Quyền tự do ngôn luận dưới sức ép đang gia tăng trở lại
(New York, Ngày 22 tháng Ba năm 2016) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với hai blogger nổi tiếng. Phiên tòa xử Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Ba năm 2016 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Hai người đã bị truy tố theo điều 258 của bộ luật hình sự về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Họ đã bị bắt giam từ tháng Năm năm 2014. Phiên tòa xử hai người lúc đầu được dự kiến vào ngày 19 tháng Giêng, nhưng rồi bị hoãn lại trước thềm Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức định kỳ năm năm một lần.
“Hai blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã bị giam giữ gần hai năm chỉ vì đã lên tiếng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và những người lãnh đạo, trong khi chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn các văn bản luật về nhân quyền có nội dung hiển nhiên bảo vệ các hành vi của họ,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Nhân quyền phát biểu. “Chính quyền cần ngay lập tức phóng thích hai blogger và bồi thường về thời gian họ bị giam giữ oan.”
Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm), nguyên là sỹ quan công an và đảng viên, khởi xướng blog Ba Sàm từ năm 2007, với ý định giáo dục độc giả Việt Nam bằng cách dẫn các đường link liên kết với tin tức từ nhiều góc nhìn khác nhau. Phần lớn các đường liên kết được dẫn từ báo chí nhà nước. Blog của ông còn đăng tải các bài báo, xã luận về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa Việt Nam. Blog cũng đăng các bài chuyển ngữ từ các bài báo tiếng Anh, tiếng Pháp và trích đoạn một số cuốn sách.
Trong sáu năm hoạt động tính đến ngày hai người bị bắt, trang Ba Sàm đã thu hút được hàng triệu độc giả trong và ngoài nước Việt Nam. Theo bản cáo trạng, một blog trên website này, tên là Dân Quyền (được thành lập từ tháng Chín năm 2013) đã “đăng 2014 bài viết, 38.574 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập.” Bản cáo trạng cũng nói rằng một blog khác, tên là Chép Sử Việt (thành lập từ tháng Giêng năm 2014), “đã đăng 383 bài viết, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.”
Bản cáo trạng liệt kê 12 bài viết đã đăng tải trên Dân Quyền và 12 bài trên Chép Sử Việt “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng làm ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc Hội và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Một trong số 24 bài báo nêu trên là bài “Chuyện kể Năm 2000, Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản” do một cựu đảng viên, Phạm Đình Trọng viết. Bài viết phê phán chính quyền cộng sản về chuỗi lịch sử từ thập niên 1960 đến nay của chính sách tùy tiện bỏ tù và đầy đọa các tiếng nói bất đồng. Bài báo viết, “ Làm sao (đảng cộng sản) có thể giam cầm được sự thật, giam cầm được lẽ phải. Làm sao có thể giam cầm được tâm hồn, trí tuệ và khí phách.”
Một bài báo khác được “vạch mặt chỉ tên” trong bản cáo trạng là bài “Tòa xử Trương Duy Nhất, các bị hại sẽ lủi đi đâu” của một tác giả ẩn danh. Bài báo tiên liệu rằng trong phiên xử một blogger nổi tiếng khác, Trương Duy Nhất, trong tháng Ba năm 2014, sẽ không có mặt những người gọi là nạn nhân của hành vi viết blog của Trương Duy Nhất, trong đó có tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài báo nhận định rằng “Dư luận trong nước và quốc tế cũng lại có một cơ hội để đo đếm về nội tình ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam và những hứa hẹn “nhân quyền” của nó sau chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và trước TPP (Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương).”
Một bài khác nữa bị điểm danh trong cáo trạng là bài “‘Ông trời con’ Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ” của các blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn. Bài báo nói rằng một ông tướng công an, Hoàng Kông Tư, “hành xử như ông trời con” vì ông này đe truy tố một tác giả trong Ban Việt ngữ Đài BBC, người đã viết bài báo về một vụ án tham nhũng ở Việt Nam.
Báo chí nhà nước đưa tin rằng các quan chức Bộ Công an, trong đó có một thứ trưởng không rõ tên, đã cố thuyết phục ông Nguyễn Hữu Vinh ngừng đăng các bài “chống Đảng, chống Nhà nước,” nhưng không có tác dụng.
Vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Lê Thị Minh Hà, nói rằng sức khỏe ông Vinh đã giảm sút nghiêm trọng trong thời gian giam giữ. Trong lần đi thăm ông vào tháng Mười năm 2015, chồng bà cho biết bị nổi các nốt mẩn đỏ khắp người. Bà đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới nhiều quan chức chính quyền, kể cả Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đề nghị cho phép ông Nguyễn Hữu Vinh được khám chữa bệnh đầy đủ. Bà Lê Thị Minh Hà cũng đã nhiều lần nộp đơn khiến nại phản đối việc bắt giữ tùy tiện chồng mình, nhưng các lá đơn của bà đều bị lờ đi.
Việt Nam là một quốc gia thành viên của Hiệp ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, có nội dung bảo vệ hành vi bày tỏ chính kiến ôn hòa, bao gồm cả ý kiến phê phán chính phủ và lãnh đạo. Nhưng Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không phải là những blogger duy nhất bị bắt giữ vì đã bày tỏ quan điểm trái ý chính quyền.
“Các đối tác và nhà tài trợ của Việt Nam cần công khai lên tiếng phản đối cáo buộc vô lý nhằm vào Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy,” ông Adams nói. “Các bên cần yêu cầu chính quyền phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và hủy bỏ mọi cáo buộc hiện có nhằm vào các tiếng nói bất đồng chính kiến.”