Anh Lê Nguyên Hồng thân mến,
Tôi ít khi viết hay nói cụ thể về chuyện này, vì 2 lẽ:
a) Việc hiện tại và tương lai quan trọng hơn là chuyện đã qua.
b) Nếu không khéo, người khác dễ hiểu lầm mình.
Nhưng vì yêu cầu của anh cần tư liệu cho bài viết sắp tới, nên tôi viết thư này kể lại cho anh một vài nét về quá trình hình thành Tuyên ngôn 8406 như sau:
1) Tôi ra Hà Nội đợt ấy khoảng 2 tuần (từ 23/2 – 6/3/2006). Lúc ấy công an Việt Nam đã biết tôi là Phương Nam, nhưng vẫn để tôi ra Hà Nội, chứ không như hiện nay, như anh biết là họ đã ngăn tôi đi Hà Nội 3 lần, tính từ cuối năm 2007 đến nay.
2) Tôi nhớ hôm ấy là khoảng đầu tháng 3/2006 có tôi, ông Trần Khuê, anh Nguyễn Khắc Toàn (mới ra tù ít lâu) cùng ăn cơm trưa tại nhà bác Hoàng Minh Chính, tại ngõ 26, phố Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Ăn xong, 4 người cùng ngồi uống trà & tôi lên tiếng trước, đại ý như sau:
“Trong thời gian qua, tình hình phong trào dân chủ Việt Nam đã có những bước phát triển mới rất tích cực, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Vì vậy, đây chính là thời điểm rất thuận lợi để những người đấu tranh dân chủ chúng ta cùng ra 1 bản Tuyên ngôn dân chủ, tương tự như cách mà nhóm ‘Hiến chương 77’ của những nhà dân chủ Tiệp Khắc đã làm vào năm 1977 vậy.
Cách đây 6 năm, vào năm 2000, nhóm các anh Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh ở Đà Lạt hình như cũng định ra một bản “Kết ước năm 2000” nhưng bị công an đàn áp nên vấn đề bị đóng lại. Nay xin đề nghị chúng ta quyết tâm làm, dù có bị công an đàn áp. Đề nghị mọi người cho ý kiến”.
Suy nghĩ một lúc, bác Hoàng Minh Chính lên tiếng trước, đại ý như sau: “Ý kiến của Phương Nam rất hay, bác đề nghị thế này: thứ nhất, Phương Nam đã nêu ý kiến thì Phương Nam hãy viết luôn bản dự thảo tuyên ngôn đó, rồi gửi cho mọi người cùng tham gia góp ý. Thứ 2, sau khi đã có bản tuyên ngôn dân chủ chính thức rồi thì chúng ta cần phải có một danh sách những người cùng ký tên ủng hộ nó.”
Tôi đồng ý với ý kiến đề nghị trên của bác Chính và nói sẽ viết dự thảo Tuyên ngôn dân chủ, sau khi tôi về lại Sài Gòn. Tôi cũng nói là thời gian dự kiến để hoàn thành nó là khoảng từ 7 đến 10 ngày. Tiếp theo, cả nhóm 4 người chúng tôi cùng thảo luận để lên bản danh sách những người tham gia ủng hộ bản Tuyên ngôn dân chủ, sau khi nó được công bố. Cuối cùng, một danh sách dự kiến được lập, với khoảng trên 50 người từ Bắc chí Nam.
Tôi về lại Sài Gòn ngày 6/3/2006 và tự vạch ra một bố cục cho bản dự thảo tuyên ngôn dân chủ. Đồng thời, tìm kiếm, tập hợp những tài liệu phục vụ cho công việc này. Nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị mới thấy công việc đó khó hơn tôi hình dung ban đầu. Vì vậy mà thời gian 2 tuần đã trôi qua nhưng mọi người vẫn chưa thấy tôi gửi bản dự thảo đi. Bác Chính cũng đã thông báo với Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế biết về việc tôi đang viết dự thảo Tuyên ngôn dân chủ. Vì vậy mà những ngày ấy, tôi luôn nhận được những cuộc điện thoại của cả bác Chính & Lm Lý hỏi tôi: “Xong chưa? xong chưa?”. Tôi trả lời: “Sắp xong!”.
Sáng ngày 23/3/2006, sau khi đã chuẩn bị xong các ý tưởng, bố cục và tài liệu để bắt đầu viết nó thì tôi bị một nhóm công an Sài Gòn khoảng 6 – 7 người, đều mặc thường phục hành hung tại quán café Lối Về, số 438 đường Nguyễn Kiệm – phường 3 – quận Phú Nhuận. (có lẽ họ nghe trộm điện thoại nên biết tôi đang làm việc này). Tôi bị họ đánh rách môi, bị tét ở khóe mắt và chảy máu, người đau ê ẩm từ đầu đến chân. Họ giữ tôi 38 tiếng tại đồn công an Q.Phú Nhuận, mặc dù suốt khoảng thời gian đó tôi bị sốt cao vì trận đòn thù kia, nhưng tất cả họ đều không hề hỏi tôi có cần uống thuốc hay không. Máu của tôi vẫn tiếp tục chảy và tôi đã phải nhiều lần đi vào toilet để rửa nó, trước sự bám sát của công an.
Trong khoảng thời gian 38 tiếng đó, họ cũng đưa tôi lên xe ôtô để về nhà tôi: Mấy chục người vừa công an, vừa “chính quyền” đã “diễu võ giương oai” chỉ để sau đó lôi đi chiếc máy tính của tôi. Theo tôi, mục đích chính của họ trong “động tác nghiệp vụ” này chỉ là muốn khủng bố tinh thần tôi và nhất là gia đình tôi mà thôi. Về sự việc trên, linh mục Nguyễn Văn Lý đã viết một bản tường trình có tựa đề: “Tại sao kỹ sư Đỗ Nam Hải bị bắt và bị đánh” và đưa lên Internet cuối tháng 3/2006. (lúc đó máy tính của tôi chứa đầy các tài liệu phục vụ cho việc viết dự thảo tuyên ngôn, nhưng chính bản dự thảo thì tôi lại chưa viết).
Sau gần 2 ngày ở đồn công an, tôi về nhà và càng quyết tâm thực hiện công việc đó cho bằng được. Linh mục Nguyễn Văn Lý gọi điện thoại cho tôi, ông nói đại ý: “Bây giờ, kỹ sư (tôi) đang gặp khó khăn, máy tính lại bị tịch thu. Hay là kỹ sư để người khác làm công việc này?”. Tôi trả lời: “Không, tôi vẫn đang bị sốt vì trận đòn thù đó, tay phải của tôi bị chúng nó bẻ quặt ra đằng sau mạnh quá nên vẫn chưa duỗi thẳng ra được. Nhưng rồi vài hôm nữa tôi sẽ khỏi và tôi sẽ mua lại máy tính. Sự việc xảy ra vừa qua càng làm cho tôi thêm quyết tâm phải làm cho xong và làm tốt công việc này, vì 2 lẽ: thứ nhất, đây là thời cơ và chúng ta phải nhạy bén tận dụng thời cơ này để ra bằng được bản Tuyên ngôn dân chủ. Thứ 2, tôi quyết tâm làm để chứng minh cho bộ máy công an trị này biết rằng: họ đã thất bại thảm hại khi họ sử dụng bạo lực!”.
Sau đó khoảng 2 ngày, tôi khỏi sốt, mua lại máy tính và bắt đầu viết bản dự thảo trên. Tôi đặt tên ban đầu cho nó là Tuyên ngôn dân chủ Việt Nam. Khoảng 9 giờ sáng ngày 7/4/2006 tôi đã hoàn thành bản dự thảo và gửi nó qua e-mail cho 7 người đấu tranh dân chủ trong nước là: bác Hoàng Minh Chính, ông Trần Khuê, các anh Hà Sỹ Phu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Chính Kết, thượng tọa Thích Không Tánh và Linh mục Nguyễn Văn Lý.
Như vậy là kể cả tôi thì chỉ có 8 người lúc ấy có bản dự thảo này. Tôi cũng in ra 3 bản để đi tới nhà ông Trần Khuê tại quận 5 Sài Gòn sáng hôm ấy, vì có hẹn với anh Nguyễn Chính Kết & ông Trần Khuê để cùng thảo luận nó. Nhưng khi 3 chúng tôi vừa mở nó ra chuẩn bị thảo luận thì có vị khách đột xuất, nên công việc đành phải xếp lại. Vì vậy, chúng tôi cùng hẹn sáng hôm sau, ngày 8/4/2006 sẽ quay lại để tiếp tục thảo luận.
Sau đó, tôi đi ăn trưa với một người quen và khoảng 14 giờ 30, khi tôi về đến nhà thì đã thấy 2 công an Sài Gòn đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi ở trên lầu. Đó là viên trung tá công an tên là Đoàn Duy Thanh – Đội phó đội An ninh nhân dân – công an Q.Phú Nhuận và một kỹ thuật viên máy tính mà tôi không biết tên (ông Thanh nay lên trưởng ban ANND – CA Q.Phú Nhuận thay cho viên trung tá Nguyễn Hoài Phong chuyển công tác. Còn ông Phong chính là người đã chỉ huy nhóm công an hành hung tôi tại quán café Lối Về, sáng ngày 23/3/2006, mà Linh mục Lý có nêu tên trong bài viết nói trên.
Thấy tôi, ông Đoàn Duy Thanh nói ngay: “Chúng tôi nhận được một công văn hỏa tốc từ Hà Nội của Tổng cục an ninh – Bộ công an, với nội dung là: có một bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ đã được gửi đi cho nhiều người từ nhà anh, vào lúc 9 giờ sáng nay. Chúng tôi được cấp trên yêu cầu kiểm tra ngay máy tính của anh để báo cáo gấp với Bộ” (“Bộ” tức là Bộ công an Việt Nam). Sau đó, ông ta rút từ trong cặp ra cho tôi xem tờ công văn đó và yêu cầu tôi mở cửa phòng để họ kiểm tra máy tính của tôi.
Tôi đọc xong và nói với ông Thanh (có sự chứng kiến của mẹ tôi và cậu công an giúp việc ông Thanh): “Tôi phản đối hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn này của công an Việt Nam các ông. Nhưng tôi biết là dù có phản đối thì công an các ông cũng sẽ quyết tâm vi phạm Hiến pháp và luật pháp Việt Nam mà thôi. Từ trước đến nay các ông đều như vậy cả rồi. Vì vậy, nếu muốn thì các ông cứ việc kiểm tra, nhưng trước khi kiểm tra thì tôi cũng nói thẳng với các ông rằng: Đúng, đúng là có 1 bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ do tôi viết và tôi đã gửi đi cho nhiều người vào sáng nay, từ chiếc máy tính của tôi.”
Hai viên công an đó đã kiểm tra máy tính của tôi từ 15:00 giờ đến 17:30. Dỹ nhiên là họ tìm thấy ngay bản dự thảo ấy, vì tôi vẫn lưu nó trong máy tính của mình. Trong khoảng thời gian đó, ông Thanh gọi điện thoại rất nhiều lần cho cấp trên của ông ta để xin ý kiến chỉ đạo. Cuối cùng họ niêm phong máy tính của tôi lại và yêu cầu tôi lên đồn công an Q.Phú Nhuận để tiếp tục thẩm vấn. Khoảng 10 giờ 30 tối cùng ngày, tôi được về và sáng hôm sau, ngày 8/4/2006 tôi lại phải lên trên đó cả ngày để trả lời những câu hỏi ba lăng nhăng của họ (hồi ấy tôi vẫn phải lên đồn công an mỗi khi họ yêu cầu. Nhưng từ tháng 5/2007 đến nay, tôi cương quyết không lên đồn công an nữa, dù họ có gửi Giấy mời hay Giấy triệu tập. Vì vậy nên mới có trò họ chặn bắt tôi hàng trăm lần rồi dẫn giải về đồn công an, mỗi khi tôi ra đường. Trong những trường hợp như vậy, tôi đã nhất định không chịu làm việc với họ, như anh đã biết).
Khoảng 17 giờ ngày 8/4/2006, khi tôi vừa từ đồn công an quận Phú Nhuận bước ra thì nhận được điện thoại của Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông nói đại ý: “Sáng hôm qua, sau khi nhận được bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ Việt Nam của kỹ sư gửi và biết được những khó khăn sau đó của anh thì chúng tôi nhận định rằng: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất lo sợ bản Tuyên ngôn này ra đời và do vậy, họ sẽ cố gắng ngăn cản nó bằng mọi cách. Anh em chúng tôi ngoài Huế đã tập trung làm việc cật lực, kể cả thức đêm để mau chóng hoàn tất nó, vì e rằng công an Huế cũng sẽ bất ngờ ập vào nhà chúng tôi để tịch thu máy tính và các phương tiện làm việc khác. Sau gần 30 giờ thì bản Tuyên ngôn đó đã hoàn thành, với tên gọi là: Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006. Chúng tôi đã gửi nó lên Internet vào khoảng 15 giờ chiều nay. Vì vậy, nếu có thể được thì kỹ sư hãy tìm cách cắt đuôi công an để vào một tiệm Internet nào đó đọc nó.”
Tôi bèn tìm cách cắt đuôi công an và đã đọc được nó ngay sau đó. Tôi vừa đọc vừa khóc vì cảm động. Tôi cho rằng: Đây là công trình lao động trí tuệ tập thể mà mình cũng đã góp phần xây dựng nó. Cảm động hơn nữa là các vị Linh mục ngoài Huế (nhóm 3 Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phan Văn Lợi) và các cộng sự đã vận động được một danh sách gồm 118 người tham gia ký tên đầu tiên. Họ tất cả đều ở trong nước, trải dài từ Bắc vào Nam, có tên, địa chỉ cụ thể và với nhiều ngành nghề, tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân, v.v… khác nhau. Khối 8406 ra đời! Nỗi sợ của nhân dân đối với cái bộ máy công an trị đồ sộ và tàn bạo này tuy vẫn còn nhưng đã dần được đẩy lùi một bước lớn và rất quan trọng. Đó là nỗi vui mừng khôn xiết của tôi lúc ấy!
Những sự việc diễn ra sau đó như thế nào, đồng bào ta ở trong, ngoài nước cùng cộng đồng quốc tế tiến bộ đã ủng hộ bản Tuyên ngôn 8406 & Khối 8406 đó ra sao thì anh cũng đã nắm rõ. Tôi không cần phải kể lại nữa.
Chúc anh luôn mạnh khỏe & bình an.
Thân mến.
Đỗ Nam Hải.
441 Nguyễn Kiệm – P.9 – Q.Phú Nhuận – Tp. Sài Gòn.
(tháng 2/2009)