinh sống của 571 giống san hô và thật nhiều loại cá. Theo ông Alan Freidlander, một nhà sinh vật học của Đại Học Hawaii, “việc bồi đắp đảo san hô tại Biển Đông đã gây thiệt hại không sửa lại được cho một hệ sinh thái đa dạng nhất của quả địa cầu.” Nguồn cá cạn kiệt khiến cho kinh tế và ngành đánh cá của Phi Luật Tân thất thoát 110 triệu đô la hàng năm.
Không chỉ riêng san hô và cá quanh các đảo bị hứng chịu thiệt hại mà vật liệu nạo vét từ đáy biển lên để bồi đắp đảo có thể chảy ngược trở lại biển, tạo thành những đám bụi bóp ngạt các sinh vật biển và có thể pha lẫn trong đó là các kim loại nặng, dầu và các hóa chất từ các tàu bè và cơ sở trên bờ thải ra.
Tuy chính quyền Trung Quốc rêu rao đây là “dự án xanh” nhưng không phải ai ở Trung Quốc cũng tin vậy. Sau khi Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng về “dự án xanh” tại Trường Sa, một số cư dân mạng Weibo góp ý, “Trung Quốc vẫn còn ráng nói là họ quan tâm đến sinh thái và môi trường à? Tôi thấy phát tởm.”
Trong buổi họp báo, ông Wang Xining, Phó Giám Đốc Vụ Thông Tin của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bác bỏ lý lẻ cho rằng việc bồi đắp đã gây thiệt hại không sửa được hoặc đáng kể đến hệ sinh thái của vùng biển. “[Công ty xây cất] đã tính toán cẩn thận để thiệt hại – dĩ nhiên là không thể nào có zêrô thiệt hại – không đáng kể. Họ phải hoàn tất công việc của họ. Đây là một dự án xây cất tế nhị. Ai cũng quan tâm. Nhưng vùng biển này là nơi người dân chúng tôi sinh sống. Chúng tôi đến đó đánh bắt cá.” Phát biểu này cùng lập luận với phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hồi tháng Năm, “Là chủ nhân của đảo Nam Sa, Trung Quốc quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái của các đảo, san hô, và biển hơn bất cứ quốc gia, tổ chức, người dân nào khác trên thế giới.”
Bethany Allen-Ebrahimian
26/5/2016
Hoàng Thuyên lược dịch
*Tựa đề do BBT đặt.