Trong bài “Can đảm và sáng suốt” kỳ trước, tôi có khen những lời phát biểu trước Quốc hội của ba đại biểu Võ Thị Dung, Trương Trọng Nghĩa và Lê Văn Lai. Nhận định của họ vừa chính xác vừa sâu sắc. Phát biểu một cách công khai những nhận định ấy trước diễn đàn Quốc hội là một điều dũng cảm, rất đáng khen ngợi.
Tuy nhiên, ở đây, có hai điều cần chú ý. Thứ nhất, cả ba người đều không đi xa hơn việc ghi nhận sự kiện. Họ không đi sâu vào việc truy tầm nguyên nhân của các vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam: sự lãnh đạo độc tôn và đầy sai lầm của đảng Cộng sản. Thứ hai, những phát biểu của họ tuy mới lạ trên diễn đàn Quốc hội nhưng lại không có gì mới lạ ở ngoài xã hội. Nói cách khác, những điều họ nói chúng ta đã từng nghe rất quen thuộc trong các cuộc chuyện trò giữa những người dân với nhau.
Tôi có dịp gặp khá nhiều trí thức Việt Nam sang Úc. Tất cả đều thấy rõ những thử thách mà Việt Nam đang đối diện. Thứ nhất là nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc không những bằng quân sự trên biển đảo mà còn bằng con đường kinh tế nhằm lũng đoạn thị trường và làm tha hoá con người Việt Nam. Thứ hai là quốc nạn tham nhũng càng lúc càng phổ biến và trầm trọng ở mọi nơi và mọi cấp. Thứ ba là kinh tế càng ngày càng kiệt quệ, ngân sách bị bội chi, nợ công thì chồng chất.
Thứ tư là, về phương diện xã hội, nạn kẹt xe và tai nạn giao thông rất cao, thực phẩm bị nhiễm độc, gây ra những chứng bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư thuộc loại nhiều nhất thế giới. Thứ năm là sự băng hoại của đạo lý, sự xuống cấp của giáo dục, quan hệ giữa người với người càng lúc càng trở nên lạt lẽo, ai cũng chỉ biết lo cho chính bản thân mình và vô cảm trước những thử thách và nguy hiểm lớn lao của đất nước.
Tất cả những vấn đề tôi tóm tắt ở trên, hầu như ai cũng biết. Người sống ở hải ngoại biết. Người sống trong nước cũng biết, thậm chí, biết còn rõ và sâu hơn cả những người hiện đang sống ở hải ngoại.
Tất cả các bài viết phê phán Việt Nam từ trước đến nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, không thể vượt qua được những nhận xét có tính bao quát ấy. Thế nhưng, ở đây lại nảy ra một vấn đề: tại sao những chuyện ai cũng biết ấy lại không dẫn đến bất cứ một hành động nào nhằm làm thay đổi hiện trạng tại Việt Nam? Tại sao mọi ước muốn dân chủ hoá Việt Nam vẫn lâm vào bế tắc?
Theo tôi, có hai lý do chính:
Thứ nhất, mọi người cứ cho việc thay đổi hiện tình chính trị Việt Nam là nhiệm vụ của… người khác. Người khác đó là ai? Không nói ra nhưng hầu như mọi người đều cho đó là trách nhiệm của giới lãnh đạo. Dường như mọi người đều quên bẵng câu châm ngôn đã thành truyền thống lâu đời: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Không chừng đó là hậu quả của chính sách tuyên truyền thâm độc của chính quyền và đảng cầm quyền lâu nay: “Đồng bào đừng lo, đã có đảng và nhà nước lo”. Điều oái oăm là ngay cả giới lãnh đạo cũng có tâm lý ấy. Còn nhớ, vào đầu năm 2014, trong một cuộc họp báo tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng hùng hồn tuyên bố “Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”. Nghe rất sướng tai.
Nhưng lời phát biểu ấy hoàn toàn không biến thành hành động.
Nguyễn Tấn Dũng cũng không hề cố gắng để biến nó thành hành động. Không chừng ông xem việc cụ thể hoá nhận xét ấy là nhiệm vụ của… người khác.
Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, cũng vậy. Trong suốt nhiệm kỳ của ông, ông nhiều lần lên án tệ nạn tham nhũng. Ông ví tham nhũng như một bầy sâu tàn phá đất nước. Nhìn bản đồ tham nhũng thế giới, trong đó, Việt Nam chiếm một vị trí rất cao, ông “buồn lắm, xấu hổ lắm”. Nhưng ông cũng không hề biến việc bài trừ tham nhũng thành một chính sách hoặc tìm cách tiến hành các chính sách ấy một cách hữu hiệu.
Ông chỉ than thở. Hết lần này đến lần khác. Trong cả nhiệm kỳ. Dường như với ông, việc thực hiện các nỗ lực bài trừ tham nhũng là việc của người khác. Không dính dáng gì đến ông cả.
Lý do thứ hai khiến mọi người, sau khi đã nhận thức được đúng đắn tình hình Việt Nam mà vẫn bất động, theo tôi, là sự tuyệt vọng. Người ta chỉ hành động khi có niềm tin. Nhưng niềm tin vào tương lai của đất nước thì hoàn toàn tắt ngấm.
Không ai hy vọng là Việt Nam có thể thoát ra khỏi vòng kim cô của Trung Quốc. Không ai hy vọng là nạn tham nhũng tại Việt Nam sẽ biến mất hoặc giảm thiểu. Không ai hy vọng chính phủ sẽ vực dậy được kinh tế, tránh tình trạng bội chi, kìm hãm nợ công, cải thiện nền giao thông, y tế và giáo dục trong nước. Tâm trạng ấy được thể hiện rõ nhất là qua câu nói cửa miệng của mọi người: “Cái nước mình nó thế”. Tôi đã từng phân tích và phê phán câu nói ấy: Nó vừa sai vừa thể hiện tâm lý đầu hàng.
Xưa, Việt Nam không thế. Ngay ở miền Nam, trước năm 1975, Việt Nam cũng không như thế. Sự khốn cùng và bế tắc của Việt Nam hiện nay không nằm ở tính cách hay bản chất của người Việt Nam. Nó nằm ở chỗ khác: lãnh đạo. Nó thuộc về chính trị chứ không phải là dân tộc tính.
Chính hai tâm lý vừa tuyệt vọng vừa cho việc cứu nước là nhiệm vụ của người khác đã biến mọi người, dù nhận thức đúng, vẫn trở thành dửng dưng, vô cảm và bất lực trước những hiểm hoạ mà đất nước đang đối diện.
Muốn thay đổi tình trạng ấy, vấn đề không phải là thay đổi nhận thức mà là thay đổi tâm lý. Để mọi người không chờ đợi vào đảng hay nhà nước mà phải tự mình gánh vác lấy trách nhiệm.