Ba mươi tháng tư năm nay rơi vào ngày thứ bảy. Ngày cuối tuần mà phần đông những người đi làm ở các công, tư sở đều được nghỉ. Người ta có thể đi chơi, gặp gỡ bạn bè, chén chú chén anh bù khú mà không lo mệt mỏi vì còn ngày Chủ Nhật nghỉ ngơi cho thứ hai tiếp tục cuộc mưu sinh. Không hẳn vì thế mà cuộc biểu tình chiều thứ Bảy tại công trường Péru, quận 8, thủ đô Paris, nơi có trụ sở của toà đại sứ Việt Nam đông người hơn những năm qua. Ngay cả đêm văn nghệ đấu tranh «Vì khát vọng mà đi, dậy mà đi» do Đảng Việt Tân tổ chức hàng năm đã có nhiều người tham dự hơn bình thường. Ngày xưa vì khát vọng mà đi và ngày nay phải đứng dậy mà đi. Đó là chủ đề của buổi văn nghệ với những hàng chữ trắng được in trên một bích chương xanh, một nền xanh hiền hoà, màu của hy vọng.
Bước vào hội trường mọi người đều có thể nhìn thấy ngay một chiếc thuyền to màu đỏ viền khung xanh được phủ lên trên một tấm lưới. Một con thuyền đánh cá nằm trên bãi cạn. Chương trình không khai mạc bằng lễ chào quốc kỳ như mọi khi mà bắt đầu bằng hình ảnh các tù nhân lương tâm được chiếu lên màn ảnh. Đèn tắt, và những lời tâm huyết của các anh đã được từng người, từng người trong ban tổ chức đọc lên trong bóng tối với một bóng đèn led, nhìn như một ngọn nến nhỏ leo lét. Những tiếng nói kiêu hùng, bất khuất của các anh trong chốn lao tù.
Sau nghi lễ chào quốc kỳ và mặc niệm những người đã chết cho hoà bình tự do, anh Trần Nhân Định, người phát ngôn, đại diện cho đảng Việt Tân tại Paris đã ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quan khách. Là một người có thể nói là rất kín đáo, nhã nhặn trong giao tiếp. Nhưng khi cầm micro thì những lời thuyết trình của anh rất rõ ràng, mạnh mẽ. Đêm nay, giọng nói ấy như cao hơn, cứng cõi hơn khi anh nói về hiện tình đất nước.
Bốn mươi mốt năm đã qua. Ngày ấy, thảm cảnh tù đày cải tạo, đánh tư sản, chiếm đoạt tài sản, nhà cửa của những người dân dính dấp đến chế độ cũ vẫn chưa ngưng. Hiện tại, tình trạng dân oan bị mất đất, mất nhà mà chính quyền đã trưng dụng với một giá rẻ bèo. Nhưng khi bán lại cho các công ty ngoại quốc lại bằng một cái giá lớn hơn rất, rất nhiều lần vẫn đang tiếp diễn. Nhà nước bằng mọi cách chiếm cứ thu hồi và «giải phóng mặt bằng». Dù rằng, có rất nhiều công trình, dự án hiện vẫn còn bỏ không, chưa đụng tới.
Cả tháng nay, trên các trang mạng, nhất là facebook. Cư dân mạng không ngừng đưa lên những hình ảnh về những vùng biển chết. Biển đang bị đầu độc bởi con người. Là người vượt biển đầy may mắn, tôi cám ơn biển đã cho thuyền tôi đến bến tự do. Nhưng cũng vô cùng oán hận đại dương với những cơn hung hãn đã cuốn trôi bao nhiêu đồng bào tôi trong thời điểm đó. Ba mươi tháng tư năm 1975, ngày bắt đầu của chết chóc. Chết đủ mọi kiểu, mọi cách. Những người chết trong lòng biển năm xưa, và những bầy cá chết trắng xoá trên bãi biển Vũng Áng, Đà nẵng, hay hàng chục ngàn tấn ngao sò, cua ốc phơi vỏ ở Hà Tĩnh, Lăng Cô bây giờ phải chăng cũng cùng là một cái chết? Cái chết của một dân tộc dưới sự cai trị của đảng CSVN. Và cái chết ngày hôm nay hẳn là chưa đủ, chưa ngưng. Bởi vì theo sự phân tích hoá chất và môi trường của các nhà khoa học thì thảm hoạ này sẽ còn kéo dài cho những thế hệ mai sau. Những thế hệ sẽ què quặt vì ảnh hưởng những chất hoá học cực độc và hậu quả lâu dài của nó. Tai hoạ này đâu phải từ trời đổ xuống.
Như hàng năm, ban văn nghệ đấu tranh cũng từng ấy khuôn mặt quen thuộc như Tố Lan, Kim Hương, Ngọc Xuân, Phương Khanh, Lê Khánh, Anh Phiệt… và các anh chị em khác trong ban hợp ca. Buổi văn nghệ kỳ này thiếu Đình Đại và Thu Sương. Nghe đâu hai bạn này năm nay đi qua Đức sinh hoạt với cộng đồng bên đó. Không thể không nhắc đến các em nhỏ của hội Thanh Thiếu Niên Paris. Sinh và lớn lên ở đây, với sự khuyến khích của phụ huynh và các thầy cô dậy dỗ, rèn luyện ở những lớp học tiếng Việt. Dù đọc và hiểu được tiếng Việt, nhưng phát âm thì không được chuẩn lắm. Tuy nhiên, các em đã hát được rất nhiều ca khúc Việt Nam.
Ca khúc Anh là ai của nhạc sĩ Việt Khang đã được hát ở nhiều nơi trên quả địa cầu, nơi nào có người Việt sinh sống thì lời ca ấy sẽ được hát lên. Lời bài hát chỉ là những câu hỏi, than oán, van xin. Nghe đã thuộc, đã nhàm tai nhưng có lẽ chưa bao giờ khuấy động tâm tư khán giả bằng lúc này, dù chỉ là một màn nhạc cảnh do các em trình diễn.
Xin hỏi anh là ai? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm. Xin hỏi anh là ai? Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Anh là ai thì cả nước biết rồi. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chúng ta cần đặt thêm những câu hỏi khác. Các ông là ai? Những ai hưởng được lợi nhuận từ Bauxite Tây nguyên, từ thép Formosa Vũng Áng? Những ai đã tiếp tay cho ngoại xâm vào chiếm cứ đất đai, huỷ hoại môi trường, huỷ diệt nguồn sống của dân tôi? Những người dân chài, những ngư dân nuôi trồng thuỷ sản vùng biển đã sống như thế nào trong những ngày này khi ngư trường giờ chỉ là những bờ bãi tanh hôi. Không còn cá, dân trong nước không biết phải ăn gì để sống khi gà, heo, bò đều được báo động là được nuôi bằng những hoá chất độc hại. Chính quyền ơi, các ông ở đâu? Hay các ông đã có thịt thà, rau cải mang về mỗi tuần từ các chuyến bay đến từ Singapor nên dân đói, dân chết mặc dân?
Dân tộc anh ở đâu? Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu. Để ngàn sau ghi dấu. bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào
Đúng thế, bàn tay các ông đã nhuộm đầy máu đồng bào.
Ba mươi tháng tư năm 1975 là một ngày buồn. Những ngày trong tháng tư với người Việt tị nạn sống ở xứ người là những ngày của ký ức không thể lãng quên. Một ký ức màu đen, đen đến nổi không gì có thể bôi xoá, phai nhoà dù đã hơn bốn thập niên. Một ký ức đầy tang thương, hãi hùng mà người nhạc sĩ từ nỗi bi hận đó đã viết lên các ca khúc để đời. Tôi dùng chữ để đời vì có nhiều bài hát rất xưa, nhưng lần nào nghe đến, dường như ta vẫn gặp lại thứ cảm xúc nghẹn ngào của lần đầu. Cảm xúc của sự mất mát, chia lìa, ly tán. Của cái nghẹn đắng ngậm trong lồng ngực. Tôi muốn nói đến ca khúc Một Lần Đi, Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng. Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Một lần đi là mất lối quay về. Một lần đi là mãi mãi thương đau.
Một Đời Áo Mẹ Áo Em của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có những câu rất thơ, rất buồn. Than thở cho thân phận người phụ nữ VN sau cuộc đổi đời nhiễu nhương đen tối. Một ngày mưa buồn, nghe tin xa người vừa ngã xuống. Áo thét lên như điên. Áo níu lui xe tang. Rồi, Áo khóc thân lưu vong. Nhớ lúc xưa bên mẹ.
Đó là Sài Gòn của những ngày di tản. Những ngày vượt biển tìm tự do. Và Sài Gòn bây giờ vẫn còn nhiều người trẻ cũng đang lên đường ra đi. Không phải bỏ nước ra đi mà là đi đấu tranh. Đi tìm tự do dân chủ cho đất nước. Đi, dù biết trước mặt là gông cùm tù tội.
Lạy Mẹ Con Đi là một sáng tác mới của một tác giả trẻ là nhạc sĩ kiêm ca sĩ Đình Đại do Kim Hương trình bày. Có lẽ bài hát đã được lựa chọn cho phù hợp với chủ đề Dậy Mà Đi. Theo tôi, đây là một bài đơn ca hay nhất đêm nay. Vì bài hát đã gieo vào lòng người nghe cái hùng của những thanh niên đứng trước thời cuộc. Biết hy sinh và chấp nhận. Lời ca thật cảm động. Bài hát, cách nào đó, cũng đã nói lên, nói hộ tâm trạng của các nhà Đấu Tranh Dân Chủ trong nước đang bị cầm tù.
Lạy mẹ con đi về chốn bể dâu.
Lạy mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu.
Lạy mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa.
Dù cùm sắt với xà lim, con cũng không sờn lòng…
Lạy mẹ con đi vào chốn tù lao. Lạy mẹ con đi đạo hiếu con không vuông tròn.
Mẹ cười chứa chan tình bao la non nước.
Mẹ dạy con bất khuất như ông cha ta bao đời.
Trong phần đơn ca, còn có một ca khúc khác mang tên Ngòi Bút, Lời Ca của Anh Phiệt, một người bạn cùng thời sinh viên với nhà hoạt động dân chủ Phạm Minh Hoàng. Theo lời anh thì bài hát để vinh danh, nhớ về người bạn của mình. Bài hát thực sự không dễ hát. Nhưng trong khi anh đàn và hát thì hình ảnh của anh Phạm Minh Hoàng được đưa lên màn ảnh thật là cảm động.
Tháng tư năm xưa là tháng tư đen. Tháng tư năm nay là tháng tư trắng. Màu trắng của hằng hà vô số cá chết trên biển. Đen hay trắng cũng chỉ là màu chết, màu tang mà chế độ Cộng Sản đã phủ trùm lên đất nước. Tất cả dân Việt từ trong và ngoài nước đều đang hướng về biển với sự căm hờn, giận dữ.
Thơ ca nói về đất nước, lòng yêu nước thì rất nhiều. Trong những ngày gần đây, cư dân mạng, xôn xao vì bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh mà tác giả là cô giáo Trần Thị Lam đã bị chính quyền bắt ép phải lấy xuống vì lý do nực cười là bài thơ làm xấu khuôn mặt của đất nước. Có ít nhất là ba nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ này. Người có một giọng đọc truyền cảm là Phương Khanh mà hình như ban tổ chức có mời chị đọc bài thơ của cô giáo Lam. Tuy nhiên, chị lại muốn giới thiệu đến khán giả một bài thơ đã cũ, rất dài. Bài thơ nói về những biển đảo đã mất và những ước vọng của người Việt mong lấy lại biển Đông.
Biển Đông, đôi mắt Việt Nam nhìn ra muôn hướng
Mười ngón tay dài với đến những chân trời
Đứng lên đi
Nào anh
Nào em
Nào tôi
…
Lạy mẹ già, một ngày con băng ra biển lớn
Con lạy cha, một buổi sáng chia ly
Kiên cường lên, em nhé người yêu
Gặp khốn khó cắn răng mà chịu đựng
Non sông Việt Nam trùng trùng vạn dặm
Bờ đại dương Việt Nam dải dải không ngơi
Tất cả chúng ta ơi
Lấy lại biển đông
Để thấy những chân trời
Thật xúc động khi nghe những câu thơ trong bài Lấy Lại Biển Đông Để Thấy Những Chân Trời. Bài thơ ra đời cũng khoảng gần mười năm của tác giả có bút danh là CPSN. Tìm trên internet sẽ thấy thêm một tên khác là caphesuotngay. Ngoài cách diễn dịch là Cà Phê Suốt Ngày thì chắc không còn ý nghĩa nào khác, đúng hơn.
Biển đã mất, biển đầy ắp trong thơ và nhạc Việt Nam. Bài ca Quê Hương do anh Lê Khánh sáng tác và trình bày cũng không thoát khỏi nỗi đau mất biển.
Quê hương mình đẹp lắm em ơi…
Nước muôn trùng xanh thẫm chân trời
Tiếng sóng gầm bên rừng phi lao
Công dã tràng ôi tội làm sao
Ơi ơi hò dô hò dô ta
Tiếng khoan hò buông lưới nhịp nhàng
Nước mắt mẹ những bờ đê cong
Xương máu mẹ chan hoà biển Đông
Khí thế đấu tranh đã bừng bừng như lửa khi màn hợp ca bắt đầu. Hợp ca là một cách giúp cho từng cá nhân được biểu lộ tâm tư.
Đêm nay, trong những giọng hát mạnh mẽ, xen lẫn những giọng ngập ngừng, hụt hẫng vì trật nhịp. Nhưng mọi người đã hát bằng Dòng Máu Việt Nam*, bằng Dòng máu chảy…từ trong người. dòng máu chảy… từ trong tim. Lửa uất hận… đã tràn tuôn tới… căm hờn ngút trời.
Những cánh tay đã đưa lên, hàng trăm cánh tay phất cao lá cờ tổ quốc. Cờ bay theo nhịp điệu quyết đấu tranh cho một nền hoà bình công chính Thề Không Phản Bội Quê Hương*. Những tiếng hát vang vang đòi Trả Lại Cho Dân* Hãy trả lại cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người. Quyền được nhìn, được nghe, được nói. Quyền được chọn chân lý, tự do. Quyền xoá bỏ độc tài độc tôn. Rồi lại Đến với Quê Hương* Nói với quê hương tôi, dù hờn căm còn đầy. Đến với quê hương tôi, nói với quê hương tôi, dù còn sâu khổ đau.
Cũng như quý bạn và các anh chị, tôi có mặt trong hội trường đêm nay đơn thuần chỉ là một trong những người Việt Nam Da vàng máu đỏ. Không phân biệt đảng phái này hay hội đoàn kia. Những người còn lương tri, đang có cùng một tâm trạng tức giận, đau buồn, phẫn nộ cùng cực với những gì đang xảy ra trên quê hương. Tôi đã cùng bạn vai kề vai, ta cùng tiến tới, góp tiếng nói, góp bàn tay Là tiếng nói của sông của rừng. Là tiếng nói của gió trên đại dương. Là tiếng nói của tin yêu, của lương tâm mỗi con người. Chúng ta phải tranh đấu đòi lại một quê hương tự do như Bài Ca Của Gió* mà Tố Lan đã mở đầu chương trình văn nghệ.
Khi tôi ngồi gõ những hàng chữ này thì ở Sài Gòn, ở Hà Nội có khoảng hai ngàn người đang xuống đường mang những biểu ngữ như Ai Đầu Độc Biển Miền Trung, Toàn Dân VN Cứu Biển, Cá Cần Nước Sạch – Dân Cần Minh Bạch v…v… Những bích chương màu xanh của biển và màu trắng của cá chết giương cao như cờ trên các đường phố. Cũng đã xảy ra nhiều vụ bắt bớ, hành hung. Tôi lại nhớ đến phần kết thúc chương trình đêm qua. Trước khi chào tạm biệt quan khách, anh Trần Nhân Định có nói về những cuộc vận động lấy chữ ký để chống lại tập đoàn của Formosa mà nhiều tổ chức đang làm. Anh mong muốn các tổ chức, những đoàn thể cùng chung tay góp sức tìm đại diện Formosa ở Pháp hay một cơ quan có thẩm quyền nào đó để chống đối hay thưa kiện tập đoàn này đã làm ô nhiễm môi trường, huỷ hoại thiên nhiên và sức khoẻ con người của Việt Nam, mà có thể thảm hoạ này sẽ lan dần khắp vùng biển Đông Nam Á. Và trước nhất, trong tình hình dầu sôi lửa bỏng nơi quê nhà, chúng ta những người Việt Nam ở Pháp cần làm một cuộc biểu tình quy mô, đồng hành với nhân dân cả nước.
Tôi thật lòng khâm phục anh. Một người mà tôi biết đã hy sinh thời gian, đời sống gia đình, công việc của mình cho đại cuộc. Tôi sẽ cùng mọi người đi biểu tình trong những ngày tới.
Paris 1/5/ 2016
Xuân Thùy ghi
*Trả Lại Cho Dân ( Duy Quốc Nam)
*Dòng Máu Việt Nam ( Nguyễn Hồng Anh)
*Thề Không Phản Bội Quê Hương (Cục Chính Huấn)
*Bài Ca Của Gió ( Phan Văn Hưng)