1/5 trả biển cho dân!
Chưa bao giờ từ năm 1975, nhà cầm quyền lại chịu cay đắng đến thế khi cuộc biểu tình trên diện rộng toàn quốc bùng nổ vào đúng dịp lễ chính trị 30/4 năm 2016.
Chưa bao giờ ngay sau lúc chính quyền cho nổ tung trời hàng chục tỷ đồng pháo bông kỷ niệm chiến thắng 30/4, người Sài Gòn lại phản pháo vào mặt giới lãnh đạo bằng một cơn bão mang tên “Trả biển cho dân”.
Chưa bao giờ từ “chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975”, Sài Gòn lại thành công đến thế trong một cuộc biểu tình môi trường “vị tha nhân”.
Ai có thể tin?
Tôi bị chặn, bạn bị chặn, nhiều người đấu tranh dân chủ nhân quyền dù bị Công an TP.HCM trắng trợn ngăn chặn tại nhà, nhưng ít nhất 4 ngàn người dân Sài Gòn không hề vô cảm đã tràn xuống đường để biểu tình phản đối doanh nghiệp Formosa xả thải khiến cá chết trắng biển miền Trung, tung bay nhiệt thành lòng cảm chia với ngư dân lây lất vùng bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Tiếp bước cuộc biểu tình phản kháng giàn khoan Hải Dương 981 lên đến hàng chục ngàn người vào giữa năm 2014, lòng dân Việt một lần nữa cáo buộc nhà cầm quyền đã phản tình dân tộc qua vụ “cá chết Formosa”.
Cũng là một câu trả lời đích đáng dành cho những cái tên cần được nằm lòng về chỉ đạo đàn áp nhân quyền và bắt cóc người bất đồng không chỉ một lần ở Sài Gòn: Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Giám đốc công an Lê Đông Phong.
Trên tất cả, cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 sẻ chia với đồng bào ngư dân 4 tỉnh miền Trung không còn là nguyện vọng của riêng phong trào Dân chủ Nhân quyền và Xã hội dân sự Việt Nam. Trên tất cả, đó là trách nhiệm chung của cả xã hội “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Hôm nay cá chết, ngày mai đến lượt người chết!
Cũng là một cách để phản kháng với thói quen khuất tất quá đáng nghi ngờ của nhà cầm quyền về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường nơi khúc ruột Trung phần.
“Trả biển cho dân!” – Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… những cái tên vang vọng một thời tranh đấu sục sôi nhưng còn trào tuôn đến hiện tại – vào giờ phút khốn quẫn dưới đáy của đất nước. Những cái tên không còn chịu kiếp “cừu” để mặc cho các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực chính trị lũng đoạn, đàn áp và bóc lột.
“Cá chết Formosa” đã đi quá xa. Não trạng chỉ biết cai trị, cai trị và cai trị; thái độ coi khinh dân chúng đang phải trả giá. Từ chuyến “kiểm tra tiến độ công trình Formosa” đầy nghi vấn của Tổng bí thư Trọng đến thái độ khuất lấp khi công bố nguyên nhân gây cá chết của giới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tai họa không ai dám mua cá cho đến thực trạng các chính quyền địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã quá chậm lụt để hỗ trợ cho tầng lớp ngư dân sắp rơi vào cảnh đói kém bần cùng.
“Thu mua toàn bộ thủy sản đánh bắt xa bờ” ư? Ai còn có thể tin vào một chính phủ mà lẽ ra đã phải đưa ra quyết định này 3 tuần trước đó chứ không để ngư dân hết gạo nấu cơm và tràn ra quốc lộ biểu tình? Sẽ lấy tiền ngân sách mà thực chất là tiền đóng thuế của dân để bố thí lại cho dân? Vậy thủ phạm giết biển nào sẽ phải lộ mặt để bồi thường cho lớp ngư dân khốn khổ trong không phải vài tuần hoặc vài tháng, mà cả hàng năm trời nữa khi biển còn ô nhiễm?
Hà Tĩnh nghèo, dân đói quan no. Hà Tĩnh tết nào cũng phải vác rá xin gạo. Ai có thể tin vào một chính quyền địa phương đã không làm gì để cứu trợ ngư dân, trong lúc chăm bẳm đến vài ngàn tỷ đồng để xây “trung tâm hành chính hiện đại”?
Ai có thể tin rằng một chính phủ cùng các bộ ngành của nó đã cấp phép xả thải vào lòng biển cho Formosa và dành ưu ái quá nhiều và quá đáng nghi ngờ cho doanh nghiệp này lại có thể “vì dân”? Và ai có thể tin được được một chính quyền với công bố về nguyên nhân giết biển là “thủy triều đỏ” mà không hề dám đụng đến doanh nghiệp đang bị tình nghi là “căn cứ Trung Quốc”?
Hãy ghi nhớ và hãy lưu vào sử sách: không một ai trong “tứ trụ” đảng, từ Nguyễn Phú Trọng đến Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc đã làm một cử chỉ tối thiểu đến thăm và an ủi ngư dân tay trắng vào tháng Tư đen tối!
Cây đời sẽ mãi mãi xanh tươi!
‘’Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia;
Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;
Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!”.
Những lời kêu gọi vừa quyết liệt vừa tha thiết ấy nổ ra trên mạng xã hội. Cho một cuộc biểu tình đồng cảm với nỗi đau ngư dân miền Trung và đòi hỏi phải tìm bằng được thủ phạm giết biển.
Ô nhiễm và tàn phá môi trường không còn là chuyện xa vời ở châu Âu và châu Mỹ, mà đã trực tiếp gây tai họa ở nhiều tỉnh tại Việt Nam. Bùn đỏ boxit ở Đắc Nông, bụi titan ở Bình Thuận và Ninh Thuận, và gần đây nhất là nạn nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long cùng cá chết ở miền Trung. Tất cả đều hiểm họa trực tiếp đến đời sống và chén cơm của người dân. Không chỉ vùng nông thôn mà nhiều đô thị sẽ phải chịu chung số phận. Chất độc ở biển Hà Tĩnh còn có thể lan đến cả Phú Quốc ở cực Nam Tổ quốc…
Tháng Năm năm 2016.
Lại là tháng Năm Tổ quốc lên tiếng. Sài Gòn và Hà Nội đã từng có tiền lệ vào tháng Năm.
Tháng Năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 ngạo nghễ và thách thức lao vào Biển Đông, một cuộc biểu tình phản kháng lớn chưa từng thấy từ năm 1975 đã nổ ra ở Sài Gòn. Khởi đầu chỉ với một nhóm nhỏ trí thức ở Nhà hát thành phố, nhưng cuộc xuống đường này đã rất nhanh chóng thu hút rất nhiều người đang chờ đợi hai bên đường. Về sau này, rất nhiều người dân và trí thức vẫn say sưa khi thuật lại cảm xúc lần đầu tiên được gia nhập và hô vang tiếng lòng trong một cuộc biểu tình chính nghĩa và tự phát chưa từng có như thế.
Còn hiện tình thì sao? Có lẽ nào những người dân vẫn ưu tư và nặng lòng với môi trường cùng hiện trạng đau khó của dân tộc lại bỏ qua quyền hiến định được biểu tình của họ? Có lẽ nào người dân không thể tự tìm cách biểu hiện quyền tự do tụ họp và tự do thể hiện chính kiến để tự bảo vệ mình, trong lúc quá nhiều quan chức chính quyền đã quá vô trách nhiệm trong quá nhiều lần trước dân sinh?
Hãy nhớ, xã hội Việt Nam đã trở nên quá vô cảm trong lối sống bon chen, chà đạp và giành giật lẫn nhau. Một xã hội vô cảm và ích kỷ là hầm kín không có lối thoát.
Hiện tại và tương lai, nếu không khí vô cảm vẫn chiếm đoạt mà khiến những cuộc biểu tình vì môi trường hoặc vì dân sinh vẫn chỉ là hành động của những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, có thể nói chính quyền đang và sẽ thắng đòn quyết định: hoặc vô cảm hoặc sợ hãi, hoặc cả hai tâm lý đó sẽ “cừu hóa” dân chúng. Người dân sẽ tiếp tục bị bóc lột, bị đày đọa đến tận cùng mà không ngóc đầu lên nổi.
1/5. Một lần bớt vô cảm! Một lần xuống đường để ít nhất thể hiện tình cảm chia sẻ với đồng bào miền Trung – những nạn nhân của chính sách tăng trưởng bất chấp cùng lòng tham vô độ của các nhóm lợi ích chính trị.
Một lần bớt sợ hãi để vượt qua chính mình.
Chế độ phải đến lúc hoang hóa. Nhưng cây đời sẽ mãi mãi xanh tươi!