Giải thích từ ngữ “Phản động”, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (phiên bản ngày 16:51, ngày 22 tháng 11 năm 2015) cho biết từ này trong tiếng Việt mượn từ tiếng Trung, có nghĩa là xu hướng đi ngược lại hoặc chống lại trạng thái đang chuyển động, đang thay đổi, đang tiến hóa.
– Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì xã hội muốn phát triển và tiến bộ, phải không ngừng vận động và phát triển. Những lực lượng kìm hãm vận động và phát triển, gây ra sự trì trệ là những lực lượng phản động.
– Tiếng Anh “reactionary” và theo tiếng Pháp “réactionnaire”, dịch sang tiếng Việt là “phản động”, chỉ những người hoặc nhóm người đi ngược lại trào lưu tiến hóa xã hội, nhằm duy trì hoặc phục hồi một xã hội đã lỗi thời.
– Còn theo Từ điển Oxford English Dictionary, từ “reactionary” (phản động) chỉ quan điểm chính trị chống đối, đàn áp những cải cách trong quản lý nhà nước.
– Trong tất cả những cách giải thích, “phản động” là một từ không có nghĩa bóng. Nghĩa đen của nó mang tính hoàn toàn tiêu cực.
– Nhưng theo các Đảng cộng sản, nhất là các đảng cộng sản đang cầm quyền, toàn trị thì từ “phản động” lại được giải thích hết sức tùy tiện, cả trong đối ngoại và đối nội. Theo họ, bất kỳ ai, bất kỳ hành vi nào dù là ôn hòa nhưng đe dọa đến quyền lực tuyệt đối và sự tồn tại của đảng đó đều là phản động. Dưới đây là vài dẫn chứng:
Từ thời lập quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Mao Trạch Đông luôn luôn coi Đảng Cộng sản Liên Xô là “đồng chí” và coi Mỹ là kẻ thù số 1, là “phản động”. Đến cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 20, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại coi Đảng Cộng sản Liên Xô là “phản động” và sang thập kỷ 70 thì bắt tay hữu hảo với Mỹ.
Ở Việt Nam, cho đến trước ngày “đổi mới”, Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đó là Đảng Lao động Việt Nam) luôn luôn coi Mỹ là kẻ thù, là phản động. Đến nay thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại coi Mỹ là đối tác toàn diện. Trong thập kỷ 60, tư tưởng Mao Trạch Đông từng được coi là kim chỉ nam, ghi trong Cương lĩnh của Đảng. Sau năm 1979, Hiến pháp Việt Nam ghi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, là phản động. Lòng vòng đến nay, Trung Quốc lại được coi là ông bạn láng giềng “4 tốt”.
Còn đối nội thì sao?
Vào thập kỷ 60 (thế kỷ 20) ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú là người khởi xướng “khoán hộ trong nông nghiệp” để cứu dân khỏi đói. Ông đã bị Tổng bí thư Trường Chinh chỉ thị phải kiểm điểm, bị ngưng chức bí thư tỉnh ủy, sau đó ít năm thì lặng lẽ về hưu, chỉ vì bị quy tội đi ngược chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng của Đảng, phá hoại chủ nghĩa xã hội. Nhưng sau khi ông mất, Đảng Cộng sản Việt Nam lại ca ngợi ông là người có công trong sự nghiệp đổi mới và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10, những ai mong muốn làm giàu đều bị quy là có tư tưởng phản động thối tha, muốn phục hồi chủ nghĩa tư bản, đi ngược với chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng của đảng. Sau Đại hội 10 lại có Quy định số 15/QĐ TW cho phép đảng viên cộng sản làm kinh tế tư nhân, tức là được phép trở thành các nhà tư bản. Cách đây chỉ vài ngày, trong lần đến thăm trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Đinh La Thăng, tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh còn mạnh miệng hơn nữa, yêu cầu nhà trường phải giáo dục khuyến khích sinh viên có khát vọng làm giàu.
Như vậy, ghép ai là phản động là tùy theo ý thích từng cơn, từng lúc, của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản, chứ không có tiêu chuẩn chân lý nào. Hôm nay bạn có thể bị họ quy tội phản động, thậm chí bỏ tù, thủ tiêu nhưng ngày mai bạn lại có thể được họ mang hoa đến viếng. Họ coi người dân chúng ta như con rối để giật dây lúc nào tùy thích.
Vậy đối với chúng ta, tiêu chuẩn chân lý nào để phân biệt “phản động” hay “tiến bộ”?
Thực tiễn chính là thước đo chân lý, phân biệt cái gì và ai là phản động hay tiến bộ.
Học thuyết Marx ra đời từ thế kỷ 19. Nay là thế kỷ 21. Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[1]. Tuy rằng học thuyết Marx không bị chối bỏ hoàn toàn nhưng cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh học thuyết đó là không chính xác: Dự báo kinh tế của Marx, giải pháp của Marx, lời tiên tri của Marx đều không trở thành hiện thực[2]. Chủ nghĩa tư bản có những khuyết tật nhưng nó luôn luôn thay đổi và đến nay còn năng động hơn so với khi Marx cho ra đời cuốn Tư bản. Vậy tại sao có thể quy những người không theo học thuyết Marx – Lenin là phản động?
Ngay cả ông Trương Tân Sang là Chủ tịch nước cũng đã nói tham nhũng đang là quốc nạn (xem link) và công nhận nền kinh tế và xã hội nước ta đang ở tình trạng trì trệ và chính ông đã tự nhận mình có phần trách nhiệm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nói “Việt Nam là một quốc gia kỳ lạ, không chịu phát triển” (xem link) mà ai cũng biết đó là kết quả của sự lãnh đạo và cầm quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Căn cứ theo định nghĩa về từ “phản động”, đối với những ứng viên tự ứng cử đại biểu quốc hội như ông Phan Văn Phong, đã công bố công khai chương trình tranh cử cho toàn dân biết, là những người thật sự đại diện ý nguyện của dân, mong muốn góp phần chống tham nhũng thành công, bảo vệ chủ quyền của đất nước, góp phần chống lại mọi sự lạm dụng và tha hóa quyền lực của bộ máy nhà nước, đang làm hại đến lợi ích chính đáng của người dân, góp phần chấn hưng nền giáo dục quốc gia, góp phần thúc đẩy đất nước chúng ta phát triển để không hổ thẹn với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới thì sao có thể qui kết những người ấy là những kẻ phản động? Phải chăng những người quy kết như thế là những kẻ mất trí và chính họ là những kẻ phản động. Các vị đã tự ứng cử đại biểu quốc hội nên vững trí, tự tin ở chân lý, tin ở sự sáng suốt của người dân, đừng để bị lung lạc bởi lời đe dọa của một vài kẻ mất trí trong Tiểu ban An ninh của Hội đồng bầu cử.
T.B.
Tác giả gửi BVN
—
Chú thích:
[1]- “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, 14/02/2016, http://nghiencuuquocte.org/2016/02/14/lam-chu-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/
[2] – “Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa tư bản”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, 22/5/2014, http://nghiencuuquocte.org/2014/05/22/marx-chong-lai-chu-nghia-tu-ban-p2/